Đừng để họ đơn độc
Tôi tin chắc rằng, khi chọn chai nước rửa chén nổi tiếng của một tập đoàn đa quốc gia trong giỏ hàng đi siêu thị, hầu hết các bà nội trợ không biết rằng, ông chủ của thương hiệu Mỹ Hảo đình đám một thời đã từ chối một giá trị cực lớn, lên tới 30 triệu USD để giữ lại thương hiệu của mình.
Bởi ông lo, nếu không có đối trọng, nếu để thương hiệu ngoại một mình một chợ, người tiêu dùng trong nước sẽ phải mua chai nước rửa chén với giá gấp đôi, gấp ba hiện tại.
Chủ động bán hay bị thâu tóm; bán được giá hay buộc phải nhường đứa con mà mình thai nghén, nuôi dưỡng và kỳ vọng cho đối thủ; sai lầm khi chọn đối tác hay bị o ép ngay trên sân nhà... cách này hay cách khác, hàng loạt thương hiệu Việt nổi tiếng hoặc bị xóa sổ hoặc đã âm thầm đổi chủ chỉ trong 1 thập niên qua. Ai đó có thể nhận xét về các vụ M&A thành công, về những lựa chọn khôn ngoan khi giao thương hiệu cho người mạnh hơn để tồn tại... Cá nhân tôi tin rằng, không có ông chủ nào khi gây dựng thương hiệu lại muốn có kết cục đó. Nên ông chủ của thương hiệu Dạ Lan sau bao năm bị thôn tính, nay vẫn quyết tâm gây dựng lại dù biết rằng, con đường phía trước gập ghềnh, gian khổ hơn rất nhiều. Ngay cả các doanh nhân chủ động sang nhượng thương hiệu của mình với giá hời vẫn không hề muốn nhắc đến chuyện này. Có quá nhiều yếu tố khiến họ không thể đi đến cuối ước mơ xây dựng một thương hiệu Việt đủ mạnh, đủ lớn, đủ uy tín để khi nhắc tới, người tiêu dùng thế giới biết đó là Việt Nam. Như Samsung của Hàn Quốc, Honda của Nhật, Walmart của Mỹ...
Một thương hiệu quốc gia trước hết phải là thương hiệu mạnh tại thị trường nội địa. Dù chưa thể có thương hiệu quốc gia nhưng chúng ta không thiếu các thương hiệu mạnh trong nước. 15 năm trước, Dạ Lan đã từng đánh bại kem đánh răng Trung Quốc tại thị trường phía bắc; Mỹ Hảo đã từng chiếm trên 50% thị phần trước khi Sunlight xuất hiện; Diana, Phở 24 khiến các đối thủ ngoại phải thèm thuồng về sự vững mạnh, bài bản trong chiến lược phát triển của mình... Ngày nay, Vinamilk vẫn "thống trị" thị trường sữa nội địa trước sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu sữa lớn trên thế giới và đã xuất khẩu qua nhiều nước trên thế giới; Cà phê Trung Nguyên ngày càng không thể thiếu với rất nhiều người tiêu dùng nội địa bất chấp sự du nhập của văn hóa cà phê tự phục vụ trên thế giới đổ vào Việt Nam. Ông chủ của thương hiệu này cũng đang lên kế hoạch sản xuất cà phê ngay trên đất Mỹ; Kinh Đô sử dụng chính chiêu M&A mà các đối thủ ngoại dùng thôn tính các doanh nghiệp Việt để lớn mạnh... Đó là những thương hiệu hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành thương hiệu quốc gia nhưng chỉ nỗ lực của họ thôi thì chưa đủ.
Họ cần sự ủng hộ của người tiêu dùng trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hội nhập; cần sự giúp sức của các nhà phân phối để thương hiệu Việt không bị lấn át trên chính quầy, kệ trưng bày trong siêu thị, trong cửa hàng bán lẻ.
Họ cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hàng lậu, hàng gian, hàng giả. Họ cần những hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Cũng là sự bình đẳng bởi đó là vấn đề mà hàng hóa Việt buộc phải đối mặt khi xâm nhập vào nước khác.
Họ cần bệ phóng từ các cơ chế, chính sách đặc biệt từ phía Chính phủ, các bộ ngành để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thành thương hiệu quốc gia.