NFT: Hấp lực & rủi ro

NFT: Hấp lực & rủi ro

Các vật phẩm NFT (Non-Fungible Token hay NFT Token) đã và đang tạo nên cơn sốt đối với các nhà sáng tạo nội dung trong năm 2021. Cơn sốt này lan đến Việt Nam và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

NFT khuấy đảo nghệ thuật

Sàn đấu giá Christie’s được xem là tiên phong trong lĩnh vực NFT. Năm 2021, Christie’s đã “khai pháo” khi rao bán thành công bức tranh Everydays: The First 5000 Days của Beeple với giá 69,3 triệu USD. Đây vốn dĩ chỉ là một tấm ảnh được “mã hoá” chứa một loạt tác phẩm có giá tầm 100 USD trước đây của nghệ sĩ digital này.

Nhiều ngôi sao hàng đầu Hollywood như Snoop Dogg, Naomi Osaka, Jay-Z, Method Man, Lil Nas X... cũng như các hãng phim lớn đã thu không ít lợi nhuận từ NFT trong năm 2021. Cụ thể, Warner Bros. thu về 5 triệu USD từ việc bán 100.000 NFT hình ảnh độc quyền trong phim Matrix vào cuối tháng 11/2021. Lionsgate mang về khoảng 500.000 USD khi phát hành loạt video độc quyền của phim Saw dưới dạng 6 phiên bản NFT giới hạn.

NFT: Hấp lực & rủi ro

Tại Châu Á, Hàn Quốc trở thành quốc gia có nhiều thế mạnh về NFT vì đã quen với hình thức xuất khẩu văn hoá. Bộ phim Squid Game hay các nhóm nhạc đình đám như BTS, BLACKPINK... đều bày bán những sản phẩm trên NFT. Mới đây, YG Entertainment, công ty quản lý của BLACKPINK, Big Bang, Winner, iKON, AKMU, Treasure... đã ký hợp tác cùng Binance trong một loạt dự án blockchain, bao gồm cả tài sản không thể thay thế NFT. Theo đó, Binance cung cấp nền tảng NFT và cơ sở hạ tầng công nghệ trong khi YG cung cấp nội dung và tài sản trong trò chơi.

“Chúng tôi cho rằng những công ty giải trí như YG Entertainment vô cùng tiềm năng để phát triển tài sản kỹ thuật số, bao gồm NFT, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (IP) của họ trong nhiều lĩnh vực kinh doanh. Các nghệ sĩ và công ty giải trí Việt cũng có thể tham khảo những mô hình này để có nhiều bước tiến xa hơn trong lĩnh vực nghệ thuật NFT”, đại diện Binance chia sẻ.

Tại Việt Nam, trong năm 2021, không ít nghệ sĩ lần đầu tham gia NFT đã thu về hàng chục ngàn USD. Đáng kể nhất phải kể đến việc nghệ sĩ nhí Xèo Chu bán đấu giá thành công bức tranh Hoa Mai May Mắn trên sàn Binance NFT với giá quy đổi 23.000 USD vào tháng 8/2021. Trước Xèo Chu, Phong Lương, nghệ sĩ đồ hoạ chuyển động, Giám đốc Nghệ thuật tự do sống tại Paris và nghệ sĩ Tú Na cũng đã đưa tác phẩm lên NFT. Kết quả, Phong Lương thu về gần 7.000 USD (quy đổi), bức tranh giá cao nhất khoảng 3.000 USD; Tú Na thu về hơn 31.000 USD (quy đổi), bức tranh giá cao nhất lên tới hơn 5.000 USD.

Theo thống kê của Binance, cả 3 gương mặt trên đều lọt Top 50 nghệ sĩ có doanh thu cao nhất trên sàn NFT. Tuy nhiên, cuộc bùng nổ NFT trong nghệ thuật của Việt Nam chỉ manh nha xuất hiện ở lĩnh vực hội hoạ. “NFT của nghệ sĩ Việt vẫn chỉ là những chấm nhỏ trên bản đồ NFT toàn cầu. So với lĩnh vực GameFi thì NFT nghệ thuật vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực”, bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia sàn giao dịch Binance nhận định.

Lý giải sự chậm chân này, bà Lynn Hoàng cho rằng, thứ nhất, thị trường nghệ thuật NFT Việt Nam vẫn còn sơ khai, trong khi nhiều nghệ sĩ Việt và người dùng vẫn giữ quan niệm “nghệ thuật kỹ thuật số là miễn phí”. Thứ 2, chính vì thị trường NFT toàn cầu phát triển nóng kèm theo nhiều rủi ro, khiến không ít người ngại tham gia. Bằng chứng là một loạt vụ lừa đảo lợi dụng sức nóng của tiền mã hoá, công nghệ blockchain khiến nhiều người Việt điêu đứng trong năm 2021.

Thực tế, việc thị trường NFT bị phủ bóng bởi các hoạt động lừa đảo, thao túng hay bán với giá quá cao hoặc quá thấp nhằm đẩy giá/ trốn thuế là điều hoàn toàn có thể diễn ra. Trước câu hỏi liệu tác phẩm nghệ thuật hoặc sản phẩm giải trí có bị đẩy giá vượt giá trị thật, bà Lynn Hoàng cho biết, đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, “khi thị trường đủ lớn, hiểu biết của cộng đồng về công nghệ đủ sâu thì thị trường sẽ tự động điều chỉnh về đúng với giá trị”, bà Lynn Hoàng lạc quan.

Không phải mọi thứ đều là vàng

“Thẳng thắn mà nói không phải mọi tác phẩm NFT đều bán được và thu về khoản thu nhập lớn. Nhiều người nhầm tưởng rằng bán NFT sẽ rất nhanh giàu, đây là quan điểm không đúng. Có tác phẩm NFT trị giá hàng chục triệu USD nhưng cũng có những tác phẩm không được giao dịch”, bà Lynn Hoàng chia sẻ.

NFT: Hấp lực & rủi ro

Về mặt kỹ thuật, tạo ra một NFT không khó. Cái khó là làm sao để NFT đó được cộng đồng đón nhận. Nếu muốn tham gia vào thị trường NFT, nghệ sĩ cũng nên trang bị thêm kiến thức nền tảng về blockchain, NFT, tiền mã hoá. Ngoài ra, khi định giá một tác phẩm NFT, nghệ sĩ nên tuân theo những quy tắc chung của thị trường để tránh bị thiệt hoặc quá “ảo tưởng giá”. Trong đó có 3 tham chiếu cơ bản: độ hiếm của tác phẩm, giá trị tiện ích và tính hữu hình của tài sản NFT.

Nhấn mạnh sự khác biệt giữa việc mua tác phẩm NFT và tác phẩm nghệ thuật truyền thống, các chuyên gia trong lĩnh vực này đề cập đến tính thanh khoản nhanh chóng. Công nghệ blockchain cho phép dòng tiền trong cộng đồng lưu thông nhanh hơn và tạo ra những dòng chảy kinh tế mới, phá vỡ nhiều quy chuẩn truyền thống. Một tác phẩm NFT được định giá cao nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tác phẩm này đã được mua đi bán lại và lưu hành trên thị trường thay vì nằm im trong bảo tàng hay treo trên tường nhà.

NFT: Hấp lực & rủi ro

Ảnh: Facebook TuNa

Trở lại câu chuyện phát triển thị trường, nhằm hạn chế tối thiểu rủi ro, bà Lynn Hoàng cho rằng cần bắt đầu bằng việc giáo dục thị trường. Thứ nhất, cần xây dựng các sàn NFT theo quy chuẩn toàn cầu để có thể hỗ trợ các nghệ sĩ Việt tham gia triển lãm, bán và thu lời từ tác phẩm kỹ thuật số. Thứ 2, cần có các trung tâm, học viên chuyên môn cung cấp nền tảng hoàn toàn trung lập, chất lượng, không thiên vị và giá trị giáo dục để người dùng có thể học mọi thứ liên quan đến blockchain, bảo mật, kinh tế như cách Binance đã làm với Binance Academy. Với những người mới tham gia, việc lựa chọn một sàn giao dịch an toàn, uy tín là điều nên lưu tâm.

Trong năm 2022, tờ Variety dự đoán, bên cạnh các tên tuổi lớn Hollywood đã nêu, ViacomCBS cũng đã chuẩn bị lực lượng hùng hậu để nhảy vào thị trường NFT với loạt NFT quy mô xoay quanh các nhân vật thuộc thương hiệu như BET, CBS, Comedy Central, MTV, Nickelodeon, Paramount Pictures, Showtime. Cốt lõi của vấn đề, ngoài xu hướng còn nằm ở tính độc quyền của tác phẩm NFT. Câu chuyện về các vật phẩm NFT sẽ còn nhiều điều để kể.

Lê Phan
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư