Vòng xoáy tiền và tăng trưởng của Leflair Group
Leflair Group cần tiềm lực tài chính không nhỏ để hiện thực hóa chiến lược mới của mình.
Lần trở lại này, Leflair Group (LFG) đang có tham vọng xây dựng cho mình một hệ sinh thái hoàn chỉnh để tránh đi vào vết xe đổ.
Giấc mơ mới
Việc trở lại của LFG, sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang, dưới sự hỗ trợ của SoPa (Society Pass) càng bất ngờ hơn khi một trong các nhà sáng lập của Leflair cũ ngồi vào vị trí điều hành. Bà Pamela Aw Young, Group COO của SoPa, cho biết không thể phủ nhận quyết định lựa chọn ông Loic Gautier làm Tổng Giám đốc Điều hành LFG theo cái nhìn của số đông được cho là một sự mạo hiểm, nhưng đó là một lựa chọn đúng đắn.
Kể từ khi chính thức IPO, niêm yết trên sàn Nasdaq, chiến lược của SoPa tập trung vào hoạt động M&A các công ty có nền tảng trực tuyến hoạt động trên 6 ngành dọc là phong cách sống, F&B, du lịch, phần mềm công nghệ cho doanh nghiệp (B2B software), quảng cáo trực tuyến và nền tảng loyalty tại 3 thị trường Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Vì thế, nhân lực là yếu tố SoPa quan tâm hàng đầu. Công ty có xu hướng tìm các nhân sự cao cấp từng vận hành Leflair từ những ngày đầu để tận dụng tối đa kinh nghiệm của họ.
Tuy nhiên, với vai trò là công ty đa quốc gia, mọi quyết định liên quan đến chiến lược và vận hành của Công ty đều thông qua Hội đồng thành viên có cấu trúc chặt chẽ và trải qua nhiều tầng quyết định để giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả trong kinh doanh.
Mảng thời trang của LFG, hay còn gọi là phong cách sống được SoPa phân thành một mảng chủ lực và tách riêng với các lĩnh vực còn lại, do đó LFG sẽ hoạt động tương tự như SoPa là M&A để tạo một hệ sinh thái riêng.
Theo ông Loic Gautier, chiến lược mới của công ty là định vị trở thành nhà cung cấp tất cả các dịch vụ từ bán hàng online đến offline cho các hãng thời trang muốn gia nhập vào thị trường Đông Nam Á. Chính vì thế, công ty sẽ tìm kiếm mua lại các đối tác trong lĩnh vực quảng cáo, phân phối, bán lẻ... trong thời gian tới.
Với kinh nghiệm của “người Leflair” đời đầu, thật khó mà có lợi nhuận nếu chỉ vận hành một website thương mại điện tử đơn thuần, nhất là với đơn vị đã rời thị trường khá lâu, lại chỉ tập trung vào một lĩnh vực là thời trang như LFG trong khi thị trường Việt Nam đã định hình được nhóm dẫn đầu, lại hoạt động đa ngành là Shopee, Lazada và Tiki. Quan trọng hơn, các nhà đầu tư của nhóm dẫn đầu vẫn không ngừng trợ giá để thu hút người sử dụng mới.
Do đó, việc hình thành một hệ sinh thái giúp LFG có nhiều khách hàng hơn nhờ cung cấp nhiều dịch vụ, từ đó đa dạng nguồn thu và quan trọng nhất là tránh lao vào cuộc đua tăng trưởng người sử dụng mới của các đơn vị dẫn đầu thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.
Canh bạc IPO
Một điều chắc chắn LFG sẽ cần tiềm lực tài chính không nhỏ để hiện thực hoá tham vọng của mình. Trước đó, SoPa, công ty mẹ của LFG, thực hiện IPO ở Mỹ, thu về hơn 28 triệu USD – một con số khá khiêm tốn cho cả 3 thị trường Việt Nam, Philippines và Indonesia. Vì thế, khó có thể kỳ vọng LFG được ưu đãi phần lớn nguồn lực cho chiến lược mua bán - sáp nhập ở Việt Nam.
Ông Loic Gautier thừa nhận nguồn vốn hiện tại là có hạn chế, nhưng công ty sẽ sớm công bố vòng gọi vốn mới vào quý II và dự kiến sẽ IPO ở sàn Nasdaq vào cuối năm 2022. SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt) là phương thức IPO mà LFG sẽ sử dụng, tương tự Sopa.
Nhưng thử thách với LFG vẫn chưa dừng lại. Sự sụt giảm giá cổ phiếu các công ty công nghệ trong thời gian qua không đơn thuần đến từ sự điều chỉnh của thị trường mà còn đến từ việc khan hiếm nguồn cung. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng.
Thứ đến, SPAC đã không còn là đũa thần cho các công ty startup công nghệ nữa. Theo CNBC, thị trường SPAC được dự đoán sẽ tiếp tục bão hoà trong năm 2022 do tỉ giá tăng dẫn đến các cổ phiếu đầu cơ có thu nhập thấp tiếp tục không được ưa chuộng. Đợt bán tháo cổ phiếu các công ty công nghệ hồi đầu năm nay cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các cổ phiếu theo mô hình SPAC. “Bong bóng SPAC đang vỡ. Cổ phiếu SPAC rất dễ biến động do tính chất đầu cơ của chúng”, ông Chris Senyek, chuyên gia phân tích tại Wolfe Research, nhận định.
Mặc dù vậy, Tổng Giám đốc Điều hành LFG vẫn khá tự tin với kế hoạch đề ra. Theo ông Loic Gautier, LFG không hướng đến việc trở thành công ty kỳ lân công nghệ, vì thế quy mô gọi vốn và mục tiêu sẽ sát với thực tế hơn thay vì một viễn cảnh quá tươi sáng như nhiều công ty công nghệ ở Đông Nam Á trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, LFG đang mời gọi các startup Việt Nam đi cùng mình để trở thành các công ty đại chúng ở Mỹ. “Ở Việt Nam, rất hiếm trường hợp các startup có thể IPO ở Mỹ và việc hợp tác với chúng tôi là để hiện thực hoá con đường đó”, ông Loic Gautier nói thêm.
Đông Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư