Kỳ lân khát nhân lực
Cơn sốt nhân lực diễn ra cùng với làn sóng khởi nghiệp, chuyển đổi số, cũng như vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghệ ngày càng tăng.
Việc đón nhận dòng vốn vào các công ty khởi nghiệp công nghệ ngày càng nhiều vừa nâng vị thế Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng là gánh nặng cho nguồn nhân lực đã khan hiếm nay càng khan hiếm.
OpenCommerce, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, là thương vụ mới nhất công bố huy động vốn thành công ở thị trường Việt Nam. Theo thống kê của NCĐT, đây là công ty startup Việt Nam thứ 12 công bố trong 2 tháng đầu năm 2022, với tổng quy mô hơn 30 triệu USD. Dù quy mô nguồn vốn huy động thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng số thương vụ tăng gấp 3 lần. Đây là tín hiệu tốt cho cộng đồng startup Việt Nam khi năm 2022 vừa mới bắt đầu nhưng lại kèm theo những tiếng thở dài của không ít doanh nghiệp công nghệ.
“Tìm người mùa này thật khó! Phần lớn các công ty khởi nghiệp sau khi gọi vốn đều đầu tư vào sản phẩm, tăng cường tuyển dụng khiến thị trường nhân lực đã hiếm nay càng hiếm hơn”, giám đốc một công ty khởi nghiệp có văn phòng ở Quận 3, TP.HCM chia sẻ. Tình trạng này đã bắt đầu từ năm 2021, theo báo cáo của TopDev, có hơn 117.000 việc làm công nghệ thông tin được tạo ra, tăng hơn 36% so với năm 2020. Nếu trước đây, nhu cầu chỉ đến từ các công ty thuần công nghệ thì nay còn có thêm các doanh nghiệp truyền thống (Sovico, Nova Group, các doanh nghiệp bất động sản) và nhóm các công ty blockchain.
Có một sự thật rằng nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực IT vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển dự kiến của ngành. Việc số lượng lập trình viên được đào tạo mỗi năm không đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng đã tạo ra nhiều thách thức và cạnh tranh cho ngành tuyển dụng.
Từ năm 2021, các công ty công nghệ sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt hơn nhiều để lấp đầy các vị trí IT ngày một tăng trong thời gian ngắn hơn, báo cáo này viết. Cụ thể, đánh vào thu nhập và mức thưởng cao là cách các công ty thu hút nguồn lực công nghệ. Báo cáo năm 2022 từ Adecco cho thấy tỉ lệ này ở công ty công nghệ là 90% tăng quỹ lương và 70% tăng quỹ thưởng.
Thống kê của Navigos Group, mức lương nhân sự chủ chốt công nghệ thông tin dao động từ 30-90 triệu đồng, riêng lương kỹ sư mới ra trường ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (A.I) ở mức 1.000-2.000 USD/tháng; chưa kể với những lĩnh vực này, nhân sự còn có thể làm freelance cho nhiều công ty khác.
Thiếu nhân lực là khó khăn chung của doanh nghiệp công nghệ toàn cầu. Tình trạng này tại Việt Nam có phần nặng nề hơn khi cùng lúc đón nhu cầu tuyển dụng từ nhiều bên. Đặc biệt là làn sóng của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để xây dựng các trung tâm sản xuất, nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng cấp cao và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, cho biết, theo Khảo sát Xu hướng tuyển dụng quý I và II/2022 do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện vào tháng 12/2021, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đứng thứ 2 trong số các đơn vị có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng trong nửa đầu năm 2022.
Để giải quyết bài toán nhân lực bền vững, cần sự đào tạo từ trường học, nhưng theo một quỹ đầu tư không muốn nêu tên, các trường đại học hiện bắt nhịp khá chậm với nhu cầu của thị trường. Qua đó, cần sự đóng góp của nhóm tư nhân để cùng giải quyết bài toán này. Đó là lý do vì sao các trường đào tạo công nghệ ở Việt Nam đã lọt vào khẩu vị của các quỹ đầu tư trong thời gian qua. Trong năm 2021, MindX huy động được 3 triệu USD và CoderSchool huy động được hơn 2 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, mạng lưới MindX có 13 trung tâm toàn quốc và đào tạo hơn 25.000 học viên thông qua hình thức online kết hợp offline. Trong khi đó, CoderSchool cho biết đã giúp hơn 1.600 học viên trong tổng số 2.000 tìm được công việc có thu nhập hấp dẫn tại các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sự đóng góp của các đơn vị này hiện vẫn chưa xoa dịu được cơn khát nhân lực. Không còn cách nào khác, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu tình trạng khan hiếm nhân sự trong thời gian tới và các công ty huy động vốn thành công sẽ có lợi thế hơn trong “mùa” chuyển nhượng hiện nay so với các đối thủ hoặc doanh nghiệp cùng ngành.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư