Thế Giới Di Động: Lợi nhuận mùa Tết tăng trưởng 8%, không theo đuổi mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp năm 2022

Thế Giới Di Động: Lợi nhuận mùa Tết tăng trưởng 8%, không theo đuổi mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp năm 2022

Chiến lược xuyên suốt của Thế Giới Di Động là tối ưu năng lực mua hàng và đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy bán hàng, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc mở rộng tập khách hàng, tăng lượt mua sắm và sản lượng tiêu thụ, không đặt mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) vừa công bố kết quả kinh doanh mùa Tết (tháng 1,2) năm 2022 với doanh thu thuần hợp nhất 2 tháng đầu năm đạt 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với nền so sánh cao của mùa Tết năm 2021.

Doanh thu online đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, tăng 150% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay. Tăng trưởng chủ yếu nhờ sự bứt phá của Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) với doanh thu online đạt kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tăng 160% và chiếm gần 19% tổng doanh số của chuỗi này.

Tính đến cuối tháng 2/2022, Thế Giới Di Động vận hành hơn 5.420 cửa hàng, bao gồm 976 cửa hàng TGDĐ, 2.038 cửa hàng ĐMX, 22 cửa hàng Topzone, 2.122 cửa hàng Bách hoá Xanh (BHX), 205 nhà thuốc An Khang, 50 cửa hàng Bluetronics và 14 cửa hàng AVA độc lập.

Xét theo chuỗi, luỹ kế 2 tháng đầu năm, TGDĐ/ĐMX ghi nhận hơn 21.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ. Với 839 điểm bán cuối tháng 2/2022, ĐMX supermini (ĐMS) đóng góp gần 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với doanh thu cùng kỳ. ĐMS đã chứng minh là mô hình kinh doanh hiệu quả giúp MWG tiếp tục gia tăng thị phần ở vùng sâu, vùng xa.

Thế Giới Di Động: Lợi nhuận mùa Tết tăng trưởng 8%, không theo đuổi mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp năm 2022

Topzone mở thêm 11 cửa hàng mô hình AAR và 1 cửa hàng độc lập APR mới trong 2 tháng đầu năm, nâng tổng số điểm bán lên 22 và hiện diện tại 15 tỉnh thành. Sau khi Topzone mở thêm nhiều cửa hàng ở thị trường tỉnh và đi vào hoạt động ổn định, doanh số trung bình mỗi cửa hàng đạt mức 8-10 tỷ đồng/tháng.

Trong tháng 1, MWG cũng đã thử nghiệm 12 cửa hàng độc lập bán lẻ: sản phẩm Mẹ & Bé (AVAKids), đồ thể thao (AVASport), thời trang (AVAFashion); đồng thời, triển khai shop-in-shop kinh doanh: trang sức (AVAJi) tại cửa hàng TGDĐ và xe đạp (AVACycle) tại cửa hàng ĐMX.

Do khai trương ngay trong dịp Tết, các điểm bán thuộc chuỗi AVA đóng góp hơn 100 tỷ đồng doanh thu trong 2 tháng đầu năm. Với kết quả bước đầu khả quan, AVAKids được chọn thử nghiệm giai đoạn 2 ở quy mô 30-50 cửa hàng để tiếp tục đánh giá hiệu quả kinh doanh.

Trong 2 tháng đầu năm, chuỗi nhà thuốc An Khang đã ghi nhận doanh số gấp 3 lần so với cùng kỳ. An Khang đang tập trung xây dựng mô hình kinh doanh mới – nâng cấp hơn để nhân rộng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tập trung tăng sản lượng tiêu thụ ảnh hưởng ngắn hạn đến biên lợi nhuận BHX

2 tháng đầu năm, BHX ghi nhận doanh thu luỹ kế đạt 3.900 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Kể từ cuối tháng 2, BHX bắt đầu triển khai những thay đổi lớn như thu hút khách hàng bằng chiến lược giá bán cực kỳ hấp dẫn ngay cả so với kênh truyền thống và nỗ lực chỉ bán hàng mới trong ngày để biến thực phẩm tươi sống trở thành thành điểm đến của BHX.

Bên cạnh đó, BHX cũng triển khai layout mới cho nhóm siêu thị khai trương trong năm 2022 (các mặt bằng đã ký kết hoặc trong quá trình xây dựng từ cuối năm 2021), tập trung vào cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng thông qua việc tạo sự thoải mái, thông thoáng, thuận tiện và giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và hứng thú hơn trong chọn lựa sản phẩm.

Ngoài ra, chuỗi này sẽ quy trình hoá việc phục vụ khách hàng từ điểm chạm đầu tiên đến khi khách ra khỏi cửa hàng. Áp dụng các giải pháp thiết thực trong việc phân chia và sắp xếp hàng hoá, xử lý quầy thu ngân và ứng dụng công nghệ để vận hành cửa hàng đơn giản hơn, giảm rủi ro sai sót khi phục vụ khách hàng cũng như giảm đáng kể tải công việc cho nhân viên.

BHX kỳ vọng những thay đổi này sẽ được nhân rộng và dần phản ánh vào kết quả kinh doanh từ quý 2/2022. Trong tháng 3, chuỗi bắt đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan khi lượt khách hàng (traffic) và sản lượng hàng tươi sống bán ra tăng gần gấp đôi so với trung bình 2 tháng đầu năm.

Do áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nên doanh thu tháng 3 sẽ tăng ít hơn mức tăng sản lượng nhưng dự kiến vẫn tăng trưởng dương so với cùng kỳ và quay lại mức trước đợt bùng phát dịch 2021.

Việc BHX tập trung mọi nguồn lực để thu hút khách hàng và đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ sẽ tác động đến biên lợi nhuận của BHX nói riêng và của MWG nói chung trong ngắn hạn. Tuy nhiên, công ty nhận định đây là sự đầu tư cần thiết để chuỗi phát triển bền vững trong tương lai.

Năm 2022, chiến lược xuyên suốt của MWG là tối ưu năng lực mua hàng và đầu tư cho các hoạt động thúc đẩy bán hàng, chăm sóc khách hàng, nâng cấp trải nghiệm mua sắm. Từ đó, công ty đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thông qua việc mở rộng tập khách hàng, tăng lượt mua sắm và sản lượng tiêu thụ, không đặt mục tiêu tăng biên lợi nhuận gộp.

Bên cạnh đó, MWG tiếp tục thể hiện tham vọng "đánh chiếm" thị trường Indonesia với việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik (Era Blue). Mục tiêu của liên doanh là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia và niêm yết công ty này trong 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.

Liên doanh Era Blue đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ở nước ngoài của MWG và kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực giúp nối dài chuỗi tăng trưởng trong tương lai. Sự cộng hưởng giữa thế mạnh của hai bên được kỳ vọng sẽ giúp Era Blue rút ngắn thời gian hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ thống lĩnh thị trường Indonesia.

Hà Linh
Nguồn CafeF