Hàng tiêu dùng nhanh ở chợ và “cuộc chiến quầy kệ”
Nếu như trước đây, ở ngành hàng tiêu dùng nhanh (hóa phẩm, thực phẩm…) tỷ lệ hàng Việt chiếm thị phần lớn ở kênh chợ thì nay, các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia đã tăng cường “phủ sóng” vào kênh này.
Đáng lo là hầu hết các vị trí trưng bày đẹp đều bị các DN đa quốc gia chiếm lĩnh. Khảo sát tại nhiều chợ như Bà Chiểu, Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Gò Vấp… (TP.HCM) cho thấy, các mặt hàng bột giặt, nước rửa chén, bánh kẹo, mì gói, bột nêm, nước chấm… của các DN đa quốc gia hiện chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với sản phẩm (SP) của DN Việt. Tiểu thương cho biết, trước đây các DN đa quốc gia gần như bỏ quên kênh chợ nhưng gần đây, họ đã đẩy mạnh phân phối hàng kèm theo nhiều chương trình giới thiệu SP, khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Chị Hồng - tiểu thương ngành hàng chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) cho biết, các DN đa quốc gia ngoài việc ráo riết đàm phán với tiểu thương để được trưng bày SP ở vị trí đẹp nhất, còn liên tục cho nhân viên xuống kiểm tra, chêm hàng kịp thời và phát tờ rơi, dán poster, khuyến mãi… Chị Thông - bán bánh kẹo, sữa ở chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) cũng cho biết, nhờ chính sách giao hàng, thanh toán linh hoạt, nhanh chóng và chiết khấu, hoa hồng cho tiểu thương cao nên các DN đa quốc gia đang chiếm ưu thế so với DN Việt. Mặt khác, nếu có bất kỳ phản ánh nào từ khách hàng, nhân viên của họ sẽ xuống chợ ngay để giải quyết nhanh gọn.
Bà Huỳnh Thị Yên - quản lý Dự án Trung tâm Đào tạo tư vấn bán hàng LSA thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), nhận định: “Các DN đa quốc gia hoàn toàn thắng thế trong cuộc chiến quầy kệ vì họ chịu đầu tư, trong khi hàng Việt trưng bày manh mún, nhỏ lẻ, không bắt mắt”.
Từ ý kiến tiểu thương cho thấy, DN Việt vẫn có thể giành được quầy kệ ở chợ, tùy vào việc DN đàm phán với tiểu thương. Anh Bảo - tiểu thương chợ Rạch Ông (Q.8) cho biết, ở mặt hàng nước mắm anh vẫn ưu tiên trưng bày các SP của DN trong nước như Liên Thành, Hồng Hạnh…
Hiện, chỉ có một số DN Việt có quy mô lớn như Vinamilk, Trung Nguyên, Tân Hiệp Phát là sẵn sàng đối đầu với DN nước ngoài, nghĩa là “ai làm gì, thì họ học theo”, từ cách làm quầy kệ, cách tiếp thị… nên cũng giữ được thị phần. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ như Bidrico, Mỹ Hảo… thì chọn cách đánh “du kích” vào những thị trường “kẽ hở” như phân khúc thị trường nông thôn (phân khúc thị trường mà các DN đa quốc gia chưa thâm nhập), "phủ sóng" hàng vào tất cả chợ nhỏ, lẻ. Sau khi có thị phần vững chắc ở thị trường nông thôn, các DN sẽ quay lại “tấn công” thành thị, phủ hàng ở các kênh truyền thống (chợ, cửa hàng). Ngoài ra, DN Việt có thể tập trung sản xuất SP cùng chủng loại với SP của DN đa quốc gia nhưng giá thấp hơn, đáp ứng nhu cầu cho phân khúc tiêu dùng trung bình thấp… Dù biết đây là đường vòng, nhưng trong tình thế không còn sự lựa chọn nào, DN buộc phải chịu thiệt.
Ông Hồ Minh Chính - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bán hàng chuyên nghiệp (KAS) cho rằng, như thế vẫn chưa đủ, các DN hiện nay cần thay đổi phương thức phục vụ, chú trọng vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi, tạo sự đồng bộ trong hệ thống phân phối để tránh tình trạng các đại lý tự bán phá giá cạnh tranh nhau; đầu tư cho nhân sự ổn định để xây dựng mối quan hệ lâu dài với tiểu thương.