“Trùm BOT” Tasco phân phối xe

“Trùm BOT” Tasco phân phối xe

Chuyên đầu tư hạ tầng nhưng Tasco lại cho thấy sự quan tâm thị trường phân phối ô tô.

Tập đoàn chuyên đầu tư hạ tầng Tasco gây bất ngờ khi trở thành cổ đông chính của chuỗi phân phối ô tô lớn nhất nội địa là Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico). Tasco đã thâu tóm toàn bộ 100% cổ phần trong SVC Holdings, từ đó gián tiếp sở hữu 54,07% cổ phần trong Savico. Savico vẫn còn một cổ đông lớn khác là Tổng Công ty Bến Thành với tỉ lệ sở hữu 30,6%.

Các thông tin liên quan đến thương vụ M&A này khiến cho giá cổ phiếu SVC bật tăng. Chỉ trong 1 năm qua, giá SVC đã tăng mạnh 64% và đang đứng ở mức 115.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với chỉ số PE khá cao là 26 lần.

“Trùm BOT” Tasco phân phối xe

Ngành ô tô chia làm nhiều công đoạn. Khâu sản xuất lắp ráp có các hãng như Thaco, VinFast, VEA, Thành Thành Công đi cùng với các doanh nghiệp ngoại như Toyota, Honda, Mitsubishi, Hyundai. Khâu phân phối có sự tham gia cạnh tranh giữa Savico, Haxaco, City Auto, trong đó Savico đang chiếm thị phần lớn nhất (11,2%) khi phân phối cho Toyota, Ford, Volvo, Hyundai. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Savico ghi nhận doanh thu năm 2021 hơn 27.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 408 tỉ đồng.

Đối thủ Haxaco tập trung vào phân khúc hạng sang Mercedes và gần đây nhất là phân phối dòng xe MG nhập khẩu từ Thái Lan, còn City Auto là đại lý ủy quyền chính thức của Ford Việt Nam. Có thể thấy Savico có ưu thế nhờ sở hữu hệ thống showroom rộng lớn và phân phối đa dạng các dòng xe phổ thông, đặc biệt là thương hiệu Hàn ngày càng được khách hàng quan tâm. “Bên cạnh việc hưởng lợi từ ưu đãi của Chính phủ, chúng tôi cho rằng Savico còn được hưởng lợi từ xu hướng xe hơi Hàn Quốc khi Savico đang sở hữu 11 showroom Hyundai tại Việt Nam. Hyundai chiếm 20% tổng doanh thu của Savico”, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.

Sau 2 năm đối phó với dịch bệnh COVID-19, thị trường ô tô có thể đón tín hiệu lạc quan hơn. Cuối năm 2021, Chính phủ tiếp tục cho phép miễn 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Đây là lần thứ 2 chính sách này được ban hành để thúc đẩy nhu cầu mua ô tô, đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. “Nền kinh tế đang phục hồi và chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được áp dụng đến hết tháng 5 tới, dự báo năm 2022 thị trường ô tô có thể đạt mốc 500.000 xe/năm”, ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam, nói.

“Trùm BOT” Tasco phân phối xe

Savico là doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận trên vốn khá hiệu quả
Nguồn: TL

Thị trường tiêu thụ ô tô năm nay vẫn chưa ổn định do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm vaccine mũi 2 tính đến cuối năm 2021 và các biến thể mới có khả năng sẽ ít gây rủi ro tới sức khoẻ hơn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI ước tính tác động từ việc giãn cách xã hội sẽ ít nghiêm trọng hơn năm 2021. Triển vọng dài hạn của ngành phân phối ô tô khá tích cực. Tỉ lệ dân số sở hữu xe mới chỉ 5% trong khi Thái Lan lên tới 52%. Ngoài ra, Việt Nam đã ký tổng cộng 12 hiệp định thương mại tự do với các nước và khối. Điều này giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn nhiều dòng xe ngoại với mức giá hấp dẫn hơn.

Điển hình là hiện thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam là 70% đối với xe có dung tích xi-lanh trên 3.000 cc và 75-78% đối với xe có dung tích xi-lanh dưới 3.000 cc. Theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với mức giảm bình quân 7%/năm và về 0% trong vòng 10 năm. Việc giảm thuế nhập khẩu từ thị trường EU là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam có thể mua xe du lịch châu Âu với giá thấp hơn.

Quay trở lại với câu chuyện thâu tóm Savico, cổ đông mới Tasco là thương hiệu khá nổi trong phát triển hạ tầng giao thông khi tham gia đầu tư nhiều dự án BOT, BT. Đây còn là đơn vị đầu tiên phát trển hệ thống thu phí không dừng thông minh VETC trên cả nước. Tasco cũng tham gia vào thị trường bất động sản và hạ tầng y tế.

“Trùm BOT” Tasco phân phối xe

Trong khi đó, Savico là doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận trên vốn khá hiệu quả. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối tháng 9/2021, Công ty có khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 542 tỉ đồng, tương đương 16.030 đồng/cổ phần. Có thể thấy Savico là mảnh ghép phù hợp để Tasco hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Bởi ngoài mảng phân phối ô tô, doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước Savico còn sở hữu nhiều cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và các dự án nhà ở có vị trí đắc địa như Trung tâm Savico Mega Mall tại Hà Nội (4,6 ha), Trung tâm thương mại Savico Đà Nẵng, Trung tâm thương mại Savico Cần Thơ, toà cao ốc văn phòng 91 Pasteur, văn phòng 66-68 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trung tâm tiệc cưới và Hội nghị White Palace 108 Phạm Văn Đồng, Khu dân cư Long Hoà Cần Giờ (29,8 ha), Khu phức hợp Savico Nam Cẩm Lệ (2,1 ha), Dự án Mercure Sơn Trà 5,76 ha...

Chính vì lẽ đó, sau thương vụ thâu tóm Savico, Tasco lên kế hoạch phát triển thương hiệu Tasco Land nhằm quản lý tất cả các dự án bất động sản của Tasco và hợp tác với Savico để khai thác và tối ưu các quỹ đất của Savico. Đồng thời, thương hiệu lớn trong lĩnh vực BOT và BT này cũng quyết tâm thực hiện cuộc “đại phẫu” thoái vốn khỏi các công ty ngoài ngành trong lĩnh vực xây dựng và y tế sau 5 năm đầu tư dàn trải.

Sơn Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư