Dropshipping: Tay không bắt tỉ USD

Dropshipping: Tay không bắt tỉ USD

Khi thị trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục bùng nổ, Dropshipping, một mô hình bán hàng không cần vốn, đang nở rộ tại Việt Nam.

Không cần nhập hàng, quản lý kho hàng, đóng gói, ship hàng, theo dõi hàng tồn kho và hàng loạt công việc khác mà các hãng thương mại điện tử phải làm, doanh nghiệp cung cấp mô hình Dropshopping vẫn có thể kiếm bộn tiền với mô hình kinh doanh 0 đồng dựa vào thị trường thương mại điện tử.

“Mỏ vàng” thương mại điện tử

Điểm duy nhất làm nên sự khác biệt giữa mô hình Dropshipping với các mô hình bán lẻ khác chính là doanh nghiệp đứng ở vai trò làm trung gian để nhận đơn hàng rồi chuyển cho nhà cung cấp. Sau đó, nhà cung cấp sẽ đảm trách các khâu đóng gói và vận chuyển trực tiếp đến tay khách hàng.

Xu thế này càng có ý nghĩa khi hầu hết các hãng nghiên cứu thị trường trên thế giới đều cho rằng thị trường thương mại điện tử sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới. Các số liệu trên toàn cầu cũng cho thấy sự phát triển của ngành Dropshipping và hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn nữa trong tương lai.

Dropshipping: Tay không bắt tỉ USD

Giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỉ USD năm 2015 lên 120 tỉ USD năm 2021. Dự kiến con số này sẽ đạt 234 tỉ USD vào năm 2025. Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử bán lẻ được dự báo tăng 300%, từ 13 tỉ USD năm 2021 lên 39 tỉ USD vào năm 2025, theo Statista.

Thị trường Dropshipping cũng được dự báo tăng trưởng ở mức tương ứng. Theo một khảo sát của Market Data Forecast, quy mô thị trường này trên toàn cầu đã đạt 128 tỉ USD vào năm 2020; tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm sẽ đạt 32% trong giai đoạn 2021-2026.

Số liệu của Statista cho thấy khoảng 50% giao dịch online trên Amazon là do các bên thứ 3 sử dụng mô hình bán lẻ tương tự như Dropshipping cung cấp. Còn Reseach & Markets thì ước tính thị trường Dropshipping toàn cầu sẽ đạt tổng giá trị lên gần 592 tỉ USD vào năm 2027.

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều nền tảng Dropshipping như FuniMart, Inventory Source, Alibaba, Dropshipper... nhằm mục đích kết nối người bán và nhà sản xuất lại với nhau. Nền tảng Dropshipping Netsale với nguồn hàng đa dạng đến từ các nhà cung cấp như AliExpress, 1688, Taobao cũng là một đối thủ đáng gờm.

Đứng lên từ thất bại

FuniMart, một trong những nền tảng Dropshipping phổ biến tại Việt Nam, được thành lập từ một startup từng thất bại trên thị trường thương mại điện tử. Từ lần thất bại đầu tiên khi bước chân vào việc bán hàng trên các trang thương mại điện tử do nhập quá nhiều hàng vì ham chiết khấu, chàng trai trẻ Nguyễn Minh Đức đã quyết định xây dựng một nền tảng tập trung vào mô hình bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển này.

Dropshipping: Tay không bắt tỉ USD

Mô hình của FuniMart không cạnh tranh với các trang thương mại điện tử hiện nay như Shopee, Lazada, Tiki... bởi FuniMart chỉ đóng vai trò là sàn cung cấp sỉ sản phẩm cho các cộng tác viên bán hàng, chàng trai trẻ sinh năm 1998 chia sẻ.

Doanh nghiệp có nhu cầu bán hàng đăng sản phẩm trên FuniMart và cộng tác viên mới lấy hàng đi rao trên các sàn thương mại chuyên bán lẻ như Shopee, Tiki. FuniMart đóng vai trò là sàn thương mại điện tử kết nối nhà sản xuất và người bán hàng trên khắp Việt Nam, vừa tích hợp phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP, giúp người bán lên đơn, nhận tiền ngay trên hệ thống.

Minh Đức cho biết: “FuniMart muốn minh bạch hoàn toàn nguồn hàng cũng như giá bán, từ đó các cộng tác viên có thể tự chọn sản phẩm mình muốn bán, từ đó tạo thêm động lực cho các cộng tác viên, cũng như giá trị xã hội”.

Giấc mơ ra biển lớn

Do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống phải đóng cửa, kéo theo nhiều nhân viên mất việc. FuniMart muốn tạo ra một cộng đồng bán hàng với việc giúp đỡ những người yếu thế này bằng các chi phí hợp lý.

Dropshipping: Tay không bắt tỉ USD

FuniMart muốn tạo ra một cộng đồng bán hàng với việc giúp đỡ những yếu thế này bằng các chi phí hợp lý
Ảnh: TL

Một lý do nữa mà Minh Đức đưa ra mức giá thấp là mô hình Dropshipping này sẽ rất dễ dính vào các cáo buộc lừa đảo hay đa cấp. Do đó, việc không thu phí phần trăm trên các đơn hàng như các đối thủ hiện có tại thị trường Việt Nam sẽ dễ tạo được lòng tin với các đối tác. FuniMart cũng có nhiều tiêu chí chọn nhà cung cấp để giảm tối thiểu những bất cập này.

Với các chính sách rõ ràng, sau 3 năm đi vào hoạt động, nền tảng FuniMart đã có hơn 50.000 cộng tác viên và 200 nhà cung cấp trên toàn quốc với những cái tên lớn như các công ty gia dụng Samsung, Nagakawa, hãng mỹ phẩm Anessa, thời trang Akuba.

Dù mới chỉ qua 2 vòng gọi vốn thiên thần với 110.000 USD, FuniMart đã bắt đầu tới gần điểm hoà vốn. Trong đầu năm 2022, FuniMart đã bắt đầu gọi vốn vòng Seed với giá trị vài triệu USD, với mục tiêu mở rộng nền tảng ra toàn thị trường Đông Nam Á, từ đó có thể đưa đặc sản Việt Nam tới nước bạn cũng như đưa ra các sản phẩm tốt về Việt Nam.

Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư