Game NFT: Bong bóng trên mỏ vàng
Bong bóng đầu tư game NFT Việt Nam đã nổ ra và thị trường đang dần trở về đúng với bản chất của nó.
“Khủng khiếp” là 2 từ mà ông Lê Giang Anh, Giám đốc Sản phẩm OverSky, dùng để miêu tả dòng vốn đổ vào các công ty game, hay nói chính xác hơn là các công ty có dự án làm game NFT (Non-fungible token – các mã không thể thay thế) ở Việt Nam kể từ năm 2020.
FOMO của các nhà đầu tư Crypto
Bản thân ông Giang Anh cũng trải nghiệm được sự săn đón đó khi game di động Heroes & Empires huy động được 1,5 triệu USD chỉ sau 1 tuần. Thú vị hơn, trước khi vòng gọi vốn được công bố, tổng số tiền công ty nhận được cam kết đầu tư từ các quỹ cao gấp 20 lần.
Đó là điều dị thường trong thế giới các công ty sản xuất game ở Việt Nam. Đầu tư game là ngành rủi ro cao vì không có công thức thành công tuyệt đối, các công ty game nhiều kinh nghiệm đến mấy cũng chỉ có thể giảm tỉ lệ thất bại mà thôi. Không có gì đảm bảo sản phẩm tiếp theo sẽ thành công dù trước đó công ty chiến thắng vang dội, trong khi chi phí sản xuất game tương đối cao.
Phần lớn các nhà sáng lập thường tự bỏ tiền phát triển game và không có quỹ đầu tư nào tham gia. Nếu thành công, họ sẽ có game thứ 2, công ty có thêm nhân sự; nếu không, các nhà sáng lập sẽ quay lại làm thuê tích vốn chờ ngày khởi nghiệp tiếp. “Lần đầu tiên trong 10 năm qua, các công ty làm game ở Việt Nam có nhà đầu tư, mà nói đúng hơn là được nhà đầu tư săn đón”, ông Giang Anh nói.
Ông Nguyễn Sơn Hoàng Lê, chuyên gia phân tích đầu tư của Quỹ Ascend Vietnam Ventures (AVV), một trong những đơn vị đầu tư đầu tiên của Axie Infinity, cho biết rất khó để thống kê quy mô các thương vụ gọi vốn thông qua sản xuất game NFT ở Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, lúc cao điểm năm 2020, AVV nhận ít nhất 6 hồ sơ gọi vốn cho game NFT mỗi tuần. Cơ chế hoạt động của công nghệ NFT là thỏi nam châm thu hút dòng tiền vào các công ty làm game. Trước khi NFT ra đời, giao dịch trong các trò chơi là một chiều khi nhà phát hành ra mắt những vật phẩm và người sử dụng dùng tiền để mua chúng.
Rất khó để chuyển các vật phẩm đó thành tiền ở thế giới thực trong quá trình chơi, đa phần là giao dịch truyền thống giữa người mua và người bán dẫn đến rủi ro mất mát cả 2 bên là như nhau. Quan trọng hơn khi game dừng hoạt động, toàn bộ vật phẩm đã mua của người chơi sẽ mất. Cơ chế NFT cho phép tạo ra một mã duy nhất về các vật phẩm đó và đặt chúng trong ví blockchain của người mua. Như vậy, chúng có thể được mua bán dễ dàng trong quá trình chơi, thậm chí cả khi game đó ngừng hoạt động.
Sky Mavis (hiện định giá 3 tỉ USD) là nhà sản xuất game đầu tiên chứng minh khả năng ứng dụng công nghệ NFT thành công với tựa game Axie Infinity, đồng thời tạo ra làn sóng game P2E (play-to-earn – chơi để kiếm tiền) trên toàn cầu. Dịch bệnh diễn ra, thu nhập ảnh hưởng càng làm cho Axie Infinity trở nên hấp dẫn với người sử dụng ở các quốc gia đang phát triển.
Theo Công ty phân tích blockchain Nansen, Axie Infinity đã tạo ra 1,3 tỉ USD doanh số vào năm ngoái, với mức giao dịch cao nhất hằng ngày là 17,5 triệu USD. Sky Mavis đã trở thành công ty phát hành tựa game NFT đầu tiên đạt doanh số 4 tỉ USD. Gần như ngay lập tức, ngành công nghiệp game của Việt Nam hưởng lợi từ Axie Infinity khi số lượng game sản xuất của Việt Nam luôn nằm trong top đầu Đông Nam Á, chi phí nhân sự cạnh tranh và chịu học hỏi. Hội chứng FOMO (Fear of Missing Out – Hội chứng sợ lỡ cơ hội) ngay lập tức tác động đến nhà đầu tư. Theo ông Lê của AVV, tâm lý các nhà đầu lư lúc đó là sợ sẽ vuột mất một Axie Infinity thứ 2 nên các dự án từ Việt Nam đều được săn đón.
Thậm chí, khi xu hướng game NFT chưa kịp nguội, một khái niệm mới là game Metaverse (đa thế giới) xuất hiện và được hưởng ứng tích cực. Khái niệm Metaverse được cho là tăng giá trị các tài sản người chơi đầu tư trong game và cho phép liên thông các game của cùng một nhà sản xuất với nhau.
Cứ thế, trước hội chứng FOMO của nhà đầu tư, các dự án gọi vốn từ game NFT đến game Metaverse ở Việt Nam được chấp thuận một cách dễ dàng. Thông tin từ mạng lưới giữa các quỹ đầu tư của ông Lê cho biết có nhiều công ty gọi được từ vài trăm ngàn USD cho đến cả triệu USD trong các vòng vốn token dù chỉ là những dự án trên giấy.
“Mùa đông” đang đến
Dịch bệnh COVID-19 cùng chiến tranh Nga – Ukraine làm tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát Mỹ tăng cao, khiến ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất. Động thái này ngay lập tức đã ảnh hưởng tới sự sụt giảm của chứng khoán và tiền kỹ thuật số trên toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn.
Tháng 11/2021, Bitcoin (BTC) sau khi đạt đỉnh 69.000 USD/BTC đã bắt đầu giảm giá trị. Tính đến thời điểm hiện tại, giá trị của đồng tiền kỹ thuật số này đã mất 55% so với thời kỳ đỉnh cao. Ethereum, đồng tiền kỹ thuật số có giá trị lớn thứ 2, thậm chí lao dốc từ trước đó một tháng.
Khi 2 đơn vị tiền tệ được xem là xương sống của thế giới tiền kỹ thuật số mất giá, các đồng tiền kém uy tín hơn lập tức bị nhà đầu tư bán tống bán tháo để bảo toàn vốn. Và khi thị trường không còn màu hồng, các rủi ro đầu tư game NFT ở Việt Nam, vốn được cảnh báo trước đó nhưng bị lờ đi bởi hiệu ứng FOMO, bắt đầu bộc phát mạnh mẽ.
Giám đốc một công ty game có trụ sở ở TP.HCM cho biết cơ chế gọi vốn mở của NFT là động lực thúc đẩy các công ty game phát triển nhưng đồng thời cũng là rào cản bóp nghẹt chúng.
Theo đó, các công ty game NFT có thể gọi vốn bằng cách phát hành token IDO (hình thức tương tự IPO nhưng dễ dàng hơn do không phải chứng minh doanh thu, lợi nhuận trong thời gian dài) và NFT các vật phẩm game bán cho công chúng. Cả 2 công đoạn này đều tiến hành trước khi game được xây dựng và trong nhiều trường hợp, số tiền huy động được từ bán NFT vật phẩm còn cao hơn cả IDO vài chục lần.
“Liệu bạn có phát hành một game mà không biết lợi nhuận có được từ nó bao giờ mới đạt được như số tiền đã gọi vốn không? Câu hỏi này còn làm lay động cả những đơn vị làm game chuyên nghiệp”, vị này nói.
Nhiều dự án gọi vốn đình đám ở Việt Nam vì lý do nào đó liên tục dời ngày ra mắt dù lịch phát hành được ấn định từ năm ngoái. Gần đây nhất là dự án CrytoBike bị các nhà đầu tư tố lừa đảo 1,4 triệu USD. Khi các dự án NFT còn như vậy, thì những dự án game Metaverse trở nên viển vông hơn bao giờ hết vì làm sao có game thứ 2 khi game thứ nhất còn chưa được phát hành.
Thứ đến là các game NFT đang vận hành trên nền tảng web, chưa nhiều game có thể phát hành bằng ứng dụng di động nên hạn chế việc tiếp cận phần lớn người sử dụng trên nền tảng này.
Theo bà Huỳnh Vũ Linh Đa, Giám đốc Chiến lược Doanh nghiệp của Amanotes, do rào cản về kỹ thuật và hạ tầng vì blockchain là công nghệ tương đối mới, những game blockchain đặc biệt là Metaverse đòi hỏi cấu hình, yêu cầu kỹ thuật cao mà thời điểm hiện nay các nhà sản xuất thiết bị như Apple, Samsung và các nhà sản xuất khác vẫn chưa có nhiều hỗ trợ. “Apple thậm chí còn hạn chế hoặc không cho phép các ứng dụng có sử dụng, đề cập tới NFT được phát hành trên App Store”, bà Linh Đa giải thích.
Đã vậy đầu tư nhân lực để làm game NFT đã trở nên quá đắt đỏ. Chẳng hạn, trước đây, lương vị trí thiết kế game dao động từ 800-1.000 USD, hoạ sĩ trong game từ 1.000-1.300 USD thì hiện nay đã có mức ngang ngửa Singapore là từ 4.000-5.000 USD. Tăng trưởng quá nhanh đã đẩy mặt bằng nhân sự ngành này lên gấp 3, thậm chí là gấp 5 ở những vị trí chủ chốt làm ảnh hưởng lớn đến cả các công ty trong ngành. “Giờ đây nghe đến dự án NFT ở Việt Nam, nhà đầu tư đã không còn mặn mà nữa, dù rằng xuất phát từ các công ty game có kinh nghiệm”, vị này chia sẻ.
Ông Lê của AVV cho biết, các dự án gọi vốn game NFT mà ông nhận được đã giảm ít nhất 70% so với lúc cao điểm. Dưới góc độ của quỹ đầu tư, ông cho rằng đây là xu hướng diễn ra khá thường xuyên đối với những ngành công nghệ mới, sau mỗi lần như vậy thị trường sẽ bền vững hơn khi các nhà đầu tư và các công ty tham gia đều chuyên nghiệp hơn.
Điều đáng tiếc đó là những công ty game blockchain Việt Nam đang đi chậm một nhịp so với toàn cầu dù rằng đã có khởi đầu rất tốt. Cụ thể, trong khi dòng vốn vào game NFT ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại thì nhu cầu này ở toàn cầu vẫn đang tăng mạnh mẽ.
Báo cáo gần đây của DappRadar và Blockchain Game Alliance (BGA) cho thấy chỉ riêng quý I/2022, thị trường đã ghi nhận 4,5 tỉ USD đầu tư vào các dự án Metaverse, game blockchain và hạ tầng blockchain. Cả 2 dự đoán số tiền huy động sẽ đạt hơn 10 tỉ USD vào cuối năm nay, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. “Vốn là bài toán đau đầu của những công ty làm game từ trước đến nay, chúng ta lẽ ra đã có thể tận dụng được xu hướng đầu tư game blockchain toàn cầu để tạo ra các lợi thế nhất định”, ông Lê nói.
Quay về cốt lõi
Khi các ảo mộng về đầu tư game NFT được lột bỏ, thị trường đang trở về giá trị thật của nó để đánh giá vòng đời của một game NFT. Bản chất game là ngành giải trí, chỉ có đầu tư nội dung mới có thể giúp chúng tồn tại. Mặc dù vậy, đầu tư nội dung là lựa chọn rủi ro với nhiều công ty game Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đình Khánh, sáng lập kiêm Giám đốc WolfFun, đa phần công ty game Việt Nam đang gia nhập vào phân khúc game casual (game phổ thông, game dễ chơi) vì chi phí sản xuất thấp. Dòng game này chủ yếu sống nhờ quảng cáo. Bởi vì dễ sản xuất nên việc cạnh tranh càng cao dẫn đến doanh thu quảng cáo bấp bênh.
Nguồn thu bền vững trong game là in-app purchase (mua vật phẩm trong game), nhưng thể loại game này đòi hỏi phải đầu tư khá nhiều vào công đoạn sản xuất như kịch bản game, đồ hoạ, âm thanh... “Do phần lớn các công ty game Việt Nam là khởi nghiệp, chú trọng dòng tiền nên rất hiếm đơn vị mạo hiểm đầu tư các game có chất lượng”, ông Khánh nhận định.
Vì game NFT bản chất là các dòng game in-app purchase, chủ yếu tập trung ở thể loại chiến thuật, MOBA (đấu trường trực tuyến nhiều người chơi)... nên sẽ đòi hỏi các nhà sản xuất game tự nâng cấp năng lực của mình khi tham gia thị trường này. Một điều cần lưu ý nữa là chi phí vận hành game NFT sẽ cao hơn so với các game in-app purchase thông thường. Theo ông Giang Anh của OverSky, game blockchain phức tạp hơn vì phải đầu tư bảo mật, hạ tầng blockchain nên chi phí vận hành tăng 50% so với một game truyền thống có cùng cách chơi.
Theo thống kê nội bộ của OverSky, tỉ lệ thành công game NFT (số tiền thu được nhiều hơn vốn bỏ ra) rơi vào khoảng 5% tổng số game NFT một công ty game phát hành và mất trung bình 30 ngày để xác định được việc này. Nhưng điều quan trọng nhất mà các công ty làm game NFT phải giải quyết là cân bằng dòng tiền trong game do cơ chế 2 cửa, vật phẩm trong game có thể đổi lấy tiền mặt hoặc ngược lại.
Một nền kinh tế trong game mạnh mẽ là nền kinh tế mà người chơi đầu tư mua vật phẩm trong game để tiếp tục chơi phải nhiều hơn số người chơi dùng vật phẩm có được trong game bán ra ngoài. Khi lượng bán nhiều hơn, sẽ dẫn đến giá trị token do chính nhà phát hành bị mất giá, kéo theo hàng loạt các nhà đầu cơ chơi game bán ra và kết quả là game chưa kịp thu lại lợi nhuận đã sụp đổ. Điều này càng đáng lưu ý với game NFT vì người chơi hiện nay chủ yếu là các nước đang phát triển như Brazil, Philippines, Việt Nam , Indonesia... nên rất dễ bị tác động bởi các biến cố về tài chính toàn cầu.
Một số nhà sản xuất game cân bằng bằng cách duy trì nguồn vốn lưu động để mua vào vật phẩm bán ra nhằm kiểm soát phần nào tình trạng bán tháo và tạo độ nóng nhất định cho token do mình phát hành. Tuy nhiên, với các trường hợp người chơi quá lớn thì cách này vô dụng.
Một số khác chọn cách siết lại cơ chế sản sinh đồ hiếm trong game nhưng điều này lại đi trái lại với phương châm P2E mà họ đã dựng lên trong suốt 2 năm qua. Theo ông Giang Anh, để giữ tỉ lệ ngươi chơi P2E thấp hơn người chơi vì trải nghiệm cuối cùng cũng là bài toán nội dung game phải đủ hấp dẫn để họ ở lại mà không vì mục tiêu tài chính.
“Chúng tôi đang hướng đến tập khách hàng vì skills-to-earn (dùng kỹ năng để đạt được). Khi đó họ mới có động lực đồng hành cùng game đó. Bản chất game là giải trí chứ không phải là đầu tư”, ông Giang Anh cho biết. Về phần mình, phải chấp nhận đánh đổi là cách ông Lê của AVV miêu tả về phương thức mà các công ty game Việt Nam đang tham gia thị trường game NFT. Nhiều công ty thậm chí còn dùng thu nhập kiếm được từ việc phát hành những game truyền thống để cân bằng dòng tiền cho các dự án game NFT.
Vận hành game NFT là bài toán khó khi cả các công ty lớn trong ngành sản xuất game toàn cầu vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải. Điển hình như Ubisoft (công ty game đa quốc gia với định giá 6 tỉ USD) đã ngừng thử nghiệm NFT cho tựa game Ghost Recon Breakpoint chỉ sau 4 tháng. Nhưng đó là điều mà AVV cổ vũ, vì game NFT là cánh cửa đưa ngành game Việt Nam đến với thị trường vốn toàn cầu dễ dàng hơn. “Để vực lại lòng tin các nhà đầu tư, Việt Nam cần thêm nhiều cái tên thực sự làm game một cách bài bản và có tầm nhìn sau Axie Infinity”, ông Lê tư vấn.
Đồng quan điểm, bà Linh Đa cho biết, đối với công ty sản xuất và phát hành game top đầu Đông Nam Á như Amanotes, blockchain game là khoản đầu tư mang tính lâu dài, tiềm ẩn nhiều cơ hội lẫn rủi ro. Trong thời gian tới, các dự án Metaverse hay blockchain game của Công ty sẽ hoạt động độc lập với công ty mẹ. Chiến lược đầu tư của Công ty là Giám đốc Điều hành, bộ phận chiến lược và đầu tư của Amanotes cùng làm việc với các chuyên gia, cố vấn trong ngành để đánh giá nội dung, lối chơi, tokenomics (nền kinh tế trong game) và quan trọng nhất là năng lực và phẩm chất của đội ngũ sáng lập.
Trên thực tế, tập khách hàng của Amanotes là tập khách hàng yêu thích thể loại giải trí nên lối chơi và mức độ quan tâm của blockchain game hay Metaverse không quá thu hút. Tuy nhiên, theo bà Linh Đa, nếu có sự phù hợp về đối tượng người dùng hướng đến và mở rộng sang nền tảng di động, thì kinh nghiệm phát hành game của Amanotes, đặc biệt là những game có tính âm nhạc cao, sẽ rất có lợi cho các nhà sản xuất game blockchain. “Chúng tôi có tập người dùng yêu âm nhạc rất lớn từ Amanotes”, bà Linh Đa nói.
Nhìn chung, đầu tư game NFT đối với các công ty làm thật là lợi thế không nhỏ của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành game blockchain toàn cầu nhưng tất cả sẽ là ảo mộng nếu họ không chứng minh được bài toán kinh doanh. Còn đối với những người tham gia vì ảo mộng tài chính được vẽ ra từ chúng, sự thật họ nhận được là những thiệt hại về tài sản hoặc các dự án game vẫn chưa xác định ngày phát hành.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư