Thương mại điện tử Việt Nam đạt 57 tỉ USD vào 2025?

Thương mại điện tử Việt Nam đạt 57 tỉ USD vào 2025?

Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô ngành thương mại điện tử hiện đạt giá trị 21 tỉ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỉ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Các doanh nghiệp trong ngành năng động hơn

Với mức tăng trưởng cao trong nền kinh tế, thương mại điện tử (TMĐT) góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hoá và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả.

Các con số thống kê và dự báo từ năm 2019-2024 cho thấy TMĐT xuyên biên giới tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, tổng doanh số bán lẻ bình quân hàng năm tăng 3,8%; tăng trưởng doanh số bán lẻ qua thương mại điện tử tăng 15%; tỉ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số bán lẻ tăng 23,4%.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên Internet. Một điểm nổi bật trong giai đoạn TMĐT bùng nổ là các doanh nghiệp trong ngành đã trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức, hoạt động kinh doanh của mình và đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.

Thương mại điện tử Việt Nam đạt 57 tỉ USD vào 2025?

Bản thân các doanh nghiệp hay nhà bán đang rất loay hoay không biết mình cần phải đầu tư các công cụ, công nghệ nào trong hoạt động kinh doanh
Ảnh: TL

Theo ông Tình Nguyễn, Giám đốc Điều hành Vietnam MarTech, sau nhiều năm làm việc trong môi trường kinh doanh của ngành TMĐT, ông và nhiều chuyên gia trong ngành đều nhận ra rằng có một sự ngắt kết nối rất lớn giữa các doanh nghiệp TMĐT với các đơn vị cung cấp, phân phối hay phát triển các công cụ, công nghệ họ đang sử dụng hoặc nên sử dụng.

Nói cách khác, bản thân các doanh nghiệp hay nhà bán đang rất loay hoay không biết mình cần phải đầu tư các công cụ, công nghệ nào trong hoạt động kinh doanh và nếu có thì cũng khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.

Trước tình hình bùng nổ của TMĐT, các công ty Vietnam MarTech và LadiPage Việt Nam, BambuUP, ANTSOMI nghiên cứu và đưa ra báo cáo về “các công cụ, công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực TMĐT”.

Báo cáo đã xác lập hơn 205 công ty công nghệ TMĐT, giải quyết 25 ưu tiên công nghệ từ các hoạt động xây dựng sự hiện diện số đến các hoạt động tiếp thị, bán hàng, vận hành, logistics và đặc biệt là quản trị dữ liệu tập trung. Hơn 205 công ty công nghệ được phác hoạ trong một bức tranh tổng thể, được phân loại thành 8 nhóm danh mục chính (25 nhóm danh mục phụ) bao gồm: Store Design (tổ chức kho bãi), Finance (tài chính), Marketing, Sales & Conversion (sale và chuyển đổi), Operation & Logistics (vận hành & hậu cần), Customer Support (dịch vụ khách hàng), Loyalty & Retention (duy trì lòng trung thành & giữ chân khách hàng), Data Analytics & Business Intelligence (dữ liệu và khai thác dữ liệu).

Từ đó, các chủ doanh nghiệp có thể nghiên cứu, khám phá và đầu tư ứng dụng các công cụ, dịch vụ công nghệ phù hợp để tối ưu hoạt động, nâng cao năng suất, phát triển doanh nghiệp, tăng tốc và bứt phá trong thời đại kinh tế số như hiện nay.

Thương mại điện tử Việt Nam đạt 57 tỉ USD vào 2025?

Sự thiếu liên kết trong ngành TMĐT

Cũng theo ông Tình Nguyễn, hệ sinh thái TMĐT ở thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong 5 năm trở lại đây. Trong ngành TMĐT, mỗi bên liên quan đều đang gặp phải các vấn đề của riêng mình.

Cụ thể là, đối với các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT thường đưa ra lời khuyên mang tính chất chung chung, phổ quát về các công cụ mà họ muốn sử dụng, tạo ra quy trình hợp lý cho họ chứ không thực sự hướng đến các nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp TMĐT.

Ngược lại, đối với các doanh nghiệp TMĐT mặc dù luôn có nhu cầu rất lớn trong việc chuyển đổi số và sẵn sàng đầu tư lớn cho việc ứng dụng công nghệ nhưng họ lại phải chịu áp lực lớn về “cơm áo gạo tiền”.

Hầu như các nhà bán luôn phải chạy theo kênh tiếp thị, theo các chỉ tiêu doanh số mà không có thời gian để nghiên cứu chính xác các công cụ, công nghệ và tài nguyên mà họ cần, chưa nói tới việc tìm chúng ở đâu. Bên cạnh đó, công nghệ vốn là lĩnh vực luôn đòi hỏi sự cập nhật liên tục, các chủ doanh nghiệp TMĐT không có đủ thời gian để bắt kịp với những thay đổi nhanh như vũ bão của các xu hướng mới.

Một nghịch lý khác là bản thân các công ty công nghệ nói chung và trong lĩnh vực TMĐT nói riêng thường hạn chế trong khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm so với các doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Họ có xu hướng không giỏi trong việc quảng bá sản phẩm của chính mình và cũng không thích nói về giá cả, sự cạnh tranh và những hạn chế của họ.

Ngoài ra kiến thức và sự hiểu biết, kinh nghiệm sâu sắc toàn diện về lĩnh vực công nghệ là rào cản chung khiến cho quá trình tiếp thị và tiếp cận doanh nghiệp TMĐT của các công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các công ty truyền thông chuyên cho ngành TMĐT dường như tập trung vào tiếp thị và giáo dục hơn là phân tích các công cụ và công nghệ.

Sơn Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư