Thử chuông xứ người
Giữ nhịp tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh buộc doanh nghiệp Việt phải đặt nhiều tham vọng hơn ở thị trường bên ngoài.
Đầu năm 2022, sau khi mở nhiều cửa hàng mới trong nhiều lĩnh vực thời trang, trang sức, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) gây bất ngờ khi đẩy nhanh mục tiêu chinh phục thị trường các nước Đông Nam Á. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (công ty con của MWG) vừa ký hợp tác với PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của Tập đoàn Erajaya tại Indonesia, để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic với thương hiệu Era Blue. Cửa hàng đầu tiên dự kiến mở vào giữa năm nay tại Jakarta.
Erafone hiện có khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ ở khắp Indonesia, cung cấp thiết bị viễn thông, máy tính bảng, laptop và các sản phẩm khác trong cùng hệ sinh thái. “Erafone là một đối tác uy tín trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại tại Indonesia mà chúng tôi đã có cơ duyên gặp gỡ và trao đổi nhiều năm trước”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, chia sẻ.
Tham vọng chinh phục thị trường khu vực được MWG bắt đầu từ năm 2017 với cửa hàng Bluetronics đầu tiên tại Phnom Penh, Campuchia. Đây là bước thử nghiệm của MWG để tìm kiếm cơ hội vươn ra nước ngoài đồng thời kiểm nghiệm khả năng của hệ thống khi vận hành một siêu thị ngoài lãnh thổ Việt Nam. Doanh thu tăng trưởng theo chuỗi của Bluetronics trong năm 2021 đạt 135%.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động, công ty đang đặt mục tiêu mở thêm 30 cửa hàng để phủ 25/25 tỉnh, thành tại Campuchia. Tính đến năm 2021, chuỗi điện máy Bluetronics đạt 50 cửa hàng, trở thành nhà bán lẻ thiết bị di động, điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia.
“Dù nhiều nước trong khu vực ASEAN phát triển hơn Việt Nam nhưng công ty vẫn nhìn ra cơ hội khi các thị trường bán lẻ điện thoại, điện máy có tính phân mảnh, không có một nhà bán lẻ chiếm thị phần áp đảo tuyệt đối trên 50%”, ông Hiểu Em nhận định.
Bước đi của MWG đặt ra trong bối cảnh thị trường điện máy, điện tử trong nước đang bão hoà và trở nên chật chội, cần phải có những thị trường mới. Các thị trường khu vực phù hợp với năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Đây cũng là bài toán của nhiều doanh nghiệp Việt khi số vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tính đến cuối năm 2021, doanh nghiệp Việt đã đầu tư 188 dự án sang Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,85 tỉ USD và Việt Nam là quốc gia ASEAN có đầu tư lớn nhất tại nước này.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sau hơn 15 năm đầu tư tại Campuchia, hiện thương hiệu Metfone của doanh nghiệp này được định giá hơn 1 tỉ USD. Ở thị trường nước ngoài, lợi nhuận viễn thông của Viettel tăng trưởng 13,5%. Hay Vinamilk đã thành lập công ty liên doanh tại Philippines vào đầu năm 2021. Theo đó, Vinamilk góp 50% vốn trong tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 6 triệu USD.
Hệ thống chính sách cũng ngày càng hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2021 có 61 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 409,1 triệu USD, tăng 28,6% so với năm trước, có 22 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn điều chỉnh giảm 776 triệu USD.
“Nếu bạn muốn trở thành một thương hiệu toàn cầu, bạn phải đến Mỹ” là câu nói được nhiều CEO của các thương hiệu thành công toàn cầu khẳng định. Đây cũng là chiến lược để Vingroup quyết định chinh phục thị trường ô tô điện tại Mỹ, Canada và Châu Âu. Từ cuối năm 2021, Tập đoàn Vingroup đã đẩy mạnh quy mô đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của riêng tập đoàn này đã vào khoảng 448,5 triệu USD, trong đó gần 70% là vào thị trường Mỹ. Vingroup cũng đã điều chỉnh nâng vốn đầu tư tại thị trường Mỹ thêm 300 triệu USD và tăng vốn một dự án của VinFast tại thị trường Đức thêm 32 triệu USD.
Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, đánh giá cao nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang các thị trường lớn, có trình độ công nghệ cao như Mỹ, Châu Âu... “Lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã không dừng lại ở nông nghiệp với giá trị gia tăng thấp mà đang chuyển hướng sang lĩnh vực dẫn đầu là công nghệ, không chỉ cho thấy trình độ phát triển của doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo cơ hội lớn cho hoạt động liên kết, nhập khẩu công nghệ về ứng dụng trong nước”, Tiến sĩ Võ Đại Lược nhận định.
Trong bối cảnh cạnh tranh đã diễn ra ở quy mô toàn thế giới, kinh tế Việt Nam mở cửa hội nhập sâu rộng, chinh phục thị trường nước ngoài cũng là phép thử cho sức bền của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Thành công của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam, tạo chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Thanh Hương
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư