Tặng quà theo phong cách Got It

Tặng quà theo phong cách Got It

Mục tiêu của Got It là hiện thực hoá câu chuyện quà tặng điện tử của KakaoTalk hay WeChat ở Việt Nam.

Với hơn 2.500 giao dịch quà tặng mỗi giờ, Got It đang dẫn đầu thị trường quà tặng điện tử (e-voucher) dành cho doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. 7 năm cho hành trình đạt đến vị trí này của Got It, khá thú vị rằng trước đây các nhà sáng lập công ty chưa hề hình dung về Got It như hiện tại. Họ thậm chí đã từng “thất bại rất nhanh” với định hướng ban đầu cho Got It.

Các nhà sáng lập Got It đến từ Việt Nam, New Zealand và Hàn Quốc. Cả 3 đều ấn tượng với cách KakaoTalk thay đổi hành vi tặng quà của người tiêu dùng Hàn Quốc, vì thế năm 2015, Got It ra đời với tham vọng triển khai hình mẫu KakaoTalk ở thị trường Việt Nam.

Chỉ trong 6 tháng, họ nhận ra mục tiêu đó là quá sớm ở Việt Nam. Theo bà Nguyễn Thị Hải Minh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Got It, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, các ứng dụng nhắn tin chưa trở thành thói quen hằng ngày của người sử dụng thì rất khó có chỗ cho việc tặng quà trực tuyến phát sinh. Tuy nhiên, Got It nhận ra nhu cầu sử dụng thẻ quà tặng điện tử từ doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng, khi các hình thức thẻ quà tặng giấy và quà tặng hiện vật tỏ ra bị giới hạn bởi sự phức tạp và tốn kém trong quản lý, in ấn, bảo quản.

Tặng quà theo phong cách Got It

Khác với mô hình tặng quà truyền thống, nhờ ưu thế công nghệ, mô hình quà tặng điện tử giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí vận hành và quản lý. Việc triển khai trực tuyến cũng đem đến cơ hội mở rộng quy mô nhanh hơn và phá vỡ rào cản địa lý khi doanh nghiệp thực hiện các chương trình khách hàng thân thiết, chơi game trả thưởng.

Nhưng để hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia, Got It phải có lối đi riêng. Thời điểm đó, trên thị trường voucher/coupon thường được gắn với khái niệm giảm giá, mỗi hoá đơn mua hàng chỉ áp dụng một mã, sử dụng kèm nhiều điều kiện, không được hoàn lại phần dư ra nếu giá trị hoá đơn thấp hơn... “Nhận ra một khái niệm mới thay thế là điều cần làm, Got It tiên phong đưa ra khái niệm ‘quà tặng điện tử’ (của doanh nghiệp nội địa) sử dụng thanh toán tương đương tiền mặt. Và nhờ đó loại bỏ các hạn chế của mô hình cũ”, bà Minh nói.

Việc lựa chọn doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ cũng quyết định yếu tố thành công của Got It. Ngân hàng là nhóm đầu tiên Got It tiếp cận vì ngân hàng có tốc độ số hoá cao hơn so với các doanh nghiệp khác và thói quen tặng quà khách hàng đã có sẵn. Công ty mất 6 tháng để tiếp cận và được chấp thuận bởi một trong các ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất trên thị trường. Các lợi ích của mô hình tặng quà trực tuyến lan truyền rộng rãi trong giới ngân hàng và từ đó, việc tiếp cận các ngân hàng còn lại trở nên dễ dàng hơn.

Sau ngân hàng, Got It đem công thức này sang lĩnh vực bảo hiểm và trong vòng 1 năm đã kết nối gần hết các khách hàng lớn. Năm 2017, Got It bắt đầu tiếp cận nhóm khách hàng tiêu dùng nhanh và hiện là đơn vị hiếm hoi trên thị trường là đối tác của cả 2 công ty đa quốc gia lớn nhất thuộc ngành hàng này ở Việt Nam. “Khó nhất trong mô hình quà tặng trực tuyến là cân đối giữa khách hàng và các nhà cung cấp tham gia. Nếu tốc độ tăng trưởng cả 2 quá chênh nhau, công ty sẽ gặp khó khăn ngay lập tức. Chúng tôi chọn đi chậm mà chắc”, bà Minh nói.

Tặng quà theo phong cách Got It

Đầu năm 2021, VNG công bố đầu tư 6 triệu USD vào Got It. Thương vụ này có thể bất ngờ với giới kinh doanh nhưng với những người thành lập Got It thì không, vì công ty đã tiếp xúc VNG từ những ngày đầu thành lập.

Mục tiêu của Got It là hiện thực hoá câu chuyện quà tặng điện tử của KakaoTalk hay WeChat ở Việt Nam và VNG với nền tảng Zalo là lựa chọn phù hợp. 5 năm tìm hiểu cũng là quãng thời gian đủ dài để 2 công ty đi đến quyết định và thúc đẩy cho thương vụ hợp tác nói trên.

Có lý do để những nhà sáng lập Got It theo đuổi mục tiêu này. Ước tính thị trường quà tặng (bao gồm thẻ quà tặng và quà hiện vật) ở Việt Nam trị giá 3 tỉ USD/năm và quà tặng điện tử chỉ mới chiếm 4-5% số đó, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Tỉ lệ này sẽ tăng trưởng nhanh chóng hơn khi người sử dụng bắt đầu xem việc tặng quà trực tuyến trở thành hành vi thường xuyên trên internet.

Lấy ví dụ về KakaoTalk, có khoảng 21,7 triệu người đã sử dụng dịch vụ tặng quà trực tuyến của ứng dụng này ở Hàn Quốc, mức giá phổ biến cho mỗi món quà từ 8-16 USD. Theo loại quà tặng, các mặt hàng bán chạy nhất theo thứ tự ưu tiên là cà phê, kem, phiếu mua hàng, gà và các loại bánh. Gần đây, nước hoa và quần áo đang leo lên bảng xếp hạng.

Tặng quà theo phong cách Got It

Biển quảng cáo Got It tại cây xây ở TP.HCM
Ảnh: TL

Từ 15 đối tác bán hàng trên KakaoTalk Gift, hiện đã có 6.000 doanh nghiệp tham gia, tăng 400 lần. Tập khách hàng theo đó cũng mở rộng lên từ giới văn phòng ở độ tuổi 20-30 đến những người sử dụng từ 40 tuổi trở lên.

Quay trở lại với câu chuyện của Got It, báo cáo quý I/2021 của Zalo cho biết ứng dụng này hiện có 64 triệu người sử dụng thường xuyên, tăng khoảng 4 triệu so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, việc hợp tác của 2 bên đang bổ sung mảnh ghép còn sót cho bức tranh chung.“Nếu như internet giúp việc kết nối mọi người dễ dàng hơn thì Got It sẽ giúp họ phát triển các mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn”, đại diện Got It nói.

Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư