Đào tạo livestream chờ bùng nổ
Đào tạo livestream đang hội tụ nhiều yếu tố cho sự bùng nổ trong vài năm tới.
Những câu chuyện đổi đời nhờ khả năng bán hàng livestream đang kéo theo làn sóng ra đời của các học viện đào tạo streamer tại Việt Nam.
Mỏ vàng chờ khai thác
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng, ứng dụng phát trực tuyến như Facebook Live, YouTube Live, Instagram Live... khiến cho lượng streamer tại Việt Nam tăng nhanh. Lúc này, các đơn vị cung cấp được chương trình đào tạo livestream bài bản sẽ trở thành nơi hái ra tiền. Tuy nhiên, dù đã có vài học viện đầu tư bài bản và bước đầu khá thành công như NextOn, Starena, S-On... song vẫn chưa đủ để đánh thức tiềm năng toàn thị trường. Hầu hết các nơi đào tạo đều nhỏ lẻ và tự phát, không chuẩn chỉnh về quy trình, giáo trình khá đơn giản và việc đào tạo hiện chỉ tập trung tại TP.HCM hay Hà Nội.
Dù vậy, sự phát triển vượt bậc của các sàn thương mại điện tử, bếp ăn trên mây, tủ đồ trên mây... đang dần dần thay thế thói quen tiêu dùng của người dân. Vì thế, nhiều người tin rằng livestream đang ở thời kỳ “tiền đỉnh cao”, tức là đang bắt đầu tập hợp đủ các yếu tố để bùng nổ (thói quen tiêu dùng, sự phát triển của công nghệ, các ông lớn đang bắt đầu tham gia thị trường, chất lượng sống được nâng lên...). Điều quan trọng là doanh nghiệp đào tạo có khả năng nắm bắt và tìm được sự hỗ trợ từ các công ty cung ứng giải pháp và công nghệ.
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch NextTech Group, chia sẻ trong buổi ra mắt Học viện NextOn của đơn vị này: “Do nhìn nhận tác nghiệp livestream để bán hàng sẽ là một công việc phổ biến trong thời gian tới, nên NextTech muốn tham gia vào hoạt động đào tạo. Sau khoá học, học viên được giới thiệu việc làm hoặc trở thành cộng tác viên bán hàng của hệ sinh thái hơn 80.000 doanh nghiệp đang sử dụng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh kỹ thuật số của NextTech Group”.
Bà Phạm Ngọc Trúc, người sáng lập Học viện S-On (TP.HCM), cho biết: “Như hầu hết các đơn vị đào tạo streamer hiện nay, chúng tôi mua giáo trình của Trung Quốc (có quy mô thị trường lên tới 170 tỉ USD năm 2020) và chỉnh sửa cho phù hợp với thị trường Việt Nam. Nhưng chương trình học hay lực lượng giảng viên chỉ là một phần trong việc làm nên thành công, điều quan trọng hơn là mạng lưới liên kết của học viện. Chúng tôi cũng lựa chọn và bồi dưỡng ra các livestreamer hàng đầu để định vị họ là những ngôi sao bán hàng trực tuyến của Việt Nam”.
Sở hữu đội ngũ đào tạo có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực homeshoping (bán hàng qua truyền hình), trong đó có những giảng viên là livestreamer tốt nhất của các sàn thương mại điện tử hiện tại, đại diện S-On cho biết đơn vị này còn có các dự án như xây dựng làng livestream hay dự án phổ cập livestream 0 đồng.
Thị trường còn quá rộng
Một hãng mỹ phẩm khá nổi tiếng ở Hàn Quốc vào Việt Nam đã 4 năm nhưng không đạt được doanh số mong muốn vì thất bại trong xây dựng hệ thống phân phối. Thế là bán hàng qua livestream trở thành cách cứu nguy cho hãng này trong năm vừa qua khi liên kết được với một học viện đào tạo streamer có lượng lớn học viên am hiểu về mỹ phẩm. Trong khoảng 40% hoa hồng bán sản phẩm, 20% sẽ thuộc về học viện, 20% được chuyển khoản cho học viên ngay sau khi bán được hàng. HMD Pharma, công ty dược mỹ phẩm có thâm niên hơn 20 năm tại Việt Nam với hơn 300 cửa hàng kinh doanh theo mô hình truyền thống, cũng đang chuyển đổi số kinh doanh theo mô hình online. Và cách HMD Pharma chọn là cung ứng cho 1 học viện livestream các sản phẩm của mình.
Đáng chú ý, livestream không còn gói gọn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Chẳng hạn, streamer của S-On còn được đào tạo để bán các giải pháp và nền tảng giúp chuyển đổi số và kinh doanh online cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Học viện này cũng liên kết với nền tảng mã hoá bất động sản Moonka, giúp minh bạch trong đầu tư chung bằng công nghệ blockchain.
Bên cạnh sự năng động của khối học viện tư nhân tại các thành phố lớn, nhiều tổ chức phi lợi nhuận cũng đang tổ chức các khoá học livestream bán hàng cho nông dân vùng xa. Trong năm qua, Văn phòng Điều phối nông sản mới thành phố Hà Nội đã mở khoá học dạy bán hàng online miễn phí cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh nông sản, nhằm thúc đẩy tiêu thụ cho chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, gọi tắt là OCOP.
“Tôi tin livestream sẽ đạt đỉnh trong 3-5 năm tới và tiếp tục tăng trưởng ổn định, sau đó sẽ bùng nổ thêm một đợt có liên quan đến Metaverse (livestream trong Metaverse, chẳng hạn) và hoàn toàn thói quen mua sắm của người dân. Thậm chí giáo dục và du lịch, y tế cũng sẽ bước vào chặng đua livestream như Trung Quốc đang làm”, bà Phạm Ngọc Trúc nói.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư