NextGen Việt Nam 2022: Chọn con đường nào?
PwC vừa công bố Báo cáo khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) Việt Nam 2022.
Ngày 14/6, tại TP.HCM, PwC Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư thực hiện hội thảo chủ đề “Chân dung NextGen Việt: Nhà Lãnh đạo hôm nay và mai sau”. Sự kiện đã hội tụ nhiều diễn giả, các CEO và thế hệ kế nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân và gia đình tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, PwC – một trong các công ty tư vấn hàng đầu đã công bố Báo cáo Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) Việt Nam 2022. Theo ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình và Tư nhân của PwC Việt Nam, đây là nghiên cứu nhằm giúp các NextGen – những nhà lãnh đạo tương lai của các công ty gia đình có cái nhìn rõ nét hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt. NextGen có những thuận lợi từ nền tảng gia đình tạo dựng nhưng ngày nay, thế hệ kế nghiệp sẽ phải chọn lựa con đường duy trì di sản gia đình theo hướng đi tiếp hay định hướng sang con đường mới. Dù là lựa chọn nào thì với các NextGen ở Việt Nam, Malaysia, Châu Âu, Mỹ... đó đều là thách thức.
Khảo sát của PwC cũng đề cập đến con đường thành công ở các công ty gia đình. Đó không chỉ là chú trọng vào tăng trưởng mà cần ưu tiên những vấn đề khác như Môi trường, Xã hội, Quản trị (ESG) cũng như Chuyển đổi số.
Khát vọng của nhà lãnh đạo tương lai
Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Dịch vụ Doanh nghiệp Gia đình và Tư nhân PwC Việt Nam chia sẻ, PwC đã tiến hành khảo sát NextGen tại 68 quốc gia từ tháng 10-12/2021. Ở lần khảo sát này, PwC đã phỏng vấn 1.036 thành viên thế hệ NextGen toàn cầu. Trong số này có 38 đại diện đến từ Việt Nam, chủ yếu là nhóm kế thừa (F1 chiếm 61% số người khảo sát), còn trẻ tuổi (từ 21-37 tuổi), và đến từ nhiều ngành nghề khác nhau.
Theo khảo sát, 71% NextGen Việt Nam xác nhận đại dịch đã giúp gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp gia đình hơn. Thế hệ đương nhiệm và kế nhiệm đã có thể ngồi lại với nhau để trò chuyện về các câu chuyện kinh doanh. So với toàn cầu và khu vực, mức độ giao tiếp giữa các thế hệ lãnh đạo ở công ty gia đình Việt Nam chặt chẽ hơn. Nhờ đó, 47% NextGen khảo sát cảm thấy gắn kết với công việc kinh doanh của gia đình hơn. Và hơn 66% NextGen Việt Nam đang tham gia vào các công việc của công ty gia đình.
PwC nhận định, các cuộc trao đổi giữa NextGen và lãnh đạo đương nhiệm sẽ đóng vai trò then chốt trong việc truyền cảm hứng, tạo động lực, niềm tin, chia sẻ kiến thức và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển giao. Dù vậy, chất lượng các cuộc trao đổi vẫn cần được cải thiện hơn.
Hiện tại, hơn nửa số NextGen Việt Nam tham gia khảo sát cho biết, họ quan tâm nhiều nhất đến tăng trưởng kinh doanh. Đây cũng là mối bận tâm của các NextGen toàn cầu. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, NextGen Việt Nam có khát vọng đóng góp và định hình công ty gia đình. Họ muốn trở thành tác nhân tạo ra thay đổi cho doanh nghiệp gia đình, rút ngắn khoảng cách với thế hệ lãnh đạo đương nhiệm, đảm đương các vị trí lãnh đạo trong công ty gia đình. Trước mắt, trong 5 năm tới, các NextGen sẽ phải chứng minh năng lực, học hỏi kinh nghiệm, cọ xát thực tế thông qua việc tham gia điều hành các dự án dưới sự bảo trợ của gia đình. Các dự án này sẽ giúp doanh nghiệp gia đình đổi mới sáng tạo còn NextGen có thể tham gia góp phần giải quyết những vấn đề của công ty, nắm bắt những cơ hội mà thế hệ đương nhiệm có thể chưa nhìn thấy.
Công thức tạo tăng trưởng
Để hiện thức hoá tăng trưởng cho doanh nghiệp trong tương lai, các NextGen Việt Nam cho biết sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực sau: cải thiện môi trường/phương thức làm việc, ứng dụng công nghệ mới, chú ý chất lượng sản phẩm/dịch vụ, quản lý nhân tài, mở rộng thị trường/ngành mới. Trong đó, công nghệ được xác định sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, các NextGen Việt Nam đã và sẽ áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực số, đầu tư cho Nghiên cứu – Phát triển (R&D), chú trọng bảo mật và an ninh mạng.
Vì vậy các NextGen Việt Nam đang cố gắng tham gia vào nhiều lĩnh vực có liên quan đến công nghệ và số hoá, đồng thời áp dụng công nghệ vào công việc của mình.
Dù vậy, NextGen cũng đối diện một số khó khăn nhất định, như ông Lê Viết Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (HBC) chia sẻ về sự không đồng đều trong hạ tầng công nghệ giữa các bộ phận công ty và các công ty trong hệ sinh thái. Ngoài ra, NextGen cũng gặp khó khăn trong việc thuyết phục đội ngũ lãnh đạo đương nhiệm ủng hộ các chính sách điều chỉnh và thay đổi ở công ty. Thông thường, ông Hiếu phải vận động hành lang trước khi triển khai.
Chuẩn bị nào cho NextGen?
Để tiếp tục mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gián đoạn kinh doanh do đại dịch và tiến bộ công nghệ, theo PwC, các NextGen cần nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng liên quan đến tài chính kinh doanh và triển khai các vấn đề ESG.
Thách thức cho NextGen Việt Nam là thế hệ lãnh đạo đương nhiệm chưa thật sự an tâm chuyển giao trọng trách cho họ. Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty An Phước cho biết, dù đã tin tưởng vào con mình nhiều hơn, nhất là thấy con đã trưởng thành khi quản lý công ty và triển khai sản xuất 3 tại chỗ thời đại dịch cho hàng ngàn công nhân, nhưng bà vẫn chưa thể chuyển giao hết.
Hiện nay, các NextGen đã nhận thức vai trò nhà lãnh đạo tương lai của mình và chủ động tham gia vào quá trình chuyển giao, thiết lập vị trí mình trong doanh nghiệp gia đình. Quan điểm của bà Nguyễn Ngọc Mỹ là sẽ dung hoà các khác biệt giữa hai thế hệ.
Tuy nhiên, kế nhiệm là vấn đề không dễ, khi các thành viên khác trong công ty chưa sẵn sàng cho việc thay đổi nhân sự lãnh đạo. Khảo sát của PwC cũng chỉ ra, 42% NextGen Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm ra thế mạnh, đam mê của mình, cao hơn con số toàn cầu (30%). 1/3 các NextGen Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đề xuất thay đổi vì cảm thấy mình cần tìm hiểu thêm về doanh nghiệp của mình.
Cách thông thường là các NextGen sẽ noi theo tấm gương lãnh đạo đương nhiệm. Nhưng theo PwC, các NextGen ngày nay được khuyến khích tạo đột phá và định hình con đường riêng bằng việc nâng cao kỹ năng và có tầm nhìn về phát triển bền vững (ESG) và tận dụng chuyển đổi số.
Ông Võ Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Chuyển đổi số (CDO) của PwC Việt Nam nhận định việc chuyển đổi văn hoá, tư duy về số hoá và công nghệ là một trong những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp có thể gặp phải trong hành trình chuyển đổi số. Điều này cũng phù hợp với kết quả từ khảo sát của PwC cho thấy 67% NextGen Việt Nam cho rằng vẫn có sự không đồng thuận nhất định đối với việc thay đổi trong tổ chức của họ.
Ngoài ra, các kỹ năng mà NextGen Việt Nam muốn bổ sung là về tài chính/đầu tư, kỹ năng lãnh đạo/ kỹ năng mềm, đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A), thuế/kế toán, số hóa/trí tuệ nhân tạo, quản lý nhân lực/nhân tài, quốc tế hoá/toàn cầu hoá, ESG.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG Dịch vụ kiểm toán, PwC Việt Nam. Tuỳ đặc điểm doanh nghiệp mà lãnh đạo có thể chọn cách thực hành ESG khác nhau. Đó có thể là đánh giá rủi ro và cơ hội từ tác động của môi trường, yếu tố xã hội và quản trị, là tạo dựng giá trị ESG, hay cao hơn là đẩy mạnh tiên phong chiến lược. Vấn đề của doanh nghiệp là lựa chọn phù hợp và làm sao để người khác nhận biết, đánh giá và truyền tải câu chuyện ấy.
Ngày nay, nhiều báo cáo chỉ ra, khách hàng đã xem xét đến mức độ bảo vệ môi trường (xanh, sạch) trong đánh giá thương hiệu và mua sắm sản phẩm. Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quốc tế Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cũng xác nhận, các quỹ đầu tư hiện đã lấy ESG làm tiêu chí chọn lựa đầu tư. Trong đó, Quản trị là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp gia đình nào suy nghĩ lâu dài, quan tâm đến tầm nhìn dài hạn, muốn IPO, minh bạch, quản trị kinh doanh thì các công ty ấy dễ được các quỹ đầu tư chú ý.
Đối với câu chuyện quản trị nguồn nhân lực, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet nhấn mạnh, đây là thời kỳ mà vấn đề nhân lực cần được nhìn nhận cởi mở hơn, với tư duy hợp tác (partner), thấu cảm và chăm lo không phải chỉ về sức khoẻ mà còn là sự kết hợp cả thân – tâm – trí – tài chính với kết nối cộng đồng xã hội cho nhân viên.
Kết thúc chương trình, ông Johnathan Ooi chia sẻ NextGen sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi ở doanh nghiệp gia đình và tin rằng họ sẽ nâng cao kỹ năng, tăng kết nối trò chuyện với người tương đồng để đón đầu cơ hội và vượt qua thách thức. Ngoài ra, các NextGen Việt Nam cũng cần mạnh dạn tạo con đường khác biệt trên cơ sở được lãnh đạo đương nhiệm tôn trọng, từ bỏ sự kiểm soát và khuyến khích các NextGen dấn bước dựa vào thế mạnh, khả năng của họ.
Hàn Lam
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư