Khi Son Masayoshi “phòng vệ”
Sau 1 năm kinh doanh thê thảm, tỉ phú Son Masayoshi của SoftBank quyết định chuyển sang chiến lược bảo thủ.
Cách đây 1 năm, giữa cơn sốt số hoá được thúc đẩy bởi COVID-19, Son Masayoshi đã trở thành biểu tượng cho một viễn cảnh đầy hứa hẹn của thế giới công nghệ. Nhà sáng lập của SoftBank khi đó đã báo cáo mức lợi nhuận hằng năm cao nhất trong số các công ty Nhật, nhờ định giá tăng mạnh của các startup “con cưng” trong danh mục đầu tư.
12 tháng sau, Son một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý, nhưng lần này SoftBank và cả ngành công nghệ đang đối mặt với lãi suất tăng cao, giá trị tài sản ngày càng co rút, nhà đầu tư vỡ mộng và chính sách siết chặt các công ty công nghệ lớn trong nước của Trung Quốc và sự săm soi gắt gao của các cơ quan chống độc quyền ở phương Tây.
Sự vỡ mộng là dễ hiểu khi các cổ đông SoftBank đã mất 140 tỉ USD kể từ khi giá cổ phiếu đạt đỉnh vào tháng 2/2021.
SoftBank lỗ lớn
Mới đây, SoftBank báo cáo lỗ ròng 1.700 tỉ yen (15 tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022 so với mức lãi 5.000 tỉ yen của năm trước, chủ yếu do phải ghi giảm 3.700 tỉ yen giá trị ròng của các khoản đầu tư công nghệ chủ chốt. Các khoản nắm giữ ở những công ty niêm yết, đáng chú ý là Alibaba đang mất đi sức hấp dẫn khi tập đoàn thương mại điện tử này đang vật vã trước chính sách siết chặt big tech của Trung Quốc.
Quyết định nhảy vào mảng cổ phiếu niêm yết của Son cũng bị phản pháo. Năm 2020 Son lập nên SB Northstar nhằm sử dụng quỹ tiền mặt dư thừa để đầu tư vào một số mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Cá nhân Son sở hữu 33% lợi ích ở SB Northstar, trong khi SoftBank nắm giữ phần còn lại. Nhưng với việc giá cổ phiếu công nghệ lao dốc trong quý vừa qua, SB Northstar đã lỗ 679 tỉ yen cho năm tài chính gần nhất.
Danh mục đồ sộ các công ty chưa lên sàn của SoftBank - những startup thua lỗ với các mô hình kinh doanh chưa chứng minh được tính bền vững - đang bị định giá lại khi lãi suất cao hơn khiến cho các doanh nghiệp này trở nên ít hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, đặc biệt khi triển vọng có lãi của họ vẫn rất xa vời.
Cơ quan chống độc quyền đã ngăn thương vụ 66 tỉ USD bán Arm (hãng chip Anh được SoftBank mua lại năm 2016) cho Nvidia (Mỹ). Tất cả đang khiến nợ ròng 140 tỉ USD của SoftBank, mức nợ ròng lớn thứ 6 trong số các công ty phi tài chính niêm yết thế giới, càng khó xử lý. Và nỗi đau sẽ còn lớn hơn khi tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ đã tăng tốc kể từ tháng 3/2022 - thời điểm SoftBank đã đóng sổ sách cho năm tài chính vừa rồi.
Một thách thức lớn khác của Son có liên quan đến tài sản: làm sao đổi chúng thành tiền? Số công ty sắp IPO trong danh mục của Quỹ Vision Fund trị giá 100 tỉ USD và quỹ nhỏ hơn Vision Fund 2 đang khô cạn, khiến Son khó hiện thực hóa lợi nhuận đối với các khoản đầu tư ban đầu vào một loạt startup triển vọng.
Oyo, một khách sạn Ấn Độ được SoftBank rót vốn, dự tính IPO vào tháng 10/2022 để huy động 1,1 tỉ USD nhưng các báo cáo gần đây cho thấy Oyo có thể giảm mục tiêu huy động vốn hoặc gác lại kế hoạch này. Các khoản nắm giữ khác như ByteDance (sở hữu ứng dụng TikTok), Rappi (công ty giao hàng theo yêu cầu của Colombia) và Klarna (startup mua trước, trả sau của Thụy Điển) cũng có thể tạm gác IPO do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Son muốn niêm yết hãng chip Arm vào giữa năm 2023. Ở kịch bản khả quan, theo Pierre Ferragu thuộc New Street Research, Arm có thể được định giá khoảng 45 tỉ USD khi niêm yết, cao hơn 13 tỉ USD so với giá mua lại vào năm 2016, nhưng vẫn thấp hơn mức ra giá 66 tỉ USD của Nvidia. Ở kịch bản xấu, Mio Kato của Lightstream Research cho rằng mức định giá của Arm chỉ hơn 8 tỉ USD.
Những người ủng hộ Son đều nói rằng SoftBank vẫn có nhiều thứ để dựa vào. Mảng viễn thông Nhật của SoftBank, chẳng hạn, vẫn rất sinh lời và đã giúp bù đắp phần nào khoản lỗ do đầu tư.
Chuyển hướng chiến lược
Vấn đề được nhiều người quan tâm là chiến lược sắp tới của Son sẽ thế nào. Son cho biết năm nay Tập đoàn dự kiến chỉ đầu tư bằng 50% hoặc 25% so với mức đầu tư của năm 2021 - năm kỷ lục của các khoản đầu tư công nghệ. “Chúng tôi có quan điểm bảo thủ hơn về các khoản đầu tư mới. Những nhà đầu tư tư nhân khác cũng đang làm thế, tôi tin như vậy", Son nói.
Chiến lược của nhà đầu tư nổi tiếng này cũng cho thấy những gì mà bức tranh startup toàn cầu đang trải qua: sự thoái trào do các yếu tố vĩ mô và chiến sự Ukraine - Nga. Coupang (Hàn Quốc) đang giao dịch 70% dưới giá niêm yết. Các startup khác như Didi Global (Trung Quốc) và Grab (Singapore) cũng rơi tự do trong quý vừa qua. SoftBank đã báo cáo mức lỗ chưa hiện thực hóa là 600 triệu USD tính đến năm tài chính 2022 đối với khoản đầu tư 1,4 tỉ USD vào Paytm (Ấn Độ). Đến nay, cổ phiếu Paytm đã giảm hơn 70% so với giá chào sàn vào tháng 11/2021.
Chiến lược phòng vệ của SoftBank sẽ tác động không nhỏ lên bức tranh startup thế giới. Tháng 12/2021, Son cho biết đã rót hơn 3 tỉ USD vào Ấn Độ và là nhà cung cấp vốn cho khoảng 10% số kỳ lân tại nước này. Tính đến thời điểm đó, SoftBank đã đầu tư tổng cộng khoảng 14 tỉ USD vào Ấn Độ. Nay Son cho biết ông không chỉ giảm quy mô rót rốn mà còn sàng lọc kỹ hơn các khoản đầu tư sắp tới với những tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều. Điều này đặc biệt thấy rõ trong xu hướng đầu tư gần đây của Vision Fund 2. Quỹ này đang thực hiện các khoản đầu tư tương đối nhỏ hơn vào những startup ở Ấn Độ và trên toàn cầu so với quy mô đầu tư khoảng 100 triệu USD ở Vision Fund 1.
Khi được hỏi về triển vọng của các khoản đầu tư trong thời gian tới, Son chỉ nói rằng: “Thời gian là phương thuốc duy nhất có thể chữa lành”.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư