Đồ hiệu mang văn hoá Việt
Xu thế tái hiện những dấu ấn văn hoá và lịch sử của dân tộc trên các món đồ hàng hiệu.
Giới chơi xe cộ không lạ gì với các khái niệm như “độc bản” hay “tuỳ biến”. Nói nôm na, đây là những dòng xe chỉ được sản xuất một chiếc duy nhất hoặc lồng ghép các chi tiết theo gu mỗi người. Trên cơ bản, xe cộ nói riêng và ngành hàng xa xỉ nói chung luôn xem tuỳ biến là dịch vụ thiết yếu nhằm tăng giá trị lẫn giá bán của từng sản phẩm. Xu thế này ngày càng nở rộ tại Việt Nam qua việc tái hiện những dấu ấn văn hoá và lịch sử của dân tộc trên các món đồ hàng hiệu.
10 năm về trước, giới chơi đồng hồ trong nước được một phen “mắt tròn mắt dẹt” khi nhà chế tác Speake-Marin của Thuỵ Sĩ tung ra bộ sưu tập Dong Son dành riêng cho thị trường Việt. Đây là dòng sản phẩm được tạo ra từ vàng khối với sự đòi hỏi cao độ cả về hàm lượng cơ khí lẫn giá trị nghệ thuật. Hình ảnh Trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ được chạm khắc kỳ công trên mặt số của chiếc đồng hồ có giá bán khoảng 1 tỉ đồng. Có tổng cộng 18 sản phẩm trong bộ sưu tập, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng. Trên thực tế, Speake-Marin phải mất nhiều năm trời mới bán hết số đồng hồ đắt đỏ nói trên.
Sau Speake-Marin, đến lượt hãng xe Rolls-Royce chọn văn hoá Việt làm tiêu điểm cho những chiếc Phantom dành riêng cho các đại gia. Năm 2014, hãng xe Anh Quốc ra mắt mẫu xe độc bản với tên gọi “Mặt trời phương Đông” dành cho ông chủ của Tập đoàn Mường Thanh. Hình ảnh mặt trời được tạo nên từ 6 chữ M cách điệu lồng ghép vào nhau và thêu trên tựa đầu ghế.
Chỉ một năm sau, Rolls-Royce tiếp tục ra mắt bộ sưu tập Đông Sơn gồm 6 chiếc lấy cảm hứng từ các chủ đề đặc trưng trong văn hoá Việt như Trống đồng Đông Sơn, Mẹ Âu cơ, sông Hồng... Tháng 10 cùng năm, mẫu xe đầu tiên mang hình ảnh Trống đồng đã về Việt Nam với mức giá hơn 50 tỉ đồng, một con số kỷ lục của làng xe Việt Nam thời bấy giờ. Trên mẫu xe này, hình ảnh Trống đồng, chim Lạc hay người nhảy múa được các nghệ nhân phương Tây tái hiện một cách vô cùng sinh động trên nhiều chi tiết của xe, vì thế sẽ không đụng hàng với bất kỳ chiếc Rolls-Royce nào trên toàn thế giới.
Trống đồng Đông Sơn tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập bút cao cấp của nghệ nhân điêu khắc người Canada Grayson Tighe. Đây là dòng sản phẩm được chế tác cầu kỳ với các chất liệu quý hiếm như thép Mokume-gane, vàng 18K hay titanium. Tổng cộng có 3 phiên bản bút ký, mỗi loại giới hạn chỉ 18 chiếc với mức giá dao động từ 70-84 triệu đồng.
Trên thực tế, Grayson Tighe từng nổi danh trong giới sưu tầm bút mực tại Việt Nam qua các sản phẩm như Hải Vương hay Lạc Long Quân – mẫu bút được tạo nên từ thiên thạch Gibeon với mức giá hơn 600 triệu đồng.
Sau những chủ đề như Trống đồng hay Mẹ Âu Cơ thì những công trình đương đại lại trở thành điểm nhấn thu hút khách hàng. Gần đây nhất, hãng xe Bentley tung ra bộ sưu tập Bentley Vietnam Skyline gồm 3 chiếc tượng trưng cho 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Theo lý giải từ nhà thiết kế, Skyline hay “đường chân trời” chính là khung cảnh tổng hoà của mỗi đô thị với sự đan xen của nhiều công trình tiêu biểu. Theo đó, Landmark 81, Cầu Rồng Đà Nẵng hay Chùa Một Cột sẽ được thêu kỳ công trên ghế ngồi của các mẫu xe triệu USD như Continental GTC V8, Bentayga hay Flying Spur. Đây là bộ sưu tập độc bản: mỗi dòng xe chỉ sản xuất một chiếc duy nhất và khách hàng có thể cá nhân hoá các dòng xe theo ý thích. Dĩ nhiên, điều này chắc chắn sẽ khiến giá xe tăng thêm nhiều tỉ đồng tuỳ theo món và độ khó của công việc.
Bộ sưu tập của Bentley ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Knight Frank, đến năm 2026, số người siêu giàu với tài sản ròng trên 30 triệu USD của Việt Nam sẽ vượt mốc 1.500 người, tăng 26% so với thời điểm hiện nay. Tập đoàn Anh Quốc này cũng nhận thấy, mức tiêu thụ các món đồ xa xỉ như xe hơi của một bộ phận người Việt đang tăng mạnh qua từng năm bất chấp đại dịch COVID-19.
Hào Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư