Cho thuê xe tự lái: Cuộc chiến công nghệ mới tại Việt Nam?
Với tỉ lệ dân sở hữu ô tô còn khá thấp, Việt Nam đang trở thành thị trường tiềm năng cho các “tay chơi” trong ngành cho thuê xe tự lái.
Giao thông công cộng chậm phát triển, nhu cầu sử dụng xe cá nhân cao, tỉ lệ dân sở hữu ô tô thấp đã khiến cho lĩnh vực cho thuê xe tự lái tại thị trường Việt Nam trở nên sôi động khi hàng loạt ứng dụng cho thuê xe như BongTrip, Chungxe, Mioto, ExBook, Sigo, Aleka, TripX... ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các ứng dụng cho thuê xe tự lái hoàn toàn có thể cạnh tranh với mô hình cho thuê xe truyền thống, vốn đã định hình hành vi và ngữ cảnh sử dụng của người tiêu dùng. Sự đổ bộ của Zoomcar, startup được định giá 2 tỉ USD trong lĩnh vực cho thuê xe tự lái ở Ấn Độ, vào thị trường Việt Nam sẽ khiến cho cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Khảo sát gần đây của Ken Research cho thấy thị trường cho thuê xe tự lái ở Việt Nam có nhiều tiềm năng khi thị trường còn phân mảnh và non trẻ. Các công ty toàn cầu với công nghệ tiên tiến sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và khai thác thị trường. Đó cũng là một trong những lý do thôi thúc Zoomcar đặt cược vào thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một trong những thị trường chính của Zoomcar ở Đông Nam Á và hãng này có kế hoạch chi hơn 25 triệu USD để phát triển hoạt động tại đây. Trong khi đó, Zoomcar dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào Đông Nam Á trong 2-3 năm tới, ông Greg Moran, đồng sáng lập và CEO của Zoomcar, chia sẻ với NCĐT.
“Thị trường Việt Nam dự kiến đóng góp khoảng 10% doanh thu toàn cầu của chúng tôi, bởi vì đây là thị trường non trẻ có rất nhiều dư địa để phát triển”, ông Greg Moran nhận định. Ông kỳ vọng khu vực Đông Nam Á có thể đóng góp 40% doanh thu hằng năm, tương đương khoảng 80 triệu USD.
Theo hãng cho thuê xe này, đa số các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ sở hữu ô tô thấp, dưới 10% và thậm chí dưới 5% ở một số nước. Đáng lưu ý, tỉ lệ này ở Việt Nam chỉ từ 3-3,5%, tức trong 1.000 người chỉ có 35 người có ô tô, một trong những tỉ lệ thấp nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh tỉ lệ dân sở hữu ô tô thấp, đại dịch cũng đã góp phần làm cho thị trường này càng trở nên hấp dẫn, khi người dân hạn chế tiếp xúc nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh và nhu cầu thuê xe đã tăng khá mạnh.
Căn cứ vào sự gia tăng về nhu cầu của tầng lớp trung lưu cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, ông Greg Moran cho rằng một số lượng lớn người dân thuộc tầng lớp trung lưu không có điều kiện sở hữu ô tô, nhưng họ vẫn có nhu cầu sử dụng ô tô 2-3 lần mỗi tháng.
Theo khảo sát của ứng dụng cho thuê xe trị giá 2 tỉ USD, người thuê không chỉ cần ô tô cho các kỳ nghỉ, dịp lễ, Tết hay những dịp đặc biệt mà còn cho nhu cầu ngắn hạn, khoảng 8-10 tiếng, một điều rất khác so với trước đây.
Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu thuê ô tô tự lái trên các nền tảng đều tăng từ 3-5 lần, giá cả trung bình tăng từ 100-150% ngày thường tuỳ gói thuê khác nhau nhưng vẫn không đủ xe để đáp ứng.
Ông Greg Moran cũng cho biết thêm: “Với sự phát triển của các nền tảng gọi xe cùng với sự xuất hiện của thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng xuyên lục địa, chúng tôi nhận thấy thái độ chưa mấy hài lòng của người tiêu dùng đối với phương tiện giao thông công cộng”.
Những người điều hành Zoomcar tin tưởng mô hình kinh doanh Zoomcar không chỉ mang lại giá trị cho chủ sở hữu xe trong việc tối đa hoá thu nhập cùng với giảm thiểu gánh nặng tài chính khi sở hữu xe mà còn mang đến cho người dùng những lựa chọn phương tiện đi lại tốt hơn với giá cả phải chăng.
Với Zoomcar, thị trường Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ khi người tiêu dùng địa phương cực kỳ hiểu biết và đang có nhiều quan tâm đối với loại hình di chuyển cá nhân này. Phần lớn tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sở hữu một chiếc xe máy và rất ít người có ô tô. Chủ sở hữu ô tô có thể tạo ra thu nhập thụ động và phát triển các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cho thuê xe của họ.
Cùng với tốc độ đô thị hoá, thu nhập và đời sống người dân thành thị ngày càng tăng, cộng thêm sự bùng nổ tất yếu của khuynh hướng phát triển bền vững trên toàn cầu, những nền tảng như Zoomcar được đánh giá khá cao trong việc giải quyết các vấn đề đô thị hiện tại như giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí.
Một thuận lợi nữa là cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang ngày càng tốt hơn cho việc sử dụng ô tô. Trong 5 năm qua, nhiều địa phương tại Việt Nam được kết nối giao thông tốt hơn nhờ vào việc hoàn thành nhiều dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Xu hướng này tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn với nhiều dự án được khởi động ở cấp quốc gia và thành phố, với mức độ cam kết cao từ Chính phủ.
Đó là cơ sở cho niềm tin của Zoomcar vào thị trường Việt Nam. Đặt chân đến TP.HCM vào cuối năm 2021, Zoomcar đưa ra mục tiêu đạt 2.000 xe đăng ký trên nền tảng trong quý I/2022 nhưng trước tác động của biến chủng Omicron, mục tiêu giảm xuống còn một nửa. Tuy nhiên, điều này không làm những người điều hành Zoomcar nao núng. Bằng chứng là họ đã có kế hoạch chinh phục Hà Nội và Đà Nẵng vào cuối năm nay và dự kiến phủ sóng 10 tỉnh, thành trong năm 2023.
Lê Phan
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư