Khi BAEMIN thay đổi “góc nhìn” để có sự khác biệt trong truyền thông
Giữa lúc hằng ngày mỗi người thường bị quá tải bởi vô số “thông tin mời chào”, những thương hiệu luôn có sự mới mẻ và linh hoạt trong cách truyền tải thông điệp như BAEMIN sẽ có lợi thế trong “bộ nhớ” của khách hàng.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành – Đồng sáng lập Học viện Truyền thông Elite PR School – mới đây đã chia sẻ một bài viết trên Facebook, xung quanh chiến dịch truyền thông của BAEMIN, nhân dịp ứng dụng giao đồ ăn này tròn 3 tuổi kể từ ngày bước chân vào Việt Nam.
Theo chuyên gia Nguyễn Đình Thành, trong nền kinh tế của sự chú ý (Attention Economy), các nhãn hàng đã và đang tham gia vào cuộc đua thu hút sự chú ý của công chúng mục tiêu. Hệ quả là công chúng đôi khi phải chịu cảnh thừa thãi thông tin. Nhà triết học Pháp Eric Sadin từng chia sẻ về tình trạng quá tải “thông tin chào mời” mà mỗi người phải nhận trong thế giới đương đại: bật tivi là nhìn thấy quảng cáo, vào thang máy đi làm cũng thấy quảng cáo trên LCD, đi đường cũng gặp vô số biển hiệu…
Đối phó trước sự “quá tải” này, não bộ của bạn sẽ hình thành một “tấm lưới” lọc ra những thông tin mà não thấy “vô bổ”. Đó thật sự là thách thức của người làm truyền thông trong thời buổi cạnh tranh như hiện tại. Nếu đội ngũ marketing không đưa ra được những thông điệp thu hút cả về nội dung lẫn hình thức, những gì bạn muốn gửi đến khách hàng sẽ không thể vượt qua “tấm lưới” vô hình ấy.
Ông Thành cho rằng để qua được “tấm lưới”, nhiều lúc sẽ phải đầu tư nhiều về thời gian, công sức và cả tiền bạc để hiểu khách hàng muốn gì, thích gì, yêu gì, ghét gì… Chỉ có thế, bạn mới có thể cung cấp các thông tin mà cộng đồng chấp nhận tiếp nhận.
Trong những chiến dịch của mình, BAEMIN được đánh giá đã thể hiện tốt sức sáng tạo để các thông điệp truyền tải đến khách hàng nói riêng và công chúng nói chung đạt hiệu quả cao. Với BAEMIN, mỗi sự thay đổi trong góc nhìn đều có thể dẫn đến sự đột phá.
Có thể thấy ví dụ về góc nhìn đã linh hoạt được BAEMIN điều chỉnh ngay trong chiến dịch cảm ơn khách hàng trên mọi “mặt trận” nhân dịp lên 3 tuổi. Thay vì cảm ơn người ta vì đã mua hàng, đã sử dụng dịch vụ suốt 3 năm, BAEMIN cảm ơn khách hàng từ những đóng góp rất nhỏ như mở app, xem quảng cáo, nghe nhạc… Cách tri ân này trước nay gần như chưa có ai làm. Trong khi đó, tâm lý con người nói chung thường rất thích được trân trọng, được có ích.
Trong chiến dịch này, chuyên gia Nguyễn Đình Thành phân tích hàng trăm nghìn lời cảm ơn đích danh đã được BAEMIN gửi đến nhiều nhóm khách hàng, đối tác. Từng đối tượng khác nhau đều nhận được một lời cảm ơn được đặc biệt viết riêng cho phù hợp với kênh media mà họ tương tác với BAEMIN nhiều nhất.
Chẳng hạn, trên các tấm biển billboard ngoài trời, BAEMIN dành sự tri ân với dòng tâm tình cho những người đi đường: “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã dành vài giây xem quảng cáo BAEMIN mỗi lần dừng đèn đỏ – team marketing BAEMIN”.
Trên app, BAEMIN gửi sự trân quý đến những người trực tiếp sử dụng dịch vụ: “Cảm ơn bạn 3 năm qua không chỉ đặt món BAEMIN giao mà còn ăn món BAEMIN nấu – team BAEMIN KITCHEN”. Ngay chính vị giám đốc điều hành của hãng giao đồ ăn này cũng lên tiếng cảm ơn: “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã mở app BAEMIN những lúc đói bụng – CEO BAEMIN”.
Trên các phần mềm nghe nhạc, những người đã từng nghe các bài hát có sự tham gia sản xuất của BAEMIN sẽ bắt gặp câu: “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã ủng hộ những sản phẩm âm nhạc của BAEMIN kết hợp cùng các nghệ sĩ trên Spotify – team truyền thông BAEMIN”.
Rất nhiều thông điệp dễ thương tương tự đã được BAEMIN dành cho người dùng cả nước. Điểm chung của các thông điệp nằm ở phông chữ, câu từ rất chỉn chu, đồng thời toát lên phong cách mà thương hiệu này theo đuổi từ đầu: sự chân thành. Kết quả là chiến dịch đã được lan toả trên nhiều kênh khác nhau, từ báo chí, người có ảnh hưởng, cộng đồng chuyên môn.
Nhìn lại nhiều chiến dịch truyền thông mà BAEMIN đã triển khai suốt 3 năm qua tại Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh cái ông thích nhất ở BAEMIN là sự kiên trì không vội vã trong cách làm thương hiệu. BAEMIN không hô hào rồi mới làm, ngược lại làm được, làm tốt rồi mới nói. “Những người vừa sáng tạo, vừa biết giữ sức, biết người biết ta, biết kìm mình để ‘Giving time to time’ chắc chắn là một người thành công. BAEMIN là thương hiệu như thế”, ông Thành kết luận trên trang cá nhân.
H.T
Nguồn BAEMIN