Những người ngược đường

Những người ngược đường

Vất vả hồi sinh khi VPBank bên bờ vực phá sản, vậy nhưng khi con thuyền trở lại đúng quỹ đạo, ông Lê Đắc Sơn lại chọn rời đi để viết tiếp giấc mơ đã khởi đầu.

Có 2 người con đều giỏi giang, học hành bài bản, ông Sơn cũng không gò ép nối nghiệp gia đình. Thành công theo quan niệm của ông là được nhìn thấy con hạnh phúc trên con đường đã chọn.

Cuộc hồi sinh ngoạn mục

Sau khi tốt nghiệp khoa Kinh tế Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Lê Đắc Sơn được giữ lại trường làm giảng viên. Chưa bao lâu thì ông tham gia quân đội, vào công tác tại Vũng Tàu. Sau khi giải ngũ, ông tiếp tục về công tác tại trường cho đến khi được cử sang Ba Lan học Tiến sĩ vào năm 1989. Để sống gần gia đình, một năm sau, ông đón cả nhà sang Ba Lan.

Khi Liên Xô sụp đổ, ông quyết định ở lại Ba Lan. Nhờ chịu khó kinh doanh ngoài giờ học, chẳng bao lâu, ông Sơn tích luỹ được số vốn kha khá. Thay vì tìm cách sang Mỹ như nhiều Việt kiều, ông tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Năm 1994, nhân chuyến về Việt Nam, ông Sơn đầu tư 550.000 USD mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam – VPBank và trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này với ý định để dành cho con.

Ở giai đoạn vàng son, lợi nhuận trước thuế của VPBank khiến các nhà đầu tư nức lòng. Năm 1994 là 10 tỉ đồng, năm 1995 đã là 30 tỉ đồng, năm 1996 là 70 tỉ đồng. Vốn điều lệ của VPBank tăng từ 20 lên 70 rồi vọt lên 174,9 tỉ đồng vào cuối năm 1995.

Tuy nhiên, những vết nứt cũng dần xuất hiện vì sự mưu cầu lợi ích cá nhân và cách quản trị sai lầm của Hội đồng quản trị. Toàn bộ vốn của cổ đông có nguy cơ mất trắng. Trước nguy cơ phá sản, năm 1998, VPBank tổ chức Đại hội cổ đông nhiệm kỳ II và bầu ra Hội đồng quản trị mới, trong đó có ông Sơn. Đắn đo về thực trạng tài chính của ngân hàng, ông Sơn xin rút khỏi Hội đồng quản trị.

Tuy nhiên, tại Đại hội cổ đông thường niên, ông được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị, trực tiếp phụ trách công tác thu hồi nợ quá hạn. Tất nhiên, quyết định này của ông bị người thân và bạn bè ra sức ngăn cản. Nghĩ đến số nợ gần 2.000 tỉ đồng của VPBank lúc đó, ai cũng ngán ngẩm. Nhưng ông Sơn vẫn kiên quyết.

“Nếu VPBank bị giải thể thì danh dự của tôi sẽ không còn. Nhưng tôi cũng nhìn thấy trong đó một cơ hội. Một cơ hội hiếm có, đồng thời là thách thức lớn nhất đời tôi”, ông Sơn hồi tưởng. Từ năm 2002-2009, ông Sơn chính thức trở thành Uỷ viên thường trực Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPBank.

Những người ngược đường

Sau 1 năm về với VPBank, ông Sơn đã nâng mức lợi nhuận của ngân hàng từ 1,9 tỉ đồng lên 20,6 tỉ đồng. Con số này qua các năm 2003, 2004 lần lượt là 42,8 tỉ đồng và 50 tỉ đồng. Dưới sự lèo lái của ông, con thuyền sắp đắm VPBank hồi sinh một cách ngoạn mục.

Khi hoạt động VPBank dần đi vào ổn định, ông Sơn chọn trở về với giấc mơ làm thầy giáo thời niên thiếu mà ông đã bỏ dở. Cuối năm 2004, ông cùng 11 nhà giáo và các nhà khoa học dưới sự bảo trợ của Tổng hội Xây dựng Việt Nam thành lập dự án Trường Đại học Đại Nam. Từ tháng 8/2009, ông rời VPbank và tập trung cho giáo dục. Đây có lẽ mới là đích đến và tâm nguyện lớn nhất của chàng trai Lê Đắc Sơn bước chân ra từ vùng quê Bắc Ninh. Ông gửi gắm ước mơ này trên con đường khởi nghiệp của những người con. Tháng 4/2021, Đại học Đại Nam khởi công xây dựng quần thể trường giai đoạn 2 tại Hà Đông, Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.800 tỉ đồng.

Mở hướng đi riêng

Lê Đắc Lâm, Lê Đắc Giang – 2 người con trai của ông Sơn đã không khiến bố thất vọng. Lê Đắc Lâm quyết đoán, hiểu lòng người và tham vọng nhưng cũng rất điềm tĩnh và an nhiên. Lê Đắc Giang thích xông pha, tự do và kín tiếng. Tuy nhiên, cả 2 đều toát lên khí chất được thừa hưởng từ bố: độc lập, bản lĩnh, không ngại gian khó, đam mê công việc, có phong thái sống giản dị và học thức của một gia đình tri thức.

Những người ngược đường

Ông Lâm từng chia sẻ quan điểm về thành công: “Với tôi, được bố mẹ cho ăn học, biết tiếng Anh, đi du học Mỹ đã là may mắn quá lớn. Về nước lại được tiếp xúc với những người thành đạt, được họ truyền cho mình cảm hứng là may mắn tiếp theo. Khi đi làm được tham gia những thương vụ đình đám, có kinh nghiệm làm những dự án áp lực. Khi khởi nghiệp, tôi có cảm giác nếu thất bại vẫn có lựa chọn thứ 2, không nhất thiết phải làm việc cho bố mẹ mà vẫn có thể đi làm thuê được. Những may mắn đó giúp tôi bình tĩnh hơn để đưa ra quyết định chính xác khi đối mặt với những lựa chọn khó khăn”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Washington, ông Lâm về nước làm việc cho các quỹ đầu tư như Indochina Land, VPREIT, Indochina Capital trong nhiều vị trí khác nhau. Năm 2014, ông và cộng sự sáng lập Vntrip – nền tảng đặt phòng khách sạn, vé máy bay, combo du lịch trực tuyến. Thời gian đầu, nguồn lực còn hạn hẹp, ông phải mượn một phòng học tại Đại học Đại Nam của bố mẹ làm văn phòng, đặt chiếc nệm nhỏ để nhân viên làm việc muộn có thể ngủ lại.

Những người ngược đường

Khi được hỏi lý do không nối nghiệp bố làm ngân hàng hay giáo dục, ông Lâm cho rằng, làm chung với gia đình luôn khá phức tạp và gò bó. “Làm việc với các bậc phụ huynh, có rất nhiều cái khó để có thể trao đổi sòng phẳng. Vì thế, tôi thích tự làm bên ngoài và nếu sau này có tiếp quản lại thì khi ấy mình cũng có một vị thế khác, không chỉ với bố mẹ mà cả với nhân viên trong các công ty của gia đình”, ông Lâm nói.

Với số vốn 10 tỉ đồng, sau 18 tháng, Vntrip được định giá 300 tỉ đồng sau lần gọi vốn đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, Vntrip đã huy động thành công gần 20 triệu USD, song cũng đối mặt với nhiều thách thức vì COVID-19. “Một trong những lựa chọn khó nhất là quyết định làm gì và không làm gì”. Dịch bệnh đẩy Vntrip vào tình thế phải chọn cái tốt nhất để làm. Để phát triển công ty theo định hướng mới, từ tháng 10/2021, ban lãnh đạo Vntrip đã bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Việt làm CEO, ông Lâm chuyển sang vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy phải nuối tiếc điều gì cả vì bản thân luôn cố gắng nhìn mọi thứ một cách tích cực. Ngày xưa, có lần đi vào chùa, bị người ta lấy mất đôi giày, tôi chỉ nghĩ may mắn vì hôm đó trời không mưa và có thể đi bộ về nhà mà không bị ướt chân. Cho nên, kể cả ngày mai nếu có thất bại, tôi cũng sẽ xem đó là bài học để rút kinh nghiệm, để làm lại từ đầu. Đối với tôi, chỉ cần có sức khoẻ và một gia đình hạnh phúc, tất cả những thứ khác mình sẽ vượt qua được hết”, ông Lâm bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Lâm hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đại Nam, Chủ tịch VTVcab Sport, Chủ tịch Vietfootball, Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghệ và Chuyển đổi số thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đồng thời là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội này.

Những người ngược đường

Khác với anh trai, ban đầu Lê Đắc Giang sang Mỹ học y với suy nghĩ đơn giản “chọn ngành học có thể kiếm nhiều tiền”. Về sau, do không đủ nhiệt huyết, cũng không có quá nhiều động lực để kiếm nhiều tiền, Giang chuyển sang học kinh tế, ngành học mà theo Giang là “dễ và chung chung, có thể áp dụng cho nhiều việc”. Ra trường, Giang thử sức ở một vài công việc, có thời gian làm ở ngân hàng với chức vụ cao, nhiều cơ hội nhưng anh vẫn từ bỏ vì môi trường tốt cũng “khó mà giúp được một người không muốn tự giúp bản thân”.

Cho đến khi nhận thấy mô hình review phim trên YouTube khá phổ biến tại nước ngoài nhưng ở Việt Nam chưa có, Giang và vài người bạn bắt tay xây dựng Phê Phim. Đó cũng là lúc Giang tìm thấy được điều anh thích và muốn thực sự theo đuổi.

Hiện Phê Phim đã có đến 1,39 triệu lượt đăng ký, thu hút tổng cộng hơn 316 triệu lượt xem, trở thành địa chỉ tin cậy của các “mọt phim” Việt. Không chỉ dừng lại ở mảng phim ảnh, hệ sinh thái YouTube của Giang còn phát triển thêm các kênh như Phê Truyện, Phê Game, Phê Vlogs, đều đạt vài trăm ngàn lượt theo dõi.

Giang chia sẻ, từ nhỏ tới lớn bố mẹ chưa từng bắt ép điều gì. Thấy con trai làm việc vui vẻ lại có thể kiếm ra tiền nên bố mẹ luôn ủng hộ. Tất nhiên, để đạt được thành quả hiện tại, Giang đã không ngừng trau dồi kiến thức, tìm hiểu cách làm nội dung sao cho hấp dẫn người xem sau những ngày đầu lúng túng, thậm chí có chút bối rối mỗi khi ai đó hỏi “làm nghề gì” vì sợ mọi người nghĩ YouTube là những thứ linh tinh.

“Hãy làm việc chăm chỉ, chắc chắn phải rất cố gắng và luôn luôn học hỏi, thử thách chính những quan niệm, giá trị của bản thân vì chưa chắc bạn đã đúng. Phải đi vào vùng nguy hiểm, có chó sói thì mới tìm được chính mình”, Giang đúc kết.

Hoàng Linh Lan
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư