Làn gió mới trong truyền thông cộng đồng: Xoá bỏ rào cản với HIV bằng câu chuyện tình yêu
Chiến dịch y tế cộng đồng cấp quốc gia “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” tập hợp tiếng nói của thế hệ trẻ để cùng lan toả thông điệp tích cực về phòng ngừa, điều trị HIV cũng như xoá bỏ những định kiến còn tồn tại về người sống chung HIV tại Việt Nam.
Thông điệp sáng tạo thay đổi điểm nhìn về phòng chống HIV/AIDS
Chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” là sáng kiến triển khai từ ngày 17/11-15/12/2021 nhằm hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2021, từ đó đóng góp vào nỗ lực đạt được mục tiêu quốc gia về kết thúc đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Khác với hướng truyền thông trực diện quen thuộc, chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” quảng bá các biện pháp dự phòng và điều trị HIV bằng cách so sánh sự tương phản giữa những khó khăn của tình yêu với sự dễ dàng, an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc kháng virus HIV. Chiến dịch tận dụng sự đồng cảm về câu chuyện tình yêu để thúc đẩy nhận thức rằng: với sự phổ biến của các phương thức điều trị HIV an toàn và hiệu quả bằng thuốc, không có lý do gì để cảm thấy e ngại khi biết về tình trạng HIV của một ai đó.
Với sự phát triển của y học hiện đại, mọi người có thể bắt đầu điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để phòng tránh cho bản thân trước các nguy cơ lây nhiễm HIV, hoặc tiếp nhận thuốc điều trị kháng virus (ARV) nếu dương tính với HIV. Người có H điều trị bằng ARV khi đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện trong cơ thể sẽ không làm lây truyền virus HIV sang bạn tình, hay được tóm tắt bằng thông điệp “Không phát hiện = Không lan truyền” (K=K). Một thế giới mà trong đó tình trạng HIV không còn là vấn đề trong các mối quan hệ, tình yêu và các hoạt động chăm sóc sức khoẻ còn được gọi là “trạng thái trung tính”.
Chiến dịch đồng thời kêu gọi sự bình đẳng trong chăm sóc y tế cho mọi người – với khả năng tiếp cận dễ dàng các thuốc điều trị và dự phòng HIV hiệu quả – bất kể tình trạng HIV của họ, đồng thời tạo điều kiện nhân rộng các chế độ chăm sóc không kỳ thị dành cho cả người có H và không có H.
Đa dạng hình thức truyền thông để tiếp cận cộng đồng
Kể từ tháng 01/2021, chiến dịch “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” bắt đầu kêu gọi người dân chia sẻ những câu chuyện cá nhân về tình yêu và cuộc sống, thu được hơn 1.096 bài gửi ẩn danh chỉ trong gần ba tuần, bao gồm cả những câu chuyện của cộng đồng LGBTIQ+ và người có H. Các câu chuyện chân thực đã trở thành chất liệu sáng tạo để 10 nghệ sĩ trẻ Việt Nam gửi gắm những ẩn ý về phòng ngừa HIV và định kiến còn tồn tại về người có H thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật đương đại được trưng bày tại triển lãm “Bảo Tàng Tan Vỡ”, ghi nhận hơn 800 lượt khách tham quan công cộng trong hai ngày 11-12/12. VJ Thuỳ Minh, diễn viên Quang Trung, người mẫu Dương Tú Bình, Giám đốc Sáng tạo Alex Fox… cũng góp mặt tại sự kiện và bày tỏ sự ủng hộ đối với chiến dịch.
Website yeumoikho.com và trang Facebook K=K của chiến dịch tiếp nhận hơn 1.000 lượt liên hệ từ cộng đồng với nhu cầu chủ động tìm hiểu các thông tin về phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, MV “Yêu mới khó” – sản phẩm hợp tác giữa rapper Kimmese và ca sĩ, DJ Mike Phạm – nhanh chóng đạt hơn 1 triệu lượt nghe trên các nền tảng YouTube và Spotify nhờ kết nối âm nhạc cùng thông điệp về tình yêu để mang đến tiếng nói cho người có H.
“Thông qua câu chuyện và hình ảnh lấy từ chính văn hoá và ngôn ngữ của cộng đồng, chiến dịch ‘Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì’ chọn hướng đi riêng để chuyển tải những thông tin khoa học vốn dĩ khô khan trở nên mềm mại và dễ hiểu hơn. Thông điệp rõ ràng giúp thách thức nhận thức xưa cũ về HIV như ‘căn bệnh của thế kỷ’ – một trong những rào cản hàng đầu trong công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam, từ đó cung cấp thông tin đúng đắn cho cộng đồng”, ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội – Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đăng chia sẻ.
Ngoài một số sự kiện tổ chức trực tiếp (offline) tại TP.HCM, hầu hết các hoạt động nghệ thuật và truyền thông của “Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” được triển khai trên không gian mạng, tối đa khả năng tiếp cận cộng đồng để bất cứ ai cũng có thể truy cập theo dõi thông tin.
Chiến dịch ước tính đã tiếp cận hơn 12 triệu người trên các nền tảng số như Facebook, Google; thu về hơn 80 nghìn lượt tương tác và thảo luận trên các phương tiện truyền thông xã hội, hơn 120 lượt đưa tin từ các cơ quan thông tấn hàng đầu trong lĩnh vực Sức khoẻ – Đời sống, Văn hoá – Xã hội và Nghệ thuật. Thành công của chiến dịch còn có sự chung tay lan toả thông điệp của gần 50 nghệ sĩ, nhân vật có tầm ảnh hưởng và các nhóm cộng đồng như: hoa hậu H’Hen Niê, hoa hậu Phương Khánh, nghệ sĩ thị giác Ngô Đình Bảo Châu, nhà thơ Nam Thi, diễn viên Quang Trung, trang cộng đồng Facebook It’s Happened to be Vietnam…
Thúc đẩy mục tiêu lớn năm 2030
“Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì” 2021 nối tiếp chuỗi chiến dịch y tế cộng đồng từ năm 2019, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về HIV/AIDS. Sáng kiến này góp phần vào hành trình quốc gia phòng chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030. Để mục tiêu lớn sớm được thực hiện như kỳ vọng, sự đồng hành của cộng đồng và các đơn vị chuyên môn đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Todd Pollack, Giám đốc Quốc gia Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam của Đại học Harvard (HAIVN) cho biết: “Chiến dịch ‘Yêu mới khó, phòng ngừa HIV có ngại gì’ đã mang đến nhiều bứt phá trong hoạt động truyền thông giảm thiểu sự kỳ thị và gia tăng nhận thức về các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS trong cộng đồng, đặc biệt là nhóm MSM. Thông điệp sáng tạo cùng ý tưởng triển khai đa dạng đã liên kết những thông tin khoa học liên quan đến phòng, chống HIV với các hình thức nghệ thuật, qua đó giúp thông tin trở nên dễ tiếp cận và được hưởng ứng rộng rãi hơn”.
Chiến dịch được điều phối, chỉ đạo bởi Cục Phòng, Chống HIV/AIDS (VAAC) – Bộ Y Tế cùng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC US), Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS (PEPFAR), Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam (HAIVN) và các đối tác khác.