Femtech trỗi dậy

Femtech trỗi dậy

Femtech – công nghệ chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ – đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ngày Quốc tế Phụ nữ đặc biệt có ý nghĩa để nhắc nhở thế giới rằng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở những nước nghèo, vẫn còn thua thiệt trên nhiều phương diện, trong khi họ là thành phần quan trọng trong xã hội. Do đó, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa, đặc biệt trong mảng chăm sóc sức khoẻ phụ nữ. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho thấy ước tính có tới 1/10 phụ nữ và bé gái có kinh nguyệt trên toàn thế giới không tiếp cận được các sản phẩm vệ sinh phụ nữ.

Femtech được hiểu là bất kỳ phần mềm, sản phẩm hay dịch vụ nào sử dụng công nghệ để cải thiện các dịch vụ y tế, sức khoẻ cho phụ nữ.

Vấn đề này đặc biệt phổ biến ở các xã hội phụ hệ như Lào, nơi kinh nguyệt là một đề tài cấm kỵ. Những gì liên quan đến sinh lý và sinh sản của phụ nữ chỉ được “xầm xì” và thông tin về vấn đề này hầu hết là truyền tai nhau như chuyện tin rằng con gái không được ăn xoài có tẩm gia vị trong kỳ kinh. Theo một khảo sát năm 2016 của Lotus Education Fund, 70% phụ nữ và bé gái ở các vùng nghèo nhất của huyện Champhone, Lào không hiểu tại sao lại có kinh mỗi tháng. Nhiều cô gái cũng thừa nhận phải bỏ việc hoặc bỏ học do thiếu băng vệ sinh hoặc thiếu kiến thức chăm sóc bản thân trong những ngày có kinh nguyệt.

Trước thực trạng nhiều phụ nữ không tiếp cận được các kênh y tế chính thức, nhiều doanh nghiệp đang quay sang một “thế lực mới” để giải quyết vấn đề này: femtech. Femtech được hiểu là bất kỳ phần mềm, sản phẩm hay dịch vụ nào sử dụng công nghệ để cải thiện các dịch vụ y tế, sức khoẻ cho phụ nữ.

Sốt femtech Châu Á

Femtech đời đầu dưới dạng cung cấp các sản phẩm vệ sinh bền vững để giải quyết vấn đề kém vệ sinh ở phụ nữ nông thôn như 3.200 bộ sản phẩm vệ sinh được sản xuất và phân phối tại Lào bởi Lotus Education Fund vào năm 2016. Bộ sản phẩm gồm băng vệ sinh có thể tái sử dụng, quần áo lót và chất tẩy, do những cô gái tham gia chương trình giáo dục của Lotus làm ra.

Khi công nghệ ngày càng cải tiến thì femtech cũng phát triển vượt bậc. Năm 2018, RealRelief đã giành giải thưởng Danish Design Award cho sản phẩm Safepad, một loại băng vệ sinh tái sử dụng được làm bằng loại vải kháng khuẩn rất đặc biệt, có thể diệt vi khuẩn chỉ trong 30 giây. Băng vệ sinh có thể tái sử dụng là một sản phẩm cải tiến giúp ngăn ngừa viêm nhiễm trong khi giúp bảo vệ các bé gái và phụ nữ ở những nước nghèo khỏi bị xã hội kỳ thị do vệ sinh kém trong kỳ kinh nguyệt.

Femtech trỗi dậy

Trine Angeline Sig, Giám đốc Điều hành RealRelief (có trụ sở tại Đan Mạch, phát triển các sản phẩm cứu trợ bền vững cho các nước đang phát triển kể từ năm 2013), cho biết công nghệ kháng khuẩn đóng vai trò rất quan trọng vì nhiều cô gái ở các vùng nghèo nhất Châu Á không tiếp cận được nước sạch. “Với Safepad, cho dù bạn tẩy rửa nó trong sông, hồ bị ô nhiễm thì vải kháng khuẩn này cũng diệt được bất kỳ vi khuẩn gây hại nào”, Sig nói. Safepad hiện được phân phối ở 10 nước Châu Phi và Châu Á, trong đó có Lào và Bangladesh.

Nhu cầu giải quyết vô số vấn đề của phụ nữ đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ hoạt động đầu tư vào femtech trong những năm qua. Theo thống kê của FemTech Analytics, có 1.323 công ty femtech trên toàn cầu vào năm 2021, trong đó có 41 công ty ở Đông Nam Á, với 1.292 nhà đầu tư. “Việc số hoá y tế trên diện rộng, một phần được thúc đẩy bởi đại dịch đã tạo chất xúc tác rất cần thiết cho ngành femtech. Ngày càng nhiều công nghệ đang được phát triển nhằm cải thiện sức khoẻ phụ nữ”, Kate Batz, Giám đốc FemTech Analytics, nói.

Châu Á là nơi đóng đô của chỉ 14% các công ty femtech, nhưng lại là động lực chính yếu cho cơn sốt này. FemTech Analytics dự đoán đến năm 2026 khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về các ứng dụng y tế, chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ, nhờ sự gia tăng nhận thức và thái độ cởi mở hơn về các đề tài sức khoẻ nữ giới.

Một ứng dụng như vậy là Oky, ra mắt vào năm 2019 bởi UNICEF, dạy cho các bé gái từ 10-19 tuổi về kinh nguyệt, với các chức năng theo dõi chu kỳ và lịch sử kinh nguyệt, cũng như liệt kê các nguồn lực địa phương có thể hỗ trợ về sức khoẻ sinh sản và phòng chống bạo lực tình dục. Oky hiện có mặt trên toàn cầu và nay có cả chức năng đọc to cho người dùng chỉ biết ít chữ hoặc khiếm thị.

Femtech trỗi dậy

“Chất xúc tác” COVID-19

Sarah Knibbs, đứng đầu tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Thậm chí trước đại dịch, tính trung bình, phụ nữ đang làm gấp 3 lần lượng công việc không được trả lương so với đàn ông. Trong đại dịch, lượng công việc càng nhiều, khi họ phải gánh gồng việc chăm sóc cả gia đình, do nhà giữ trẻ, viện dưỡng lão và trường học bị đóng cửa”.

Gánh nặng công việc nhà trong đại dịch khiến cho nhiều phụ nữ càng không có thời gian chăm sóc bản thân. Một bằng chứng là trên thế giới, cứ 10 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44 tuổi thì có 1 người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Riêng tại Ấn Độ, theo một khảo sát toàn quốc năm 2021 bởi Oziva, cứ 5 người phụ nữ Ấn thì có 1 người bị PCOS.

MyAva, một startup femtech ở Ấn Độ, kỳ vọng công nghệ là chìa khoá cung cấp dịch vụ y tế mà phụ nữ cần trong điều kiện dịch bệnh. Ứng dụng MyAva theo dõi và cung cấp dịch vụ điều trị PCOS bằng cách giúp phụ nữ tiếp cận bác sĩ phụ khoa, chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên thể dục tại các trung tâm “tất cả trong một”. Ứng dụng MyAva được thành lập năm 2020, có khoảng 50 bác sĩ, 25 chuyên gia dinh dưỡng và 12 huấn luyện viên thể dục đóng vai trò là các nhà tư vấn. Phí đăng ký dịch vụ MyAva cho 3-12 tháng là từ 33-239 USD.

Femtech trỗi dậy

Sarah Knibbs thuộc tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc cho rằng những cách tiếp cận công nghệ như MyAva cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc cải thiện sức khoẻ phụ nữ. “Một trong những lợi ích của femtech là tạo ra một môi trường mà phụ nữ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ về một vấn đề mà họ thấy khó khăn khi nói về nó, hoặc trong những tình huống mà rất khó để họ rời nhà”, bà nói.

Một nhu cầu tăng mạnh suốt đại dịch là các dịch vụ sinh sản, mẹ và bé, vốn chiếm tới 38% thị trường femtech thế giới. Những dịch vụ này bị cắt giảm đầu tiên khi các bệnh viện buộc phải tập trung mọi nguồn lực phòng chống COVID-19. Tại Philippines, chẳng hạn, các trung tâm y tế cộng đồng đã phải tạm ngưng các chương trình y tế sinh sản và sức khoẻ giới tính để tập trung đối phó COVID-19.

Đó là lý do Jessica De Mesa và đồng sáng lập Abetina Valenzuela thành lập Kindred. 12 nhân viên và 21 bác sĩ của Kindred đã phục vụ 900 bệnh nhân chỉ trong 5 tháng đầu tiên, chăm sóc phụ nữ từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên cho đến lúc làm mẹ và sau đó là thời kỳ mãn kinh. Instagram là kênh bán hàng chính của Anna, chi nhánh tránh thai của Kindred. Khách hàng Kindred thích tương tác với Anna bằng cách nhắn tin trực tiếp trên nền tảng này. Kindred dự kiến sẽ mở phòng khám vật lý đầu tiên trong năm nay và đang huy động thêm vốn sau khi nhận được khoản đầu tư ban đầu từ Pulse 63, một công ty đầu tư mạo hiểm về chăm sóc y tế. “Thành công của Kindred sẽ tạo tiền đề cho các startup femtech khác”, Jessica de Mesa nói.

Femtech trỗi dậy

Tại Việt Nam, Momby, một ứng dụng theo dõi thai kỳ, cũng ra đời nhằm cung cấp các dịch vụ như đặt lịch hẹn bác sĩ sản phụ khoa, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ... Quốc gia gần 100 triệu dân cũng “vượt trội” trong khu vực về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, với 43 ca tử vong/100.000 ca sinh sống, so với mức trung bình 69 ở Châu Á, theo World Bank.

Một lĩnh vực khác bắt đầu thu hút sự chú ý của nhà đầu tư là giải quyết những vấn đề của phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, vốn ảnh hưởng đến 100% phụ nữ có kinh nguyệt với các triệu chứng như bốc hoả, đổ mồ hôi ban đêm và đau đầu... Theo ước tính của Hội Mãn kinh Bắc Mỹ, có tới 1,1 tỉ phụ nữ, chiếm 12% dấn số thế giới, sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh vào năm 2025. Con số này càng không thể phớt lờ ở Châu Á khu vực có nhiều nước đang chứng kiến tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới như Nhật với hơn 29% dân số trên 65 tuổi.

“Không ai quan tâm đến việc rót vốn vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ trung niên. Mảng y tế cho phụ nữ trẻ vẫn hấp dẫn hơn nhiều vì họ còn có thể sinh con”, Susan Davis, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Sức khoẻ Phụ nữ tại Đại học Monash, nhận xét.

Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi. Tiến sĩ Mabel Yen Ngoc Nguyen cùng với Fandi Feng đã đồng sáng lập EloCare sau khi nhận ra phân khúc còn bỏ ngỏ này trên thị trường femtech Singapore. “Tôi luôn hứng thú với femtech và nhận ra rằng không ai trong ngành này nói về thời kỳ mãn kinh”, Mabel cho biết. Theo FemTech Analytics, chỉ 6% các công ty femtech của thế giới tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ.

Femtech trỗi dậy

Hiện tại, EloCare đang phát triển một thiết bị đeo trên người có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, huyết áp và các chỉ số khác để hỗ trợ điều trị thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ dựa trên dữ liệu được cá nhân hoá, giúp việc chẩn đoán và điều trị chuẩn xác hơn.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ. “Tại Nam Á, chênh lệch giới tính trong vấn đề số hoá là rất lớn”, Sarah Knibbs nói. Bà chỉ ra: “Tỷ lệ phụ nữ tiếp cận dịch vụ internet ít hơn 58% so với đàn ông trong khi tỷ lệ phụ nữ sở hữu điện thoại di động ít hơn 28%”. Pushpendra Singh, Giáo sư tại Viện Công nghệ thông tin Indrasprastha (IIIT-Delhi), cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Dự án mà Singh đang triển khai hiện sử dụng WhatsApp để cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí hoặc giá rẻ cho phụ nữ ở các vùng nghèo nhất của Ấn Độ, tập trung chủ yếu vào các vấn đề thai kỳ và hậu sản.

Dù có một số thách thức nhưng Mable của EloCare tin rằng triển vọng femtech tại Châu Á rất lạc quan. “Các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến femtech. Nhà đầu tư nam giới có thể không hiểu vì sao femtech lại quan trọng nhưng họ có thể thấy được rằng femtech đang là xu hướng. Vì thế, tôi cho rằng vốn đầu tư rót vào femtech sẽ ngày càng tăng”, Mabel nói

Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư