Koina – Dùng dữ liệu và công nghệ giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam

Koina – Dùng dữ liệu và công nghệ giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam

Chưa có một nền tảng thống nhất dữ liệu từ các khâu trong toàn bộ chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam, và đó cũng là cách Koina Investment Group (KIG – gọi tắt là Koina) tiếp cận thị trường.

Hiện người tiêu dùng đã quá quen thuộc với các tính năng công nghệ cho phép theo dõi tiến trình của một sản phẩm từ lúc đặt mua qua các nền tảng thương mại điện tử cho đến khi nó được giao đến tay họ.

Cùng tìm hiểu cách Koina Investment Group (KIG – gọi tắt là Koina) tiếp cận thị trường thông qua chia sẻ của ông Nguyễn Lê Vĩnh – Head of Product and Engineering.

Koina – Dùng dữ liệu và công nghệ giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Lê Vĩnh – Head of Product and Engineering

* Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cũng đã nói khá nhiều đến quy trình này bằng thuật ngữ “từ nông trại đến tay người mua”, nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thấy nền tảng nào đáp ứng được nhu cầu này thưa ông?

Để giải quyết bài toán này chúng tôi xin khái quát một chút về cách chuỗi nông nghiệp vận hành. Nông nghiệp Việt Nam hiện đang vận hành theo 7 bước:

  1. Ploughing (Cày xới, chuẩn bị đất).
  2. Sowing (Gieo hạt).
  3. Adding nutrients – Irrigation (Bổ sung chất dinh dưỡng – Tưới tiêu).
  4. Protecting plants (Bảo vệ thực vật).
  5. Harvesting (Thu hoạch).
  6. Storage – Logistic (Lưu trữ – Vận chuyển).
  7. Distributing (Phân phối).

Theo cách làm truyền thống hiện tại, ở từng bước đều không có dữ liệu nào được ghi nhận và xâu chuỗi lại. Cái chúng ta đang thấy được rõ ràng nhất chỉ đang là sản phẩm cuối sau khi được phân phối ra thị trường (sản phẩm, hình thù, giá tiền – nhưng thông tin đang tồn tại kiểu truyền miệng tức người bán nói gì, người mua tin nấy, không được đảm bảo, chứng thực). Để theo dõi được ở từng khâu cần phải digitalize (số hoá) thông tin.

Cụ thể, hiện nay sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang có tỉ lệ hư hao thất thoát từ khâu trồng trọt đến cuối là 20%. Hiện không ai trả lời được con số tại sao lại là 20% mà không phải là 5% như thị trường Trung Quốc? Để giảm được tỉ lệ này thì tại những quốc gia phát triển họ đã làm những gì? Quy trình tại Việt Nam và ở nước ngoài đang có những điểm gì khác biệt? Đây là những câu hỏi mà chúng ta không có câu trả lời cụ thể.

Hay đâu là con số chuẩn cho tỉ lệ hao hụt tự nhiên của trái cây – nông sản? Như thế nào là nhiều, như thế nào là ít? Để thay đổi giá trị này thì cần phải cải thiện gì ở những khâu nào? Ví dụ sầu riêng Ri6 của VN có tỉ lệ hao hụt tự nhiên từ lúc cắt đến lúc chín là 15% trong khi con số này ở sầu riêng Monthong chỉ là 5%.

Thực tế chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này. Đối với chúng tôi, việc truy xuất nguồn gốc không phải là việc khó để triển khai, nhưng vấn đề chính ở đây là chất lượng của các thông tin đó là gì, chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại đơn giản ở ngày thu hoạch, chủng loại, chứng nhận... Thu thập thông tin tốt sẽ là nền tảng để thực hiện các bước tiếp theo là kết nối thông tin và tối ưu hoá.

* Vậy theo ông đâu là rào cản lớn nhất của các startup công nghệ nông nghiệp để giải quyết bài toán nông nghiệp hiện nay?

Dưới góc nhìn của chúng tôi, rào cản lớn nhất hiện nay của các công ty là cố gắng thay đổi hành vi của tập khách hàng mục tiêu của họ. Cụ thể với trường hợp của Koina là hành vi của các tiểu thương, thương lái tại các khu vực chợ; nông dân tại vườn. Do trong nhiều năm, họ đã quen với cách hoạt động truyền thống, việc giúp họ điều chỉnh hành vi, đưa công nghệ vào việc tương tác với họ là tương đối khó, và thật sự cần một đội ngũ có tâm để cùng thực thi tới cùng.

Koina – Dùng dữ liệu và công nghệ giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam

Việc áp dụng công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam tuy ở mức chưa cao, nhưng không hẳn là “sơ khai”, rất nhiều công ty lớn đã áp dụng các công nghệ hiện đại vào canh tác nông nghiệp. Tại Koina, chúng tôi kết hợp với các doanh nghiệp này dùng công nghệ của mình đưa vào canh tác:

  • IoT system (The Internet of Things) – Hệ thống sensor cảm biến, máy bay không người lái, phần mềm xử lý…
  • Precision Farming: Tiếp cận quản lý tập trung vào quan sát, đo lường và những phản ứng theo thời gian thực với sự biến đổi của cây trồng…
  • Nhật ký nông hộ trồng trọt

Việc số hoá hoạt động canh tác, trồng trọt và đưa vào đó công nghệ, công cụ kỹ thuật cao sẽ giúp tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, giảm sai sót và tối ưu chi phí dài hạn.

Tầm ảnh hưởng của việc áp dụng công nghệ vào nông nghiệp ở Việt Nam là chưa cao. Nhưng chính sự “chưa trưởng thành” này của thị trường là cơ hội cho Koina phát triển và xây dựng nền nông nghiệp của Việt Nam theo hướng hiện đại, tiệm cận hơn với các nước Phương Tây, Châu Âu hay thậm chí là như Israel, vốn là đất nước nhỏ, diện tích canh tác ít nhưng mức độ áp dụng công nghệ vào nông nghiệp thuộc “top” đầu của thế giới.

* Ngoài số hoá việc canh tác tại vườn, tiếp cận tiểu thương, người mua bằng công nghệ, Koina hiện có đang triển khai hệ thống nào khác nữa không?

Việc số hoá – liên kết và tối ưu dữ liệu chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ mắt xích mà hạ tầng công nghệ Koina đang xây dựng. Trong supply chain (chuỗi cung ứng) nói chung sẽ bao gồm hai thành tố: Planning – Lên kế hoạch (Demand Planning, Supply Planning) và Execution – Triển khai ( WNS – Warehouse Management Systems, TMS – Transportation Management Systems, Sale order processing, CRM…)

Hai hệ thống planning và excecution phải tương tác được với nhau. Ở Việt Nam hiện tại chưa có công ty nông nghiệp nào xây dựng được một hệ thống kết nối chặt chẽ hai phần.

Koina – Dùng dữ liệu và công nghệ giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam

Tất cả hàng hoá đều được đánh dấu và ghi nhận trên hệ thống để quản lý truy xuất nguồn gốc, quản lý vận hành trên hệ thống WMS, TMS

Việc dự đoán chính xác này sẽ giúp người nông dân không bị over supply (cung cấp vượt nhu cầu), người nông dân sẽ biết mùa vụ nào thời thiết nào thì nên trồng và làm gì để có được năng suất tốt nhất. Planning tốt sẽ giảm thiểu được rất nhiều rủi ro cho vận hành.

Song song đó, những hệ thống vận hành sẽ giúp quản trị tốt kho bãi, vận tải, quản trị khách hàng. Những hệ thống này có thể đã tồn tại và vận hành ở những công ty FMCG nhưng chưa có đơn vị nào dùng nó để giải quyết bài toán của nông sản. Vì nông sản là một mặt hàng rất đặc thù, thời gian trên kệ hàng ngắn, chất lượng sản phẩm thay đổi theo ngày, hư hao – hỏng huỷ trong quá trình vận tải nếu không hiểu rõ đặc tính.

Với Koina, chúng tôi ngay từ đầu đã định hướng công nghệ và dữ liệu là một trong những cốt lõi quan trọng nhất của công ty, có thể coi là hạt nhân của mọi sự tăng trưởng. Dựa trên kho dữ liệu tổng hợp, Koina có thể biết mình đang hoạt động hiệu quả như thế nào và cần làm gì để nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời đem lại sự tối ưu trong quá trình vận hành.

* Theo quan điểm của ông việc xây dựng một dự án lớn như vậy sẽ đòi hỏi điều gì và đem lại các kinh nghiệm nào cho lập trình viên tham gia?

Tại Koina, chúng tôi coi con người là trọng tâm đối với cả khách hàng hay nhân sự nội bộ. Để xây dựng được một hệ thống có nhiều thành phần như hiện tại, điều kiên quyết phải có là đội ngũ của chúng tôi, từ cấp thực thi cho tới các nhà sáng lập phải cùng chia sẻ chung một tầm nhìn, sứ mệnh, cùng nhau kiến tạo lợi ích bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam. Cùng nông dân Việt mang sản phẩm xanh, sạch với giá hợp lý đến mọi người.

Để nói về những gì chúng tôi có thể đem lại cho các bạn lập trình viên khi tham gia Koina, chúng tôi nghĩ đó là sự đổi mới. Đổi mới góc nhìn, đổi mới tư duy, đổi mới cách giải quyết một vấn đề. Bên cạnh đó là rất nhiều cơ hội cho các bạn có thể thể hiện các ý tưởng của bản thân. Chúng tôi tin rằng, có nhiều doanh nghiệp lớn hơn Koina rất nhiều, nhưng chắc chắn không có nhiều doanh nghiệp mà đội ngũ quản lý dù ở cấp cao nhất vẫn luôn đồng hành cùng anh em một cách sâu sát như Koina.

* Ông có cảm thấy áp lực không khi Koina đang là người tiên phong giải quyết bài toàn chuỗi cung ứng nông nghiệp theo cách tiếp cận như vậy ?

Chắc chắn là có tuy nhiên chúng tôi đồng thời cũng cảm thấy sự hấp dẫn khi có cơ hội bắt tay xây dựng một giải pháp tiên phong như vậy. Chúng tôi quan điểm rằng ở đâu khó thì ở đó mới có cơ hội.

Việc gần đây Glife Technology, một công ty thuộc danh mục đầu tư của Quỹ Heliconia Capital – trực thuộc Temasek (Singapore) đồng hành cùng Koina cho thấy các bên cũng bị hấp dẫn bởi cách mà chúng tôi đang giải bài toán chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

* Xin cảm ơn ông.

Hiện Koina vẫn đang tìm kiếm nhân tài tham gia hành trình số hóa chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt Nam. Ứng cử viên nào quan tâm có thể email về [email protected].

Công Sang
Nguồn Koina