Công dân số trong quốc gia số

Công dân số trong quốc gia số

Nhiều quốc gia đã hướng đến xây dựng nền giáo dục số để đào tạo các thế hệ công dân số nhằm làm chủ quốc gia số.

Sự bùng phát dịch COVID-19 đã khiến nhiều trường học trên thế giới cũng như Việt Nam phải đóng cửa, học sinh đột ngột bị ngừng học trong một thời gian dài. World Bank dự đoán việc học sinh bị thất học sẽ dẫn đến một khoản thiệt hại về thu nhập trong tương lai tương đương 10.000 tỉ USD.

Thúc đẩy tiến trình số hoá giáo dục

Đứng trước thách thức này, công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong hoạt động giáo dục và đào tạo trên toàn cầu theo những cách sáng tạo trong suốt 2 năm qua để duy trì việc dạy và học. Một nghiên cứu của Economist Intelligence Unit cho thấy 85% nhà giáo cho rằng đại dịch đã thúc đẩy tiến trình số hoá giáo dục trước 10 năm và 93% học sinh tin rằng giáo dục trực tuyến sẽ tốt cho việc học tập của họ. Rõ ràng, công nghệ không chỉ là công cụ để duy trì việc học tập và giảng dạy trong giai đoạn đại dịch mà đang là nhân tố thúc đẩy hiệu quả cho sự phát triển của giáo dục số.

Tại Việt Nam, giáo dục cũng là một lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số, bởi giáo dục chuyển đổi số thành công sẽ giúp thay đổi nhận thức con người một cách nhanh nhất, tạo động lực chuyển đổi số cho các ngành nghề khác. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa xây dựng bộ tiêu chí, chỉ số đánh giá chuyển đổi số các cơ sở giáo dục và đào tạo dựa trên tiêu chí bám sát nội dung chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Công dân số trong quốc gia số

Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Đại dịch COVID-19 có thể coi là cú hích với các trường học trong cả nước để tăng tốc tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo. Trong 2 năm qua, tỉ lệ học sinh học trực tuyến đã đạt 80% trên cả nước”.

Các khoản đầu tư công nghệ giáo dục (EdTech) cũng trở nên sôi động. Các công ty EdTech đang đứng trước tiềm năng tiếp cận xấp xỉ 16 triệu học sinh cấp tiểu học/phổ thông và 1,7 triệu sinh viên đại học. Tổ chức EdTech Agency cho biết, Việt Nam đang là 1 trong số 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng EdTech lớn nhất thế giới.

Các báo cáo của Do Ventures cũng nhận định, EdTech là lĩnh vực đang được đầu tư nhiều thứ 3 tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực này giai đoạn 2019-2020 là 103 triệu USD, chỉ đứng sau thanh toán (462 triệu USD) và bán lẻ (416 triệu USD). Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures, đánh giá: “Giáo dục trực tuyến ở Việt Nam vẫn là ngành được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nhất là khi COVID-19 khiến nhu cầu học trực tuyến tăng vọt trong thời gian qua”.

4 trụ cột & 3 việc lớn

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển xã hội giáo dục giai đoạn 2021-2030 (Đề án xã hội giáo dục) nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% trường đại học sẽ áp dụng giáo dục kỹ thuật số và phát triển tài liệu học tập kỹ thuật số. Ngoài ra, 80% các trường trung học, cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề sẽ thực hiện quản lý, dạy và học trong môi trường kỹ thuật số.

Có thể thấy, ứng dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất cho giảng dạy và học tập. Ở đó, nhiều công nghệ của kỷ nguyên internet được tận dụng để hình thành các trường học thông minh. Chẳng hạn, trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể dễ dàng được sử dụng để chuyển đổi các thành phần như kiểm tra và phân loại. Các thuật toán tự động có thể tiết kiệm thời gian bằng cách kiểm tra bài tập nhanh hơn con người. Big Data có thể theo dõi và dự đoán hiệu suất của sinh viên và điều chỉnh thời gian thực của chương trình giảng dạy ở trường...

Việc học tập sẽ theo xu thế người dạy cung cấp tài liệu học phù hợp với trình độ và vốn kiến thức của từng học sinh. Giáo viên có thể phát hiện điểm yếu của từng học sinh và giúp các em khắc phục. Điều này đảm bảo học sinh được phát triển theo trình độ riêng và thu về kết quả tốt nhất. Robot và các ứng dụng trợ giúp cá nhân giúp thiết kế các hệ thống dạy và học linh hoạt hơn, mang lại lợi ích cho tất cả học sinh, đặc biệt là những học sinh khuyết tật.

Công dân số trong quốc gia số

Từ “lựa chọn”, chuyển đổi số trở thành “sống còn” đưa công nghệ giáo dục phát triển nhanh hơn cả chục năm
Ảnh: shutterstock

Đại diện của Microsoft cho rằng, tương lai của giáo dục là học tập kết hợp – hybrid learning và để thực hiện được điều đó, Microsoft đã xây dựng Khung Chuyển đổi số Giáo dục dựa trên nghiên cứu và nhiều thập kỷ làm việc với các nhà hoạch định chính sách, nhà lãnh đạo trường học và nhà giáo dục trên thế giới, thông qua 4 trụ cột chính: Lãnh đạo và chính sách; Dạy và học; Môi trường thông minh; Sự thành công của học sinh và nhà trường.

“Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc dạy và học, mà phạm vi vô cùng rộng lớn. Ở đó, tất cả các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện sẽ được đặt trong nền tảng số để vận hành”, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết.

Công dân số trong quốc gia số

Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục không khó về công nghệ mà vấn đề ở nhận thức, thay đổi thói quen, cùng với đó là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số giáo dục... Theo đó, ngành giáo dục có 3 việc lớn cần làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó để xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng nhà trường thông minh.

Từ “lựa chọn”, chuyển đổi số trở thành “sống còn” đưa công nghệ giáo dục phát triển nhanh hơn cả chục năm. Và một điều chắc chắn khi các em học sinh ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận máy tính và internet, tiếp cận với những bài giảng hay, cơ hội bình đẳng trong giáo dục sẽ cao hơn. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau những lợi ích mà giáo dục mang lại.

Hà Cúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư