Shoppertainment – Chìa khoá cho thành công của thương hiệu trên TikTok
Tại sự kiện #ForYou Summit diễn ra vào ngày 19/4, Brands Vietnam đã có cơ hội trò chuyện với ông Manas Sabnis – Head of Brand & Strategy TikTok SEA và ông An Bùi – Head of Business Marketing, TikTok Việt Nam để thảo luận về tính hiệu quả của yếu tố cảm xúc, mô hình vòng lặp Shoppertainment và những ưu tiên hàng đầu về sự an toàn trên nền tảng tỉ người dùng này.
* Ông có thể chia sẻ những chủ đề nội dung phổ biến trên TikTok ở thời điểm hiện tại? Đâu là cơ hội cho thương hiệu phát triển trong năm 2022?
Ông Manas: Theo dữ liệu nội bộ TikTok vào tháng 7/2021, thị trường Đông Nam Á ghi nhận số người dùng hàng tháng rơi vào khoảng 240 triệu người, 1 tỉ lượt xem video và trung bình có khoảng 800 triệu video được sáng tạo mỗi tháng. Những con số này cho thấy sự thích thú của người dùng và tính phù hợp của các chủ đề nội dung hiện có trên nền tảng TikTok.
Theo tôi, sự tương tác đều đặn này đến từ tính đa dạng và sự phù hợp về mặt nội dung trên nền tảng. Đối với TikTok, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến 2 yếu tố kể trên nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm chân thật và có tính kết nối trực tiếp đến cuộc sống đời thực của họ. Hiện tại có 4 nhóm chủ đề nội dụng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội về mặt tương tác trong cộng đồng người dùng TikTok gồm: Giáo dục, Dịch vụ tài chính, Du lịch và Gaming.
Cụ thể, nhóm nội dung giáo dục ghi nhận tỉ lệ tăng trưởng ở mức 148% so với cùng kỳ năm ngoái thông qua hashtag #LearnOnTikTok. Các video thuộc hashtag này nhận được tổng cộng 11 tỷ lượt xem. Đối với nhóm chủ đề về dịch vụ tài chính, đây được xem là “ngôi sao mới nổi” bởi mức tăng trưởng gấp 6780 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng và dịch vụ tài chính đã tích cực hợp tác với TikTok cho những chiến dịch ra mắt các ứng dụng e-banking của mình.
Cơn sốt du lịch qua màn hình xuất phát từ sự ngăn cách của đại dịch COVID-19 dẫn đến mức tăng trưởng ấn tượng (545% so với cùng kỳ năm ngoái) của nhóm nội dung về du lịch. Cuối cùng, chủ đề gaming cũng là nhân tố cần chú ý với mức tăng trưởng 193% cùng hashtag #MobileLegends nhận được tổng cộng 123,4 tỷ lượt xem.
Vậy đâu là cơ hội cho các thương hiệu xuất hiện và tiếp cận “sát sườn” nhóm người tiêu dùng mục tiêu của mình? Câu trả lời nằm ở nội dung mang tính tích cực và có sự kết nối, liên quan trực tiếp đến mối quan tâm, nhu cầu và đời sống của họ. Báo cáo Marketing Science Global Time Well Spent bởi Kantar ghi nhận 46% người dùng tương tác với nội dung TikTok liên tục, không sử dụng nhiều màn hình (các nền tảng khác chỉ số này là 37%).
* Có thể thấy những chiến dịch của các thương hiệu lớn, độ nhận diện cao sẽ dễ lan toả hơn, vậy với các thương hiệu mới gia nhập thị trường, các dịch vụ của TikTok có điều chỉnh thêm gì để giúp họ tăng độ nhận diện tại thị trường Việt Nam cũng như thu được những kết quả đầu tiên về mặt doanh số?
Ông An Bùi: Đây là một câu hỏi mang tính định hướng chiến lược khá rộng. Thông thường, các nhãn hàng mới sẽ cần giải quyết vấn đề nhận biết. Nhìn chung, các dòng sản phẩm, giải pháp của TikTok hiện tại đều hỗ trợ được các giai đoạn thuộc phễu marketing của thương hiệu. Mỗi giai đoạn sẽ có những giải pháp riêng giúp các thương hiệu đạt được mục tiêu.
Đối với mục tiêu liên quan đến Brand Awareness, TikTok có những sản phẩm dành riêng như Top View Ad, Branded Effect, Branded Hashtag Challenge, nhằm giúp thương hiệu có thể tương tác sâu hơn với người dùng thông qua các nhà sáng tạo nội dung.
Yếu tố chân thực là một trong những lý do quan trọng khiến người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng các nội dung review của nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng.
Theo những nghiên cứu của TikTok, yếu tố chân thực là một trong những lý do quan trọng khiến người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng các nội dung review của nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng. Khi hợp tác cùng các thương hiệu, nhóm người theo dõi của họ, đồng thời cũng là đối tượng mục tiêu của thương hiệu, cũng sẽ nhận được thông điệp theo những phương pháp truyền tải độc nhất và phù hợp. Do đó, theo tôi, các chiến dịch marketing trên TikTok nên xoay quanh chiến lược hợp tác cùng các các nhà sáng tạo nội dung, hoặc nhãn hàng cũng có thể xem bản thân là một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng. Từ đó, các thương hiệu có thể hiểu được những mối quan tâm, hành vi của người dùng và tạo nên những nội dung gần gũi, chân thật và kết nối sâu với đối tượng mục tiêu của chiến dịch.
* Tại sự kiện #ForYou Summit, các chuyên gia đã nhắc đến mô hình Shoppertainment khá nhiều, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về mô hình vòng lặp Shoppertainment?
Ông An Bùi: Tôi muốn nhấn mạnh một điểm rằng hành trình Shoppertainment trên nền tảng không phải là 1 đường thẳng mà là một vòng lặp vô tận. Bắt đầu từ lúc người dùng phát hiện thương hiệu và sản phẩm, tìm hiểu thêm, đặt mua, trải nghiệm đến lúc họ đăng tải nội dung review trải nghiệm với sản phẩm và lại bắt gặp một sản phẩm khác. Hành trình cứ thế lặp lại và lan toả khắp nền tảng, thúc đẩy thêm nhiều người dùng cân nhắc mua các sản phẩm đã được review hơn.
Tôi có thể chia sẻ câu chuyện của Maybelline, một thương hiệu đã gặt hái được thành công khá lớn thông qua mô hình vòng lặp này. Trước tiên, thương hiệu đã mời các nhà sáng tạo nội dung trải nghiệm sản phẩm và đăng tải cảm nhận sau khi dùng thử. Hoạt động này đã góp phần tạo nhu cầu cho nhóm người dùng mục tiêu trước khi sản phẩm được chính thức ra mắt, gợi sự tò mò cho họ. Khi sản phẩm chính thức mở bán, thương hiệu đã dùng những video review đó để kéo traffic về các sàn thương mại điện tử, thu hút người dùng mua sắm. Với quy trình vòng lặp khám phá, mua, trải nghiệm, review và tiếp tục lan toả giúp tăng khả năng người dùng tìm thấy sản phẩm đã giúp dòng son cháy hàng trên các sàn thương mại điện tử trong vòng 4 phút kể từ lúc mở bán.
Tuy nhiên, đây không phải là công thức cố định cho mọi thương hiệu. Đối với những mục tiêu và ngân sách khác nhau sẽ có những điều chỉnh giải pháp phù hợp để thương hiệu tối đa hoá hiệu quả và tối ưu hoá chi phí.
* Với sự phát triển “thần tốc” của các hình thức sáng tạo nội dung trên nền tảng, TikTok đã có những thay đổi nào để luôn đảm bảo yếu tố an toàn/ bảo mật cho cộng đồng người dùng và thương hiệu?
Ông An Bùi: TikTok vẫn luôn chú trọng nghiên cứu và phát triển các giải pháp giúp người dùng và thương hiệu cảm thấy an toàn khi tham gia sử dụng và sáng tạo nội dung trên nền tảng. Chúng tôi tin rằng những nội dung sáng tạo, tích cực sẽ được tạo nên khi người dùng cảm thấy được bảo vệ.
Đặc biệt, nền tảng đã nhận được chứng nhận An toàn Thương hiệu Toàn cầu TAG tại khu vực Mỹ Latinh, Châu Á – Thái Bình Dương, Nga, Trung Dông và Châu Phi. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu TikTok chính thức đạt chứng nhận An toàn Thương hiệu TAG trên quy mô toàn cầu.
Từ thành tựu đó, trong năm 2022, TikTok tiếp tục tập trung phát triển các giải pháp, Trung tâm An toàn Thương hiệu dựa trên 4 trụ cột chính: Đảm bảo an toàn cho cộng đồng; Thiết lập các giải pháp an toàn cho thương hiệu; Tính minh bạch và Trách nhiệm giải trình; Hợp tác để tiến bộ.
Cụ thể, với trụ cột đảm bảo an toàn cho cộng đồng, TikTok liên tục cập nhật các chính sách, sản phẩm và sáng kiến mới gồm: thiết lập các tính năng an toàn, chế độ riêng tư phù hợp với độ tuổi, các công cụ để khuyến khích người dùng lan toả sự tử tế và hạn chế lan truyền thông tin sai lệch. Về phía bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, đội ngũ TikTok đã phát triển những công cụ dành cho các nhà quảng cáo nhằm đảm bảo nội dung của thương hiệu hiển thị song song với những video an toàn và phù hợp.
Với trụ cột thứ 3, tính minh bạch và giải trình vốn luôn là mục tiêu hàng đầu đối với TikTok. Để chia sẻ những nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng, TikTok đã công bố 2 Báo cáo Thực thi Tiêu chuẩn Cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã công bố thành lập Trung tâm Minh bạch và Trách nhiệm Giải trình mới tại Ireland, bên cạnh 2 trung tâm đang hoạt động tại Los Angeles và Washington DC.
Cuối cùng, TikTok vẫn luôn duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức liên quan đến an toàn công nghệ và thương hiệu như Liên minh Công nghệ; Viện An toàn Thương hiệu.
* Cảm ơn hai vị về những chia sẻ trên.
Thu Nga
Nguồn TikTok