Đón sóng đầu tư công, ngành nào hưởng lợi?

Đón sóng đầu tư công, ngành nào hưởng lợi?

Gói kích thích 350.000 tỉ đồng được kỳ vọng giúp nền kinh tế và doanh nghiệp vực dậy sau COVID-19. Nhưng “sóng” đầu tư công không chỉ đến với ngành xây dựng, bất động sản… mà còn gồm hạ tầng số và chuyển đổi số.

Nhóm công nghệ ở đâu trong “sóng” đầu tư công?

Đầu tư công chính là đòn bẩy lớn nhất cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp sau dịch. Ngay cuối tháng 1, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Nghị quyết 11) với quy mô lên tới 350.000 tỉ đồng, giải ngân trong 2 năm 2022 – 2023.

Theo thiết kế, 113.550 tỉ đồng của gói hỗ trợ sẽ đầu tư hạ tầng, 40.000 tỉ đồng cấp bù lãi suất và 49.400 tỉ đồng giảm thuế giá trị gia tăng (2%), 14.000 tỉ đồng chi cho y tế, 38.400 bảo lãnh trái phiếu, số còn lại để hỗ trợ người lao động thuê nhà, an sinh xã hội và phát triển du lịch. Đúng như tinh thần gói hỗ trợ, việc phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án phải có tính lan toả lớn, giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế.

Gói đầu tư công sẽ được triển khai ngay trong tháng 4 và 5. Thông tin trên được đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư phát đi đầu tháng 3 lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi chủ đề đầu tư công được cho rằng xuyên suốt giai đoạn tới. Đầu tư công vào các dự án hạ tầng không chỉ là các tuyến đường như cao tốc Bắc – Nam, tuyến cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên mà còn ở hạ tầng số, chuyển đổi số (gần 5.400 tỉ đồng).

Khác với những gói hỗ trợ kinh tế trước đây, đầu tư công lần này gắn liền với công nghệ, hạ tầng số, chuyển đổi số nhằm tạo sự đồng bộ, gắn kết với phát triển của giao thông, cảng biển, kho bãi... Nếu không chuyển đổi số, Việt Nam sẽ đứng ngoài sân chơi thương mại quốc tế. Trong khi mục tiêu tới năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP của Việt Nam.

Chưa dừng lại, chương trình phục hồi lần này hướng đến cải cách thể chế, hành chính, môi trường đầu tư. Các thủ tục hành chính được tăng cường xử lý trực truyến, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.

Xu thế trên đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải bước vào “cuộc đại cải tổ” để bắt kịp xu hướng. Đây chính là cơ hội cho những đơn vị về công nghệ, cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Những phân tích trên có thể thấy rằng gói phục hồi kinh tế sắp được “bung ra” tới đây là một cú hích lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ nhằm ở giao thông, hạ tầng, vật liệu xây dựng theo một cách hiểu đơn thuần. Nếu nhìn kỹ, các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, phục vụ trực tiếp kinh tế số được hưởng lợi không hề nhỏ trong “con sóng” đầu tư công tới đây.

Việc hưởng lợi của nhóm công nghệ đến cả từ phía trực tiếp thông qua gói đầu tư công của chính phủ và gián tiếp thông qua sự hồi phục của các doanh nghiệp đẩy nhu cầu lên cao hơn.

Các công ty công nghệ hưởng lợi ra sao?

Trên cơ sở nhận định tích cực về gói đầu tư công, các công ty trong nhóm công nghệ đã có loạt động thái để đón đầu xu hướng. Đơn cử, Tập đoàn FPT (Mã: FPT) cho biết năm 2021 đã và đang xúc tiến hợp tác và ký kết các dự án chuyển đổi số với hơn 40 tỉnh thành trên khắp Việt Nam cũng như các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính và sản xuất. Trong khi đó, cả nước có 54 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết/Chương trình chuyển đổi số

Theo góc nhìn của lãnh đạo FPT, việc áp dụng điện toán đám mây (Cloud) trong khu vực công đạt 10% trong khi 70% doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch chuyển sang dịch vụ đám mây. Điều này để thấy rằng tiềm năng vẫn còn rất lớn.

Phân tích sâu hơn về tiềm năng chuyển đổi số khu vực công, theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy mức trung bình là 0,3026 điểm (tối đa 0,5). Trong đó, có 30 tỉnh thành vẫn nằm trong nhóm dưới mức trung bình (nhóm 3 và 4). Không ít những tỉnh thành trong đó lại được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng như Khánh Hoà, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Đón sóng đầu tư công, ngành nào hưởng lợi?

Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán Bản Việt đánh giá nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam (bao gồm nhóm đầu tư công và các doanh nghiệp) tăng lên sẽ thúc đẩy mảng công nghệ thông tin trong nước của FPT. Dự báo mảng chuyển đổi số của FPT sẽ tăng trưởng bình quân 30% trong 3 năm tới, riêng năm 2022 lên tới 50%.

Ánh Dương
Nguồn CafeF