2 “nước cờ” nhân sự chiến lược để bắt nhịp với thị trường Fintech

2 “nước cờ” nhân sự chiến lược để bắt nhịp với thị trường Fintech

Bước vào cách mạng 4.0 với nền kinh tế dần hồi phục sau đại dịch, thị trường Fintech tại Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết.

Làm thế nào để đảm bảo nguồn nhân lực đa năng trước làn sóng này chính là bài toán khó mà các doanh nghiệp cần phải giải.

Sự lên ngôi của Fintech trong 2022

Fintech (Financial Technology, tên tiếng Việt: công nghệ tài chính) không còn là một thuật ngữ xa lạ. Tuy COVID-19 xuất hiện khiến nhiều ngành nghề rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng lại là “đòn bẩy” đưa ngành công nghiệp Fintech bước lên một tầm cao mới. Số liệu thống kê của Statista cho biết, tính đến tháng 11/2021, có khoảng 10.755 công ty khởi nghiệp ngành Fintech tại Hoa Kỳ, 9.323 đơn vị tại Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi và khoảng 6.268 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Cũng theo báo cáo nghiên cứu về Fintech của Marketing Data Forecast, thị trường Fintech được dự đoán sẽ đạt ngưỡng 324 tỉ USD vào năm 2026.

Tại Việt Nam, Fintech cũng trở thành một “miếng bánh ngon” trên thị trường. Theo báo cáo của Fintech News Singapore, từ 2017 – 2020, số lượng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech của Việt Nam tăng gấp 3 lần. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam có 44 công ty khởi nghiệp ngành Fintech và con số này trong năm 2020 cán mốc 118.

Trước thực tế phát triển nhanh chóng của Fintech, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương cao, chế độ hấp dẫn cho các vị trí chuyên môn trong lĩnh vực này, song việc tuyển dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ông Jack Nguyễn – Phó Tổng Giám đốc Talentnet nhận định: “Nhân sự trong ngành Fintech khó tuyển dụng bởi họ vừa phải có kĩ năng tài chính, vừa phải có kiến thức công nghệ. Nhân sự đa năng như vậy đã hiếm, phù hợp với văn hoá và môi trường công ty lại còn khó tìm hơn. Các doanh nghiệp Fintech lại còn gặp cạnh tranh cao bởi đây là một trong những ngành đang phát triển mạnh tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương cao cho những nhân sự xuất sắc. Đây thực sự là bài toán khó cho các nhà tuyển dụng”.

2 “nước cờ” nhân sự chiến lược để bắt nhịp với thị trường Fintech

2 giải pháp để bắt nhịp sự sôi động của thị trường Fintech

Năm 2021, thị trường Fintech Việt Nam chứng kiến cuộc khủng hoảng “khát” người khi cả nước cần 450.000 người cho nhân lực IT, nhưng số lập trình viên ước tính chỉ đạt khoảng 430.000 người. Ngoài ra, chỉ có 30% trên tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành IT đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này đẩy các công ty Fintech rơi vào việc thiếu hụt nguồn cung và việc tuyển dụng rơi vào “thế bí”.

Chính vì vậy, để giải bài toán thiếu người của các doanh nghiệp Fintech, ông Jack Nguyễn gợi ý 2 nước đi chiến lược dưới đây:

Xây dựng đội ngũ lao động kế nhiệm đa năng: Các nhà lãnh đạo có thể đẩy mạnh đào tạo và cung cấp kiến thức cần thiết cho nhân sự nội bộ. Từ đó, họ sẽ trở thành đội ngũ cấp cao kế nhiệm, vừa có chuyên môn, vừa có kỹ năng quản lý. Đơn cử, NIUM, một trong những công ty Fintech hàng đầu Ấn Độ, đã hợp tác với Edcast để cho ra đời InstaLearn – một nền tảng học tập dành cho nhân viên. Với chương trình này, mỗi nhân viên sẽ được thiết kế một lộ trình riêng biệt, phù hợp với nhu cầu phát triển sự nghiệp cá nhân. Được nhân viên phản hồi tích cực, NIUM tiếp tục tung ra chương trình MyLearning 2021 tài trợ cho các khoá học được nhân viên lựa chọn trên các trang website khác nhau.

Theo ông Jack, nước đi “quay về bên trong doanh nghiệp” có ưu thế nổi trội, bởi lẽ, nhóm nhân viên này đã sở hữu lượng kiến thức nhất định về nghiệp vụ, doanh nghiệp chỉ cần bổ sung các kỹ năng quản lý giúp họ “đủ lông đủ cánh” để trở thành đội ngũ quản lý kế nhiệm. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi các công ty một chi phí đào tạo khá lớn, cũng như thời gian dài để người lao động vững vàng kỹ năng và chuyên môn.

Sử dụng dịch vụ tuyển dụng nhân sự từ bên thứ ba: Doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn dịch vụ “săn đầu người” khi tuyển dụng nhân sự cấp cao để rút ngắn thời gian và chi phí tuyển dụng. “Các đơn vị săn đầu người thường có nguồn ứng viên “hàng tuyển” dồi dào. Không chỉ có chuyên môn cần thiết, nhóm “hàng tuyển” còn có kỹ năng quản lý để sẵn sàng cho các vị trí cấp cao. Ngoài ra, bởi đã va chạm nhiều với văn hoá đặc thù của các công ty khác nhau, họ cũng sẽ dễ dàng thích nghi nhanh với môi trường làm việc năng động và luôn thay đổi không ngừng của các công ty công nghệ. Nhờ vậy, công ty có thể yên lòng với nguồn nhân lực của mình, sẵn sàng bắt nhịp đường đua 4.0 đầy thách thức mà không lo lắng sự đào thải nhân sự do không phù hợp với môi trường hay văn hoá doanh nghiệp", ông Jack khẳng định.

2 “nước cờ” nhân sự chiến lược để bắt nhịp với thị trường Fintech

Trong thời gian ngắn, các nhà lãnh đạo có thể giải quyết nan đề thiếu hụt nhân sự đa năng bằng dịch vụ “săn đầu người” từ bên thứ ba.

Có thể nói, năm 2022 là năm lên ngôi của ngành công nghiệp Fintech khi ngày càng có nhiều công ty gia nhập thị trường, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Và để bắt đỉnh sóng thành công, nhà lãnh đạo cần lựa chọn nước đi chiếc lược một cách kỹ lưỡng và tỉnh táo để sở hữu nguồn nhân lực cấp cao đa năng: vừa giỏi tài chính, vừa “rành” công nghệ.

Hoàng Kim
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư