Xu hướng startup 2022
Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.
Với dân số trí thức trẻ, độ phủ Internet mạnh, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao (70% dân số), cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam đang tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư lẫn công ty công nghệ.
Dòng tiền mạnh
Theo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, trong năm 2021, vốn đầu tư rót vào các startup của Việt Nam đã lên tới hơn 1,35 tỉ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn lớn là công nghệ tài chính, game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử... và Việt Nam đã có thêm 2 kỳ lân chính là ví điện tử MoMo và ví điện tử VNPay. Những thương vụ gọi vốn lớn gây tiếng vang như Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD, VNLife 250 triệu USD, MoMo 300 triệu USD, Sky Mavis 152 triệu USD, EQuest 100 triệu USD...
Bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Zone Startups Việt Nam chia sẻ: “Dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào startup Việt sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022, nhưng sẽ có sự phân hoá. Nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi các startup chứng minh được khả năng thu hút người dùng lớn như MoMo, Tiki thì tiền đầu tư đổ vào các startup sẽ ngày càng nhiều hơn”.
Đáng chú ý, theo bà Quỳnh Võ, trong năm 2022, có thể sẽ có một làn sóng các thế hệ nhà sáng lập cũ từ 4-5 năm trước quay trở lại khởi nghiệp một công ty mới, khi các nhà sáng lập của startup đã dần hiểu được thị trường và hiểu được đường đi đúng đắn cho một startup. Đây cũng là một làn sóng đã diễn ra tại nhiều nước phát triển, hay trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia. Từ lâu nay, các vòng gọi vốn hạt giống thường chỉ nhận được các khoản đầu tư từ 100.000 – 500.000 USD. Tuy nhiên, các startup của Việt Nam đang dần bắt kịp với những nước phát triển trong khu vực và quốc tế, khi một vòng hạt giống có thể lên tới 1-2 triệu USD, như Fundiin đã gọi được 1,8 triệu USD.
Những người này đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm về triển khai một công ty startup, tập hợp đội ngũ nhanh, triển khai công nghệ nhanh, biết các bước cần phải làm gì để gọi vốn. Họ cũng quen mặt với các quỹ đầu tư, nên khi công ty mới chứng minh được thành công bước đầu, giới đầu tư cũng dễ dàng tin tưởng và chi ra một số tiền lớn hơn.
Hơn nữa, các startup hiện nay đã ít “đốt tiền” để thu hút một lượng lớn người dùng. Các chiến lược nay đã hướng tới nhiều khách hàng tiềm năng và có chọn lọc. Thế hệ nhà sáng lập mới hiện đã tốt hơn rất nhiều so với 4-5 năm về trước. Điều này cũng giải thích cho việc các vòng đầu tư cho startup Việt Nam trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều tiền hơn.
IPO hay ICO?
Vị trí của Việt Nam đang có nhiều thay đổi tích cực trên bản đồ blockchain và tiền số của thế giới. Theo dữ liệu về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) do Chainalysis thống kê từ 154 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng đầu với điểm tuyệt đối là 1. Các dự án tiền mã hoá do người Việt sáng lập như Axie Infinity, Coin98 hay TomoChain đã tạo được dấu ấn trên thị trường.
Vì vậy, rất nhiều startup đang có xu hướng phát hành coin lần đầu tiên (ICO) thay vì phải lựa chọn IPO để thu hút đầu tư từ cộng đồng, một phương án khó khăn và nhiều thủ tục.
Về vấn đề trên, bà Quỳnh Võ nhận định: “Điều này phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược của nhà sáng lập. Tuy nhiên, đa phần các nhà sáng lập đang có xu hướng bị FOMO (Sợ bị bỏ lỡ – Fear Of Missing Out). Do đó, các startup cần phải suy nghĩ rất kỹ trước khi quyết định ICO”.
Suy cho cùng, IPO hay ICO không phải là đích đến của một startup. Theo bà Quỳnh Võ, đích đến cuối cùng của một startup chính là con đường công ty sẽ đi như thế nào và sản phẩm của mình có phù hợp với khách hàng hay không. Đơn cử như VNG, kỳ lân đầu tiên của Việt Nam, vẫn chưa hề tiến hành IPO, nhưng công ty lại tạo ra văn hoá và sản phẩm có chất lượng. “IPO rất tốt nhưng không IPO cũng không sao, thậm chí các startup có sản phẩm tốt, có lãi thì công ty đã có thể tự vận hành”, bà Quỳnh Võ nói.
Bảo Trung
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư