Thaco vs Masan: Bất ngờ “đối đầu” trên đường đua bán lẻ?
Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết sẽ xây dựng các đại siêu thị Emart theo mô hình “Một điểm đến, nhiều tiện ích”. Trước đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tuyên bố biến WinMart và WinMart+ trở thành “Point of life”.
“Một điểm đến” của tỷ phú Trần Bá Dương
Cuối tháng 9/2021, thông qua Thiso Retail (công ty con của Thiso – Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ), Thaco và Emart Inc. Hàn Quốc đã hoàn tất giao dịch chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để Thaco tiếp quản hoạt động kinh doanh đại siêu thị Emart tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Phía Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hoá nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh. Trước mắt, thoả thuận sẽ kéo dài 9 năm, đến năm 2030.
Là một chuỗi siêu thị bán lẻ lâu đời và có quy mô lớn, Emart Inc. hiện đang có hơn 5.100 điểm bán hàng tại Hàn Quốc và hệ thống cửa hàng tại Mỹ, Mông Cổ và Phillippines. Theo thông tin từ Thaco, đại siêu thị Emart Phan Văn Trị Gò Vấp hoạt động từ cuối năm 2015, hiện có doanh thu trên 1 cửa hàng cao nhất khu vực Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng khách hàng thành viên đông đảo và tăng trưởng đều qua các năm.
Bên cạnh việc cung cấp hàng hoá Hàn Quốc chất lượng với giá thành phải chăng, Thaco mong muốn đẩy mạnh hợp tác tương trợ với các nhà cung cấp trong nước, gia tăng năng lực cạnh tranh và lượng hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn được bán trong hệ thống. Là nhà sản xuất nông sản quy mô lớn, Thaco kỳ vọng sẽ phân phối các mặt hàng trái cây tươi, trái cây chế biến, sản phẩm từ thịt heo, thịt bò, ngũ cốc… đạt tiêu chuẩn chất lượng với giá thành cạnh tranh qua hệ thống Emart tại Việt Nam, cũng như xuất khẩu qua hệ thống bán lẻ của Emart Inc.
Sau khi hoàn tất các công đoạn cuối của giao dịch và chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam, kế hoạch của Thaco trong thời gian sắp tới là mở rộng hệ thống đại siêu thị Emart không chỉ tại các thành phố lớn, mà còn ở các tỉnh thành khác trải dài Việt Nam.
Cụ thể, Thaco đặt mục tiêu trung hạn là mở rộng thêm 10 dự án đại siêu thị Emart đến năm 2025. Trong đó, năm 2022, Thaco sẽ đưa vào hoạt động ít nhất 2 siêu thị Emart trong khu vực TP.HCM, là nơi đặt bất động sản phức hợp của Thaco và triển khai xây dựng thêm 3 siêu thị trên cả nước. Để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng trong năm nay, Thaco đã triển khai xây dựng concept, thiết kế chi tiết các cửa hàng và các công tác vận hành.
Với tầm nhìn xây dựng mô hình “Một điểm đến, nhiều tiện ích”, Thaco hướng đến kết hợp các loại hình bán lẻ tiêu dùng như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử với tiện ích khác như trung tâm hội nghị – tiệc cưới, vui chơi giải trí trong nhà, ẩm thực và showroom trưng bày, sửa chữa ô tô – xe máy trên cùng một địa điểm.
“Point of life” của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
“Một điểm đến” cũng là điều mà Tập đoàn Masan đang theo đuổi và Masan gọi đó là “Point of life”. Sau khi mua lại VinMart, VinMart+ (nay đã đổi tên thành WinMart, WinMart+) từ Tập đoàn Vingroup, Masan đang liên tục tích hợp nhiều dịch vụ vào các siêu thị này.
Đầu tiên là dịch vụ tài chính. Từ giữa năm 2021, Masan đã bắt đầu đưa các cửa hàng Techcombank vào bên trong các siêu thị WinMart+. Ông Danny Le, CEO Masan từng tiết lộ rằng, đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỉ USD tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 50 triệu khách hàng.
Hồi tháng 5/2021, Masan từng chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần Phúc Long, và đến đầu năm 2022 mua thêm 31% với giá 110 triệu USD, biến Phúc Long trở thành công ty con. Qua đó, Masan đặt các kiosk Phúc Long ngay bên trong các siêu thị WinMart+.
Bên cạnh dịch vụ tài chính và đồ uống take away, Masan còn đưa dịch vụ số (Mobicast) và nhà thuốc (Phano Mart) vào các siêu thị, với mục tiêu là để khách hàng chỉ cần bước chân vào một cửa hàng Winmart+ là có thể được phục vụ tất cả các dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, bản thân WinMart và WinMart+ cũng đang là nơi phân phối cực kỳ hiệu quả cho các sản phẩm do Masan sản xuất, như thịt, mì ăn liền, gia vị...
Như vậy, có thể thấy, Masan và Thaco đang có khá nhiều điểm tương đồng khi cùng sản xuất nông nghiệp và cung cấp cho các siêu thị mà mình quản lý, được điều hành bởi các tỷ phú đô la (Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh). Điểm khác biệt giữa 2 bên là Thaco cung cấp thêm các dịch vụ liên quan đến ô tô, xe máy, tổ chức sự kiện tại các đại siêu thị lớn, trong khi các dịch vụ gia tăng của Masan là ngân hàng, viễn thông, dược phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cỡ nhỏ.
Với việc các tỷ phú mạnh tay cho cuộc chơi bán lẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm tới hứa hẹn sẽ tiếp tục cạnh tranh khốc liệt.
Hà My
Nguồn CafeBiz