Counterpoint Research: Lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam sẽ đi xuống

Counterpoint Research: Lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam sẽ đi xuống

Theo số liệu thị phần smartphone Việt Nam hàng tháng do Counterpoint Research công bố, số lượng điện thoại thông minh tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2022 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chuyên gia của Counterpoint nhận định việc thị trường mở cửa trở lại và hoạt động gia tăng trong lĩnh vực sản xuất thúc đẩy lượng hàng xuất xưởng ngay cả khi lạm phát tăng và sự thiếu hụt linh kiện diễn ra. Ngoài ra, thị trường trong quý 1/2022 khởi đầu tốt do trùng thời điểm với Tết Nguyên Đán, nhưng giảm dần trong các tháng tiếp theo.

Samsung duy trì vị trí dẫn đầu với 30,8% thị phần trong quý đầu tiên của năm 2022, nhờ sự thành công của dòng Galaxy A và dòng Galaxy S22, đặc biệt là sự phổ biến của Galaxy S22 Ultra.

Người dùng Việt Nam chuộng điện thoại thông minh cao cấp, trong đó Galaxy S22 Ultra và Apple iPhone 13 Pro Max là những mẫu bán chạy nhất ở phân khúc cao cấp. Xiaomi đứng thứ 2 với 20,6% thị phần. Thành công của hãng Trung Quốc được thúc đẩy bởi dòng Redmi 9 và dòng Redmi Note 11 mới ra mắt gần đây. Oppo và Vivo lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4 với 14,4% và 11% thị phần.

Counterpoint Research: Lượng smartphone tiêu thụ ở Việt Nam sẽ đi xuống

Thị phần smartphone ở Việt Nam quý 1/2021 và quý 1/2022

Nói về các yếu tố ảnh hưởng đến việc xuất xưởng smartphone tại Việt Nam, nhà phân tích nghiên cứu Akash Jatwala cho biết: “Vào đầu quý, lượng lớn sản phẩm mới ra mắt sau dịp Tết Nguyên đán làm hồi sinh nhu cầu sử dụng điện thoại của người dùng”.

Vị này cũng cho rằng các nhãn hàng đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi khác nhau để kích cầu, đặc biệt với Samsung, Xiaomi hay Oppo, Vivo.

Việt Nam là quốc gia có thị trường game di động lớn, các thương hiệu đang tài trợ cho nhiều sự kiện và trò chơi khác nhau để đánh vào tâm lý người dùng. Mới đây, Samsung trở thành nhà tài trợ PUBG Mobile của Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, các kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 18% tổng lượng hàng xuất xưởng. Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki có nhiều ưu đãi trong các sự kiện bán hàng lớn.

Nhận xét về tình hình hiện tại của ngành smartphone, chuyên gia Akash Jatwala cho biết: “Lĩnh vực sản xuất Việt Nam đang dần bắt kịp tốc độ trước đây. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân đang bắt đầu trở lại làm việc. Các nhà máy đang thuê thêm công nhân để đáp ứng nhu cầu. Các đối tác cung ứng linh phụ kiện đang tăng cường đầu tư để tăng năng lực sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt linh kiện và lạm phát trên toàn cầu có thể trở thành điểm nghẽn đối với hoạt động sản xuất của Việt Nam. Các lô hàng điện thoại thông minh trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng”.

Ở phạm vi thế giới, thị trường đồ điện tử tiêu dùng cá nhân tăng trưởng mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Tuy vậy, dấu hiệu của sự sụt giảm xuất hiện.

Theo Nikkei Asia, Chủ tịch Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) Mark Liu nhận định nhu cầu về đồ điện tử tiêu dùng đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh bất ổn chính trị và các đợt đóng cửa liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc. Ông Mark Liu cho rằng sự suy thoái đang xảy đến với các lĩnh vực như điện thoại thông minh, PC và TV, đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Nguồn CafeF