tiNiWorld: Kiên định với mô hình vừa chơi vừa học

tiNiWorld: Kiên định với mô hình vừa chơi vừa học

Ít ai biết tiNiWorld khởi đầu từ bài tập môn kinh doanh trong trường đại học. Tác giả của bài tập này đã không nộp cho trường mà quyết định khởi nghiệp.

Từ đó, chị Nguyễn Lê Chi Mai, đồng sáng lập chuỗi tiNiWorld, đã trở thành người tiên phong trong việc xây dựng mô hình sân chơi giáo trí, tức giáo dục kết hợp với giải trí cho trẻ em. Ở thời điểm cả hệ thống tiNiWorld đang có rất nhiều việc phải làm để phục hồi kinh doanh sau những đợt giãn cách xã hội kéo dài, chị Nguyễn Lê Chi Mai chia sẻ với NCĐT cách tiNiWorld đã vượt qua thách thức này như thế nào.

* Trong tất cả các đợt giãn cách xã hội tại TP.HCM và trên toàn quốc trong 2 năm qua, tiNiWorld luôn bị đóng cửa đầu tiên và được mở cửa sau cùng. Để tồn tại, chị đã làm gì?

Với mô hình của chúng tôi, bài toán về dòng tiền là yếu tố quyết định sự sống còn. Ngay giai đoạn bùng dịch lần thứ nhất vào đầu năm 2020, Ban Giám đốc N KID Group đã họp khẩn để đưa ra các kế hoạch hành động nếu dịch vào Việt Nam và kéo dài. Chúng tôi tính toán chi tiết phải làm gì với dòng tiền hiện có, phải làm gì nếu doanh thu về 0 trong nhiều tháng liền.

tiNiWorld: Kiên định với mô hình vừa chơi vừa học

Chúng tôi đưa ra giải pháp là bán thêm loại vé trả trước để khách có thể vào tiNiWorld bao nhiêu lần tuỳ ý trong 6 tháng kèm theo nhiều ưu đãi. Sản phẩm này khi đưa ra được khách hàng đón nhận, nhờ vậy mà chúng tôi có doanh thu.

Thêm vào đó, chúng tôi cũng mở rộng các kênh bán online và tăng thêm nguồn thu từ mảng kinh doanh đồ chơi, dụng cụ học tập. Trong bối cảnh việc kinh doanh nhiều lần bị ngắt những quãng dài, thậm chí năm 2021, hệ thống tiNiWorld TP.HCM chỉ hoạt động được 4 tháng nhưng thương hiệu vẫn nỗ lực giữ kết nối với khách hàng thông qua các lớp học sáng tạo, lớp workshop online miễn phí dành cho thiếu nhi.

* Đại dịch có làm chị thay đổi chiến lược dài hạn của N KID Group không?

Năm 2019, chúng tôi có 60 khu vui chơi và dự kiến mỗi năm sẽ mở 15-20 khu mới trên toàn quốc. Đến thời điểm này, tiNiWorld còn 50 khu và năm 2022 sẽ tập trung vào việc phục hồi. Dự kiến năm sau chúng tôi tái khởi động kế hoạch mở rộng, nhưng tốc độ mở rộng chưa thể dự kiến chính xác được. Thương mại điện tử phát triển khiến nhiều gia đình ở các đô thị lớn giảm tần suất đến trung tâm thương mại để mua sắm, giải trí, mức độ chi tiêu cho vui chơi cũng chưa thể phục hồi ngay.

Theo đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mở rộng ở các tỉnh và tính đến việc nhượng quyền. Tại TP.HCM và Hà Nội, N KID Group đang tính đến phương án quay trở lại mở tiNiWorld ở các điểm nằm ở mặt tiền đường. Hơn 10 năm trước, mô hình khu vui chơi của tiNiWorld tại các mặt tiền đường trước khi làn sóng trung tâm thương mại xuất hiện. Đến nay, các mặt bằng lớn ở mặt tiền đường, có thêm khoảng không gian ngoài trời có thể sẽ lại phù hợp với mô hình khu vui chơi trẻ em.

tiNiWorld: Kiên định với mô hình vừa chơi vừa học

* Còn câu chuyện làm mới sản phẩm thì như thế nào?

Từ khi ra đời đến nay, chúng tôi luôn liên tục làm mới sản phẩm. Cũng nên nói thêm là khách hàng giữ vai trò dẫn dắt, tạo nên chiến lược của N KID. Đặc biệt khách hàng trẻ em, thiếu nhi thay đổi rất nhanh. Thế hệ khách năm 2022 hoàn toàn khác khách năm 2009 khi tiNiWorld mới thành lập.

Thời kỳ đầu khi các thiết bị công nghệ còn khó tiếp cận, chúng tôi trang bị dàn máy vi tính màn hình rộng để các bé chơi game, vài năm sau phải thay toàn bộ bằng iPad, vài năm sau thì thay bằng các trò vận động vì phụ huynh không muốn trẻ tiếp xúc công nghệ nhiều nữa. Thời gian qua, chúng tôi đầu tư nhiều vào yếu tố vận động cho trẻ như mở thêm khu tập golf, liên kết với California Fitness làm ra sản phẩm tiNiFit huấn luyện thể thao và rèn luyện sức khoẻ cho trẻ.

tiNiWorld: Kiên định với mô hình vừa chơi vừa học

* Mảng sản xuất đồ chơi của N KID Group ra đời chưa bao lâu thì đại dịch ập đến. Vậy mảng này đến nay có đạt được kỳ vọng?

Từ lượng tiêu thụ và những phản hồi của khách hàng thời gian qua, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn vào sản xuất đồ chơi và đồ dùng học tập. Thị trường đồ chơi trong nước khá tiềm năng, nhưng chưa xuất hiện nhiều thương hiệu Việt có sản phẩm đạt chất lượng quốc tế và mức giá phù hợp với mặt bằng thu nhập chung. Do đó, N KID đầu tư vào tiNiToy, thương hiệu đồ chơi có mức giá phù hợp với đa số người Việt, đồng thời đạt được đầy đủ các chứng nhận cần thiết.

Nhiều năm là đối tác với các hãng đồ chơi quốc tế, có sẵn hệ thống bán lẻ và nguồn khách nên chúng tôi khá có lợi thế và sản phẩm đã vào được các hệ thống siêu thị, nhà sách, cửa hàng mẹ và bé. Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường này càng lúc sẽ càng gay gắt khi thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng giá rẻ không rõ xuất xứ đổ về Việt Nam ngày càng nhiều.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư