Tầm nhìn 2022: Chiến lược thích ứng trong bối cảnh mới 3 (Phần 1)
“Đâu là chiến lược của bạn trong 12 tháng tiếp theo?”. Kể từ sau ảnh hưởng của COVID-19 năm 2019, đây luôn là câu hỏi Wisdom tự đặt ra vào quý I để tiếp tục thích ứng với thị trường dưới tư cách doanh nghiệp và đồng hành tư vấn cho khách hàng ở góc độ một strategic marketing agency.
Nếu 2020, với Wisdom, đó là “chiến lược lưỡng cư” để tăng khả năng “sinh tồn” trước bối cảnh mới; 2021 là chiến lược “tối giản” và “cộng sinh” để đứng vững trước mọi tình huống, thì 2022, là lúc nhà lãnh đạo cần nhìn xa hơn về cuối giai đoạn phục hồi, đặc biệt khi Omicron là biến chủng có xu hướng thích nghi và ít gây hại hơn cho người bệnh. Các nhà khoa học nhận định nếu không có biến chủng mới phá vỡ quỹ đạo hiện tại, đại dịch sẽ sớm chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu, ít tác động, chi phối đến xã hội hơn. Và đó có thể là dự báo về sự kết thúc sớm của đại dịch. Tất nhiên đây là trong điều kiện lý tưởng nhất.
Vậy bước sang những quý tiếp theo của 2022, doanh nghiệp nên làm gì để tái định hình chiến lược và hoạt động kinh doanh? Hãy cùng Wisdom agency xác lập lại những định hướng phục hồi tăng trưởng mới cho doanh nghiệp qua 7 câu hỏi dẫn dắt dưới đây.
Câu hỏi 1: Đâu là những khuôn thức khôi phục của tự nhiên sau các đại thảm hoạ?
Tại sao lại bắt đầu với tự nhiên? Với Wisdom, tự nhiên luôn gồm những khuôn thức mà khi nghiên cứu đủ sâu, nhìn đủ kỹ, sẽ là nền tảng để lý giải nhiều phạm trù khác nhau. Suy cho cùng, tìm những điểm tương đồng từ sự khác biệt cũng là một yếu tố tất yếu trong nghề marketing.
Tự nhiên là một hệ cân bằng luôn tự điều chỉnh. Áp lực của mặt trái đồng thời cũng là sức bật của mặt còn lại. Sau mỗi thảm hoạ, càng khắc nghiệt bao nhiêu, sự sống lại một lần nữa càng phát triển đa dạng và mạnh mẽ bấy nhiêu. Bởi lẽ tự nhiên thay đổi, bên cạnh quá trình đại thanh lọc còn là “khoảng trống” cho sự mở rộng nhanh chóng của những sinh vật thích ứng hơn.
Khi triều đại của loài khủng long kết thúc, đó là kỷ nguyên bắt đầu của loài thấp bé tự tin đứng thẳng. Khi núi lửa phun trào, vùng đất xung quanh trở nên màu mỡ để tái tạo mảng xanh hơn bất cứ đâu. Những tác động tiêu cực của COVID-19 chỉ là 1 mặt của vấn đề. Khi gồng qua “mặt trái” khó khăn nhất và thích ứng, điều chờ đợi phía trước là cơ hội cùng những cuộc “đại hồi sinh”.
Câu hỏi 2: Khuôn thức khôi phục của tự nhiên có còn đúng với nền kinh tế?
COVID-19 không phải là đại dịch đầu tiên gây ra sự gián đoạn trong mọi mặt từ xã hội tới kinh tế. Khi so sánh về tính nghiêm trọng, có lẽ phải nhắm tới 2 đại dịch thế kỷ “Cái Chết Đen” năm 1347-1352 và “Cúm Tây Ban Nha” năm 1918-1919. Dù Cúm Tây Ban Nha được nhận định mang lại nhiều thiệt hại nhân mạng hơn về số lượng, nhưng nếu xét trên tỷ lệ phần trăm dân số, Cái Chết Đen mới là đại dịch gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Chúng ta thường nhắc đến bệnh dịch hạch như một thời kỳ đen tối về mọi mặt. Nhưng nếu nhìn về ảnh hưởng dài hạn, đây lại là thời kỳ thúc đẩy những bước nhảy vọt lớn trong năng suất lao động, cải tiến nông nghiệp, bình quân thu nhập cũng như nền kinh tế bấy giờ. Và dường như các mô thức này vẫn tiếp tục lặp lại ở các đại dịch tiếp theo.
Câu hỏi 3: Đâu là kỳ vọng đúng về tốc độ phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19?
Trong suốt đại dịch COVID-19, nỗi sợ vì không biết tương lai gần sẽ ra sao vẫn là một trong những lo lắng lan nhanh trên toàn thế giới. Khi COVID-19 dường như bóp nghẹt tất cả các nền kinh tế bằng những cơn co thắt đau đớn và sự hoảng loạn, những dự đoán tương lai đôi lúc có phần bi quan, khuếch đại hơn so với thực tế – chẳng hạn như những dự báo về cuộc đại suy thoái mới, tỷ lệ thất nghiệp.
Thực tế, trừ Trung Quốc – quốc gia vẫn đang kiên trì giữ vững chính sách Zero-Covid, hầu hết các quốc gia đều đang trên đà khôi phục nhanh hơn kỳ vọng.
Bởi vậy, có thể nói “đám mây đen lửng lơ trên đầu” mang tên COVID-19 gần như đã là chuyện của quá khứ. Đến thời điểm hiện tại, điều nhà lãnh đạo cần cân nhắc là “làm thế nào” để mượn lực phục hồi, đưa doanh nghiệp bật nhanh trong thời gian tới.
Câu hỏi 4: Vì sao hậu COVID-19 có thể là thời điểm phục hồi lý tưởng?
Trước hết, không giống các cuộc khủng hoảng tài chính, đại dịch không gây sụp đổ cấu trúc nền kinh tế như các cuộc đại suy thoái 2001-2008. Thay vào đó, COVID-19 gây ra sự trì hoãn, đặc biệt khi cơ cấu kinh tế ở nhiều quốc gia hầu như còn nguyên vẹn khi tỷ lệ tử vong bởi COVID-19 không cao như 2 trận đại dịch thế kỷ trước đó.
Tình trạng chung của hậu giãn cách, mở cửa là những hoạt động “ứ đọng” trước đó có thể gây áp lực lên mạng lưới hậu cần và dẫn tới việc thiếu xăng, nguyên vật liệu, tăng giá… Tuy nhiên đây chỉ là những tác động ngắn hạn và sẽ hoàn toàn khôi phục khi thị trường bước vào giai đoạn ổn định.
Thứ hai, các phản ứng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhân sự trên toàn cầu cũng đang dần chứng minh tính hiệu quả và thiết thực. Nhiều quốc gia đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ tài chính để đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thứ ba, đó là xu thế thay đổi mô hình làm việc khi nhiều doanh nghiệp đã phê duyệt chính sách làm việc từ xa vài ngày trong tuần như một bình thường mới. Điều này mang đến những lợi ích lớn về năng suất của lực lượng lao động khi dung hoà được những gì tốt nhất ở cả 2 mô hình cũ –mới: vừa phát huy được năng lực, tư duy chuyên sâu của các cá nhân, vừa phát huy được tinh thần hợp tác, làm việc đội nhóm.
Đương nhiên, những luận điểm trên không thể áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, lĩnh vực, và đó cũng là lý do chúng ta phải tiếp tục nhìn sâu hơn vào độ chênh giữa dự đoán và thực tế. Dưới đây là thống kê tham chiếu từ Hoa Kỳ về sự khác biệt giữa dự đoán và hiện thực về 3 nhóm ngành với “hậu di chứng” khác nhau:
Và dễ dàng có thể thấy, các lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và những lĩnh vực bị “ảnh hưởng bởi lockdown mà không bị ảnh hưởng bởi giãn cách”, phần lớn đã phục hồi. Nhóm ngành còn lại - chủ yếu liên quan đến dịch vụ, sẽ khó hoàn toàn hồi phục cho đến khi một loại vắc xin an toàn và hiệu quả được phổ biến rộng rãi.
Câu hỏi 5: Tình hình thực tế tại Việt Nam lúc này ra sao?
Đối với Việt Nam, Wisdom tin rằng doanh nghiệp đang sở hữu nhiều cơ hội hơn phần lớn các quốc gia khác vì nhiều lý do:
Yếu tố đầu tiên là sự chấp nhận của công chúng đối với vắc xin, điều này giúp thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã đang chuyển sang bình thường mới, trong đó các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường và người dân trở lại làm việc, học sinh, sinh viên trở lại trường học.
Đối với các doanh nghiệp, Việt Nam là một trong số ít quốc gia thoát khỏi gánh nặng của cuộc đại suy thoái. Trên khắp thế giới, nguồn nhân sự đang từ chối quay lại văn phòng vì những thay đổi và nhận thức mới về hệ giá trị bản thân. Phần lớn hướng đến các công việc tự do thay vì lựa chọn tiếp tục bị ràng buộc trong các môi trường văn phòng.
Yếu tố thứ 2, sự hỗ trợ của Chính phủ cho đến thời điểm này là khá đáng kể – hơn 350.000 tỷ đồng được phân bổ cho các doanh nghiệp lớn và nhỏ trong thời gian qua. Đối với bản thân các doanh nghiệp, đại dịch cũng là thời gian các nhà lãnh đạo học được cách vận hành và quản lý hiệu quả hơn với quy mô vừa vặn hơn. Điều này cũng giống như khi cơ thể tiến vào cuối giai đoạn detox, một số tế bào có lợi cũng có thể bị đào thải. Đổi lại, cơ thể lại nhẹ hơn, dễ thích nghi hơn với cơ hội thị trường. Đây cũng là điều Wisdom đã đề cập tới trong phần 1 và phần 2 của chuỗi bài “Chiến lược thích ứng trong bối cảnh mới”.
Do đó, nếu nhận xét một cách khách quan, đối với Wisdom, 2022 sẽ là giai đoạn khá thuận lợi để doanh nghiệp bù đắp phần nào những thiệt hại gánh chịu trong suốt 2 năm qua.
Câu hỏi 6: Đâu là chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn này?
Đây ắt hẳn cũng là câu hỏi mọi người đều phải suy nghĩ ngay sau Tết Nguyên Đán. Dù theo chiến lược chiến tranh có tới 10 lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên khi xét về mặt đại chiến lược, hãy đơn giản hoá thành 2 trường phái: chiến lược phòng thủ và chiến lược tấn công.
Chiến lược phòng thủ:
Chiến lược tấn công:
Đối với nhiều người, các ẩn số bất định như biến chủng mới vẫn là nguyên nhân khiến họ giữ thế phòng thủ trong 2 năm qua. Tuy nhiên, liệu đây có phải là lựa chọn tốt nhất cho lúc này.
Từ góc độ cá nhân, với một thời điểm vàng như hiện tại, cơ hội của doanh nghiệp đến từ việc lựa chọn tấn công và chiến lấy những “khoảng trống” của thị trường. Có thể trong những năm COVID-19, doanh nghiệp đã học được cách thận trọng để giữ vững những gì đang có, thu nhỏ mô hình, cắt giảm chi phí để duy trì vận hành. Thế nhưng vào thời điểm này, chúng ta được phép phiêu lưu để mượn lực vươn lên trên cơn sóng tăng trưởng.
Một câu hỏi thú vị khác là liệu chúng ta có nên “chơi an toàn” trong tình huống này hay không, đặc biệt khi có thể các doanh nghiệp đã không còn nguồn lực dồi dào sau các đợt thiệt hại. Ví dụ, chỉ riêng TP.HCM đã có hơn 100.000 doanh nghiệp đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động – điều này cũng tương tự như quy luật chọn lọc tự nhiên, chỉ những cá thể có khả năng thích ứng mới tiếp tục trụ lại.
Thực tế, tấn công thì luôn có lợi hơn phòng thủ trong thời điểm này. Tuy vậy, tính hiệu quả thực tiễn còn phụ thuộc vào nguồn lực và cách triển khai. Để phiêu lưu mà không đánh cược, an toàn mà không bị động, tất cả đều phụ thuộc vào chiến lược và con đường bạn đi!
Câu hỏi thứ 7 “Vậy các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì trong thời điểm hiện tại” – Đây sẽ là gợi ý mà Wisdom sẽ để dành để khai thác sâu hơn trong phần tiếp theo của chuỗi bài viết.
Hy vọng những gợi mở trên đã phần nào củng cố những định hướng của doanh nghiệp bạn trong giai đoạn sắp tới. Và bởi thời điểm hiện tại là thời cơ để bứt tốc trên chặng đua dài, Wisdom Agency vẫn đang đồng hành cùng những doanh nghiệp bản địa trên cuộc đua ấy và hân hạnh được chia sẻ góc nhìn này đến quý độc giả.
Tham khảo thêm những góc nhìn khác của Wisdom tại đây.