Ông vua mới trên thị trường taxi
Vị chủ tịch của Vinasun khởi nghiệp từ du lịch, rẽ lối sang kinh doanh Taxi sau khi thắng lớn từ bất động sản. Và có lẽ con đường này đã đúng khi Vinasun ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường taxi Việt Nam.
Hiện nay Vinasun là doanh nghiệp Taxi đứng đầu tại thị trường miền Nam, vượt qua cả ông lớn Mai Linh với các chiến lược kinh doanh khôn ngoan.
Khởi nghiệp từ làm du lịch
Ông Đặng Phước Thành bắt đầu con đường kinh doanh với việc xây dựng công ty TNHH Trầu Cau năm 1995 hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực nhà hàng.
Cùng với sự phát triển ngành du lịch Việt Nam thời kỳ mở cửa, năm 2002 Trầu Cau đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch và tư vấn đầu tư Ánh Dương Việt Nam. Ông Thành mở rộng kinh doanh của công ty sang hoạt động tổ chức tour du lịch trong ngoài nước, tư vấn du học và bán vé máy bay.
Kinh nghiệm từ những năm làm du lịch giúp ông Thành rất nhiều trong việc xây dựng văn hóa Vinasun sau này. Đây chính là điểm khác biệt giúp lính mới Vinasun đánh bật các bậc tiền bối trên thị trường taxi Việt Nam.
Chủ tịch của Vinasun từng tâm sự: “Các đối thủ đã ngủ quên trên chiến thắng trong khi với chất lượng xe đồng nhất luôn được nâng cấp đã lôi kéo nhiều khách hàng của các đối thủ về với chúng tôi.”
Hiện ông Thành và gia đình nắm giữ gần 40% cổ phần của Vinasun, trong đó cá nhân ông sở hữu gần 5,5 triệu cổ phiếu (23,8% cổ phần), trị giá gần 240 tỷ đồng.
Chiến lược phát triển tập trung
Vinasun ra đời năm 2003 sau khi ông Thành gặt hái nhiều thành công trên mảng bất động sản. Thời điểm này thị trường taxi khá bình lặng khi thị phần các hãng lớn như Mai Linh, Vinataxi đã được phân định rõ ràng.
Để chiến thắng các đối thủ lớn, ông Thành lựa chọn chiến lược phát triển tập trung khai thác tối đa những đô thị lớn phía Nam có nhu cầu sử dụng taxi cao.
Nếu như ông lớn Mai Linh chọn giải pháp mở rộng quy mô lên tất cả các tỉnh thành với gần 60 công ty con thì Vinasun chỉ tập trung tại khu vực miền Nam với các thị trường trọng điểm như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Trong đó 35% số xe của doanh nghiệp này hoạt động tại Tp.HCM. Tính đến quý 3/2012, Vinasun có tổng số điểm tiếp thị lên gần 900 điểm với khoảng 4.300 đầu xe.
Với chiến lược hiệu quả này, sau 8 năm hoạt động Vinasun chiếm 45% thị phần tại TP.HCM, 60% tại Bình Dương và trên 60% tại Đồng Nai. Đây là con số ấn tượng khi Vinasun dành được thị phần từ tay Mai Linh- doanh nghiệp taxi lớn ra đời từ năm 1993. Trong khi với việc đầu tư dàn trải đã khiến Mai Linh liên tục thua lỗ.
Tỉnh táo rút lui khỏi đầu tư đa ngành
"Luôn có cơ hội cho người đến sau, nếu làm đúng cách."
Vào những năm 2000, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực vô cùng sôi động theo như lời ông Thành “Sáng mua căn nhà 300 lượng vàng, chiều có thể sang tay 600 lượng”. Sau khi làm ăn phát đạt nhờ mảng kinh doanh hot này, Taxi được ông Thành lựa chọn là hoạt động kinh doanh bền vững.
Tuy nhiên khác với các doanh nghiệp khác Vinasun kịp rút lui khỏi việc đầu tư đa ngành từ lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, đầu tư tài chính. Ông Thành tâm sự đó là nhờ lời khuyên của Temasek Holding dành cho Vinasun: "Bỏ hết các lĩnh vực râu ria như nhà hàng, bất động sản và tập trung vào lĩnh vực taxi”.
M&A để tìm kiếm sự tăng trưởng
Tăng trưởng của Vinasun dựa vào 3 yếu tố: tăng xe, mở rộng địa bàn và tăng doanh thu bình quân ngày. Tuy nhiên hiện nay lượng taxi tại Tp. HCM của Vinasun đã vượt số lượng cho phép đến năm 2020 nên doanh nghiệp này khó có thể tiếp tục tăng lượng xe tại khu vực này.
Về lợi nhuận kinh doanh taxi không cao và theo như lời ông Thành “ mỏng như lá lúa” nên M&A là con đường nhanh nhất mà Vinasun lựa chọn.
Năm 2010, Vinasun chọn Airport Taxi là đối tượng thâu tóm hấp dẫn khi có khoảng 600 xe và sở hữu địa điểm kinh doanh là sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên vì đây là hãng xe của Nhà nước với thủ tục quá phức tạp nên ông Thành quyết định chuyển sang hướng đầu tư thêm 1.200 chiếc xe mới.
Cùng năm 2010, Vinasun tiến hành mua lại thương quyền taxi của hãng Green và đổi tên thành Vinasun Green, hoạt động ở thị trường Đà Nẵng.
Chủ tịch của hãng xe này cho biết cuối năm 2013 Vinasun sẽ thâu tóm một số doanh nghiệp taxi tại TP HCM để tiếp tục phát triển. Cách làm M&A của Vinasun là mua lại thương quyền, sau đó đầu tư xe mới để đồng bộ chất lượng xe.
Ông Thành cũng đã từng chia sẻ khi được hỏi về chiến lược mua lại Taxi Mai Linh: “Nếu Mai Linh bán 1.000 thương quyền với giá rẻ thì Vinasun sẽ mua.”
Nói như vậy không có nghĩa ông Thành mong muốn thâu tóm các doanh nghiệp khác bằng mọi giá. Ông luôn cân nhắc để việc thâu tóm không làm ông cùng gia đình mất quyền kiểm soát Vinasun như lời tâm sự: “ Mình đi thâu tóm người ta, nhưng nước ngoài lại thâu tóm mình thì cũng như không. Tôi thà chọn thị phần to trong chiếc bánh nhỏ”.
Năm 2012, Vinasun đạt được kết quả kinh doanh khá tốt khi doanh thu tăng gần 20% và lợi nhuận tăng 15%. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là thị trường trọng điểm của doanh nghiệp này khi chiếm gần 97% doanh thu thuần.
Mặc dù Vinasun hoạt động kinh doanh trên 2 mảng gồm Du lịch và Taxi nhưng hoạt động du lịch không đáng kể khi doanhh thu taxi đạt tới 2.692 tỷ đồng, chiếm 99% tổng doanh thu. Mức doanh thu này của Vinasun bỏ xa so với Mai Linh.