Loạn quảng cáo, dân lãnh đủ
Các loại thực phẩm chức năng (TPCN) đang “trăm hoa đua nở” trên thị trường với hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Từ các loại thực phẩm được quảng cáo là bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, phòng ngừa bệnh tật cho tới vô vàn loại nước uống giảm cân, cải thiện vóc dáng, ngăn ngừa stress…
Tuy nhiên điều đáng lo ngại là rất nhiều TPCN đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như “thần dược” khiến cho nhiều người tiêu dùng lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất - tật mang”.
Đánh lừa người tiêu dùng
Không ngần ngại bỏ ra gần 5 triệu đồng mua 10 hộp TPCN có tên là “Cải não hoàn đồng” để người cha đang bị tai biến não uống nhằm hồi phục cơ thể, anh Huy Long (phố Láng Hạ) đã không giấu nỗi bức xúc: “Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi đã quyết định mua loại TPCN trên.
Trên tờ rơi quảng cáo và người bán hàng đều nói, đây là loại TPCN rất hiệu quả cho người già bị tai biến mạch máu não, chỉ cần sử dụng đều đặn trong khoảng nửa tháng là tình trạng sức khỏe của người bệnh có tiến triển rất tốt, bệnh tật giảm dần.
Tuy nhiên thực tế lại không như những gì mà người ta đã quảng cáo. Sau gần tháng trời, bố tôi uống hết 7-8 hộp TPCN mà bệnh tình chẳng thay đổi, ông cụ vẫn liệt nửa người và phải nằm một chỗ…”.
Thực tế, trường hợp của anh Long chỉ là một trong số vô vàn nạn nhân bị đánh lừa bởi những thông tin quảng cáo “nổ” tung trời của nhiều loại TPCN.
Chỉ cần vào Google và gõ từ mua bán TPCN, trong vòng chưa đầy 0,5 giây có thể tìm thấy hàng chục triệu kết quả từ rất nhiều các trang web, diễn đàn khác nhau, quảng cáo các loại sản phẩm “thượng vàng hạ cám” như: viên nang, nước uống, bột, súp, siro, trà… dành cho đủ mọi đối tượng, độ tuổi và đủ loại tác dụng khác nhau.
Mặc dù chỉ là TPCN nhưng các sản phẩm này được không ít nhà sản xuất, phân phối đua nhau quảng cáo trên mạng, trên báo chí, truyền hình và thổi phồng tác dụng lên quá mức, như là một loại “thần dược” có khả năng khắc chế đối với các bệnh nan y từ ung thư, tai biến não cho tới viêm gan, HIV...
Có nhiều loại TPCN được quảng cáo có công dụng kỳ diệu giúp chị em luôn phơi phới sắc xuân, hay các quý ông nhanh chóng tìm lại được “bản lĩnh” đàn ông.
Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.
Khảo sát của Hiệp hội TPCN cho thấy, tại Hà Nội và TPHCM đã có trên 50% số người lớn sử dụng TPCN, trong đó rất nhiều người quan niệm dùng TPCN như thuốc chữa bệnh và thuốc bổ.
Tiền mất tật mang
Rõ ràng, việc nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối “nổ” tung trời công dụng của nhiều sản phẩm TPCN đang khiến cho không ít người tiêu dùng bị lừa, rơi vào cảnh tiền mất mà tật vẫn mang.
Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể.
Hỏi thì nhiều người cho biết phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà lao vào sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn được sự phát triển của khối u.
Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng TPCN, làm mất đi cơ hội điều trị.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên phải tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng TPCN do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc.
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Người bệnh cũng cần biết rằng việc điều trị và hỗ trợ điều trị là hoàn toàn khác nhau.
Sản phẩm TPCN nào quảng cáo để dùng trị bệnh là hoàn toàn sai và người tiêu dùng phải rất cảnh giác. Hơn nữa, người tiêu dùng trước khi sử dụng TPCN cần được tư vấn bởi các nhà chuyên môn, thầy thuốc, bác sĩ.
Bởi lẽ cho dù là TPCN có nguồn gốc thực vật, hay động vật nhưng cũng có tác dụng phụ, có khoảng 1% người dùng TPCN gặp phản ứng do cơ địa cơ thể.
Bất cập quản lý
Theo đánh giá của cơ quan quản lý, trong những năm gần đây thị trường TPCN ở nước ta có sự bùng nổ. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, cả nước có chưa đầy 50 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh TPCN thì nay khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 5.500 sản phẩm TPCN đang lưu hành.
Cùng với đó là rất nhiều loại TPCN chưa được cấp phép nhưng được nhập lậu, xách tay từ nước ngoài về và bán tràn lan trên mạng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPCN là tình trạng bát nháo về chất lượng, hỗn loạn về giá cả và nội dung quảng cáo của nhiều loại TPCN khiến cơ quan chức năng khó quản lý và kiểm soát.
Mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm đã quyết định xử phạt hành chính đối với 9 doanh nghiệp và nhà thuốc vi phạm về quảng cáo TPCN. Trong đó đáng chú ý là việc Công ty XNK TM Thiên Nam Dược quảng cáo sản phẩm TPCN Kháng Lạc Cao có nội dung liên quan đến người cai nghiện ma túy.
Còn trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn cấp cho sản phẩm “Hương cảng Canh Công Phu” vì sản phẩm này không chỉ chứa hoạt chất có thể gây tác dụng không mong muốn cho nam giới, mà còn thổi phồng các chức năng, công dụng như: kích thích bộ phận sinh dục nam tiếp tục phát triển, cải thiện rõ rệt chứng bệnh liệt dương.
Thực tế số sản phẩm TPCN, cũng như doanh nghiệp bị phát hiện, đình chỉ và xử lý vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thẳng thắn cho biết, mỗi năm, có khoảng 1.000 hồ sơ đăng ký nội dung quảng cáo TPCN nhưng có tới 90% số hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo phải đúng như tác dụng của sản phẩm. Tất cả quảng cáo TPCN chữa khỏi bệnh này hay bệnh kia đều là không chính xác.
Theo quy định việc giới thiệu, quảng cáo sản phẩm TPCN không đúng sự thật sẽ xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép và sản phẩm, nhưng vì mức lợi nhuận rất lớn nên nhiều đơn vị, cá nhân vẫn cố tình phớt lờ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.