‘Nóng’ thị trường thức ăn nhanh
Sau khi có sự góp mặt của McDonald’s, thị trường Việt Nam gần như đã có sự hiện diện đầy đủ các thương hiệu lớn của ngành thức ăn nhanh thế giới.
Tràn ngập thị trường
Ngày 16.7, Tập đoàn McDonald’s chính thức thông báo bước vào thị trường Việt Nam (VN) thông qua đối tác nhượng quyền thương mại là Công ty Good Day Hospitality, do doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng sáng lập. Theo Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn McDonald’s Don Thompson, VN là nước thứ 38 ở châu Á mà thương hiệu này hiện diện. Cửa hàng đầu tiên của McDonald’s dự kiến sẽ khai trương tại TP.HCM vào đầu năm 2014 với những món ăn đặc trưng như sandwich Big Mac, burger phô mai và khoai tây chiên. Giá trị của thương vụ trên không được tiết lộ nhưng theo các chuyên gia trong ngành thì con số không nhỏ. Ngoài ra, địa điểm của cửa hàng đầu tiên, chiến lược kinh doanh sắp tới... vẫn đang được McDonald’s giữ bí mật. Cách đây 2-3 năm, McDonald’s đã để mắt đến thị trường VN nhưng đến nay mới chính thức công bố hiện diện và đây được xem là kết quả của một quá trình tuyển chọn nghiêm ngặt được thực hiện suốt nhiều năm.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, các đại gia thức ăn nhanh (fast food) của Mỹ thi nhau có mặt tại VN. Cuối năm 2012, thương hiệu được đánh giá đứng thứ hai trên thế giới là Buger King (Mỹ) cũng đã chính thức vào VN thông qua đối tác nhượng quyền là Công ty TNHH dịch vụ thực phẩm và giải khát Cánh Diều Xanh (BKV) thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.
Những diễn biến này khiến thị trường thức ăn nhanh (fast food) VN thêm sôi động và cũng là thách thức cho những thương hiệu hiện diện lâu nay. Có mặt tại VN sớm nhất vào năm 1996, thương hiệu Jollibee (Philippines) đến nay mới có khoảng 30 cửa hàng và dường như chưa tạo được nhiều ưu thế. Gần đây, Jollibee có những động thái quyết liệt nhằm mở rộng hoạt động thông qua việc mua lại cụm Phở 24 và Highlands Coffee với giá 25 triệu USD. Ngoài Jollibee, Lotteria (Hàn Quốc) và KFC (Mỹ) cũng góp mặt khá lâu và góp phần không nhỏ vào việc khiến cho thị trường thức ăn nhanh VN sôi động hơn. Ước tính KFC và Lotteria hiện nay có số cửa hàng gần xấp xỉ nhau với khoảng 140 cửa hàng cho mỗi hệ thống. Khác với Burger King và McDonald’s, cả 3 thương hiệu Jollibee, Lotteria và KFC đều tham gia trực tiếp vào VN, chứ không thông qua một đối tác nào.
Ngoài ra, thị trường thức ăn nhanh VN còn có sự tham gia của các thương hiệu nổi tiếng khác như Pizza Hut, Subway thông qua đối tác nhượng quyền là IFB Holding; Domino’s Pizza và gà rán Popeyes cũng do Tập đoàn Liên Thái Bình Dương kinh doanh...
Vắng bóng thương hiệu Việt
Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng doanh số của ngành thức ăn nhanh VN năm 2011 ước tính đạt 870 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2010. Với mức tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, thị trường fast food đang trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong các ngành hàng tiêu dùng thực phẩm hiện nay. Tuy vậy, thị phần chỉ tập trung chủ yếu thuộc về các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài như: KFC, Lotteria, Jollibee, Pizza Hut... Các thương hiệu thức ăn nhanh của VN khá hiếm hoi với Phở 24, Vietmac, Wrap & Roll. Những thương hiệu này khó đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại. Riêng Phở 24 cũng đã bị Jollibee thâu tóm nên các thương hiệu Việt còn lại càng khiêm tốn hơn. Một chuyên gia trong ngành bán lẻ cho biết với ngành thức ăn nhanh, vị trí mặt bằng đắc địa là yếu tố quyết định. Và các thương hiệu ngoại như KFC, Lotteria, Pizza Hut... đang chiếm ưu thế ở yếu tố này nhờ tiềm lực tài chính mạnh. Tuy nhiên với những thương hiệu đến sau như Burger King và McDonald’s thì điều này sẽ không gây nhiều khó khăn cho họ.
Cuộc đua trên thị trường này đang là cuộc chơi riêng của các thương hiệu ngoại, và đang ngày càng "nóng" hơn.
Theo kết quả “Khảo sát thị trường thức ăn nhanh tại các thành phố lớn” do Công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến W&S công bố tháng 12.2012, 3 thương hiệu thường được sử dụng nhiều nhất ở VN gồm KFC, Lotteria và Pizza Hut (riêng tại TP.HCM thì Jollibee vượt lên trên Pizza Hut). Với tổng mẫu nghiên cứu là 272 người từ 16 tuổi trở lên, có đến các cửa hàng thức ăn nhanh ít nhất một lần trong 3 tháng và có sử dụng thức ăn nhanh trong vòng 3 tháng vừa qua, thì KFC dẫn đầu trong danh sách những thương hiệu đã dùng và dùng thường xuyên nhất. Các yếu tố bao gồm vệ sinh, ngon và thân thuộc được người tiêu dùng đánh giá tốt về những cửa hàng đã đến thuộc các thương hiệu trên. Cũng theo nghiên cứu này, từ 24 - 29 tuổi là nhóm người dùng có tỷ lệ sử dụng fast food cao nhất. Tuy nhiên mức giá trung bình cho một khẩu phần ăn vẫn còn khá cao so với mức chi tiêu chung của người dân VN. Chiến lược cạnh tranh của các thương hiệu fast food từ trước đến nay chủ yếu vẫn là mở rộng hệ thống, cung cấp những sản phẩm truyền thống và có địa phương hóa mùi vị sản phẩm theo khẩu vị của người VN.