Vượt vũ môn IPO
Kết nối startup với các nguồn vốn từ cộng đồng để giúp họ tiến nhanh hơn trên đường trở thành những kỳ lân mới.
Tỉ phú người Thuỵ Sĩ Axel Schultze, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo thế giới, cho biết các nền kinh tế giàu có từng xuất khẩu về vốn và nguồn lực trước đây như Luxembourg, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông... đã không xuất hiện trong bản đồ các nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Thay vào đó là những nước có công nghệ thông tin phát triển. Điều này cho thấy, ý tưởng đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực phát triển của doanh nghiệp mà còn là động lực phát triển của các nước lớn hiện nay, và là những gì mà phần còn lại của thế giới đang cần.
Kỳ lân thế hệ thứ 2
Việt Nam cũng đặt nhiều kỳ vọng vào giới khởi nghiệp công nghệ trong định hướng trở thành nền kinh tế số vào năm 2030. Thực tế, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam liên tục tăng, năm 2021 tăng 9 lần so với năm 2015 và đã lên hơn 1,3 tỉ USD. Điều này cho thấy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm, kiến tạo của Nhà nước và sự tham gia tích cực của nhà đầu tư.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn mạnh và đa dạng trong những năm gần đây. Số lượng startup tăng nhanh, từ 400 doanh nghiệp năm 2012 lên 4.000 doanh nghiệp năm 2020, thu hút gần 100 quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều startup đã phát triển thành công ty lớn mạnh như MoMo, VNG, VNPay, Axie Infinity...
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service), cơ quan chủ quản của ví điện tử MoMo, công bố đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) sau khi nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Sau thương vụ này, định giá của M_Service đạt 2,27 tỉ USD, đủ điều kiện để được gọi là “kỳ lân công nghệ” mới nhất của Việt Nam.
Bên cạnh thương mại điện tử, logistics, FinTech, còn nhiều mảng kinh tế khác cũng đang nuôi dưỡng, hình thành các doanh nghiệp triệu USD – nền tảng để bứt phá thành kỳ lân như EdTech hay HealthTech. Chẳng hạn, các công ty EdTech của Việt Nam đang đứng trước tiềm năng tiếp cận xấp xỉ 17 triệu học sinh phổ thông, hơn 5 triệu trẻ mầm non và hơn 1,7 triệu sinh viên đại học. Theo Ken Research, thị trường EdTech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023. Nhiều công ty nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra tiềm năng này và kết quả là sự đổ bộ của một số tên tuổi lớn tại đây như Duolingo, Age of Learning, Ruangguru, upGrad và Snapask...
“Tinh thần đổi mới sáng tạo đã có ở Việt Nam, các yếu tố tăng tốc cũng đã có, Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc trong tương lai”, tỉ phú Axel Schultze nói. Sự xuất hiện của những kỳ lân thế hệ thứ 2 tại Việt Nam như MoMo đang góp phần hiện thực hoá mục tiêu nuôi dưỡng được 10 kỳ lân trong 10 năm tới. Theo ông Eddie Thái, Giám đốc Quỹ 500 Startups Vietnam, mục tiêu đạt con số 10 kỳ lân công nghệ tại Việt Nam là khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông Eddie nói hệ sinh thái startup của Việt Nam đã phát triển và quỹ của ông cần thay đổi chiến lược để bắt kịp xu thế mới.
Khơi nguồn vốn nuôi startup
Tuy nhiên, startup cần nhiều hơn thế để trở thành những kỳ lân trong tương lai. Đó là vai trò của quỹ mạo hiểm (venture capital), các nhà đầu tư thiên thần (angel investor), hay gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). Tại Việt Nam, hiện có gần 180 quỹ đầu tư hoạt động, với nhiều tên tuổi như VSV Capital – Vietnam Silicon Valley, Nextrans, Mekong Capital, Vietnam Investments Group, 500 Startups Vietnam, IDG Ventures Vietnam, sẵn lòng cho cuộc chơi biến các công ty startup thành những kỳ lân mới.
“Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực và trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ hướng mạnh vào 3 lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech), công nghệ giáo dục (EdTech) và công nghệ y tế (HealthTech). Nuôi dưỡng startup trong những lĩnh vực sôi động này trở thành kỳ lân như MoMo cũng là mục tiêu của chúng tôi cũng như không ít quỹ đầu tư”, bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết.
Ngoài việc đổi mới sáng tạo, cũng cần kết nối startup với nhà đầu tư để chuẩn bị các điều kiện IPO. Bởi vì, trong năm 2021, những quốc gia trong khu vực ASEAN đã ghi nhận 54 thương vụ IPO của các doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng giá trị 5 tỉ USD. Trong khi tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm chưa ghi nhận được thương vụ nào. Nhiều startup Việt Nam như Base, Cốc Cốc, Tiki, Topica... phải tìm đường đăng ký kinh doanh ở nước ngoài vì cơ hội gọi vốn, các chính sách ưu đãi, hệ sinh thái cho doanh nghiệp ở những nơi này rất phát triển và hoàn chỉnh.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (SIHUB), cho biết trong hơn 2 năm qua, đơn vị đã xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm 14 học phần. Sau 2 lớp thí điểm đầu tiên, đến nay Sở đang đào tạo khoá thứ 7 với tổng số hơn 500 học viên đại diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chương trình này giúp doanh nghiệp quản trị, tổ chức công ty một cách chuẩn mực để hướng đến IPO trong tương lai. Trong 3 năm tới, chương trình dự kiến thu hút thêm khoảng 2.000 – 3.000 doanh nghiệp quan tâm và có tiềm năng để đào tạo IPO. Trong số này, dự kiến có khoảng 200 – 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO”, ông Tước cho biết.
Việt Nam là một nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng về nhân lực và thị trường để phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, thị trường chứng khoán của Việt Nam đang trên đà bùng nổ mạnh mẽ. Vì vậy, khả năng gọi vốn, tăng vốn của các startup công nghệ thông qua IPO tại thị trường trong nước được đánh giá là hoàn toàn khả thi.
Thư Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư