Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng gì cho năm 2022?
Trải qua năm 2021 nhiều sóng gió, Việt Nam bước vào năm 2022 với kỳ vọng về một sự ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới – trạng thái sống chung với COVID-19 sau thành công của chiến dịch bao phủ vaccine.
Nhận định về năm 2022, CEO Sợi Thế Kỷ đánh giá ngành dệt may Việt Nam nói chung và ngành sợi nói riêng sẽ được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực.
Đó là nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ tiếp tục cao trong khi thị trường EU và Nhật Bản sẽ phục hồi tốt hơn. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được phục hồi so với trước khi bùng phát dịch bệnh vì tăng độ phủ vaccine và Chính phủ đã áp dụng chiến lược sống chung với COVID-19.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn áp dụng Zero Covid sẽ dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất khi có ca dương tính. Đây cũng là rủi ro cho các nhà mua hàng từ Châu Âu, Châu Mỹ khi đặt hàng từ Trung Quốc. Mặt khác, chi phí của đối thủ cạnh tranh (chủ yếu là Trung Quốc) đã và tiếp tục tăng lên do nhân công và môi trường.
Ngoài ra, ngành sợi polyester filament còn sẽ được bảo vệ tốt hơn do Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Cuối cùng, một xu hướng nổi bật hiện nay là thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt được zero net carbon vào năm 2050, một trong các biện pháp mà các thương hiệu sẽ tích cực áp dụng là tăng tỷ trọng sợi polyester tái chế trong tổng lượng sợi polyster sử dụng. Điều này tạo ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất sợi polyster tái chế.
Với nhiều yếu tố tích cực, Sợi Thế Kỷ dự kiến đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.500 tỉ đồng (trong đó sợi tái chế sẽ chiếm trên 50%) và lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỉ đồng, cùng tăng 25% và 7,7% so với mức kỷ lục đạt được trong năm 2021.
Chủ tịch Dệt may Thành Công cho rằng với độ phủ vaccine và quyết sách của Chính phủ sống chung dịch bệnh thì mọi thứ sẽ ổn định lại dần dần. Dù vậy, COVID-19 vẫn là biến số cho tất cả doanh nghiệp, không loại trừ khả năng xuất hiện một biến thể nguy hiểm khác.
Đối với ngành dệt may, triển vọng năm 2022 sẽ tốt hơn năm 2021, bằng chứng là đơn hàng đang dồi dào. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đơn hàng cho đến hết quý II, riêng Thành Công nhận tiếp cho đến tháng 7 và 8.
Nguyên nhân đến từ nhu cầu phục hồi ở nhiều thị trường, chủ yếu là Mỹ và mối quan hệ thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc căng thẳng. Vào cuối năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cấm nhập khẩu hàng hoá từ Tân Cương liên quan đến những cáo buộc “vi phạm nhân quyền”. Qua đó, các công ty của Mỹ không được sử dụng nguồn nguyên liệu từ vùng này. Địa phương này là nhà cung cấp lớn về bông của Trung Quốc. Do vậy, các công ty Trung Quốc chỉ có thể mua tại Việt Nam, điều này lý giải tại sao xuất khẩu sợi và vải Việt Nam tăng mạnh thời gian qua.
Tương tự, các nhãn hàng Mỹ cũng không đặt hàng Trung Quốc mà chuyển qua Việt Nam để có nguồn gốc xuất xứ không phải từ bông Tân Cương. Thêm vào đó, chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng cao, không còn lợi thế nhân công rẻ như giai đoạn trước.
Một điểm nữa là Trung Quốc có cam kết lượng thải CO2 trong hội nghị COP26, buộc phải dành năng lượng cho những lĩnh vực ưu tiên tạo ra có giá trị cao, những sản phẩm mang lại giá trị thấp trong chuỗi dệt may không còn ưu tiên. Vì vậy, những hàng hoá Trung Quốc không ưu tiên sản xuất nữa đổ về Việt Nam.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), trong kịch bản tích cực với giả định COVID-19 được kiểm soát và kinh doanh duy trì hoạt động bình thường mới, xuất khẩu dệt may năm 2022 khoảng 42,5 - 43 tỉ USD, tăng trưởng 2 con số. Lãnh đạo TCM đánh giá đây là kịch bản khả thi.
Với riêng Thành Công, trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ duy trì mảng sợi và vải nhưng đẩy mạnh mảng may. Nhà máy may Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào vận hành từ cuối quý I, kỳ vọng đến quý III hoặc IV có thể đạt công suất thiết kế 9 triệu tấn sản phẩm/năm.
Lãnh đạo Bamboo Capital cho biết năm 2022 có điểm rơi lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch đã công bố tại ĐHĐCĐ năm 2021. Theo kế hoạch cũ thì 2022 dự kiến đạt 971,5 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Song, do thời điểm bàn giao dự án Malibu Hội An được chuyển sang năm 2022 thay vì cuối năm 2021 nên BCG sẽ ghi nhận doanh thu đáng kể từ mảng bất động sản.
Trong định hướng chiến lược, Bamboo Capital lấy năng lượng tái tạo và hạ tầng làm hai mũi nhọn kinh doanh. BCG Energy sẽ tập trung triển khai và COD các dự án điện gió tại Sóc Trăng, Trà Vinh cũng như triển khai các dự án cánh đồng năng lượng mặt trời và hệ thống điện mặt trời áp mái tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vốn còn nhiều dư địa. Mục tiêu của BCG Energy là đạt công suất 2 GW và IPO quốc tế vào khoảng năm 2025.
Tracodi sẽ tận dụng cơ hội từ thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tham gia đấu thầu các dự án PPP quy mô lớn, từ đó gia tăng hồ sơ năng lực, đạt mức tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.
Ở mảng bất động sản, trong năm 2022, công ty thành viên của BCG là BCG Land sẽ bàn giao và vận hành dự án Malibu Hội An. Như vậy các dự án của BCG Land đã đi vào vận hành sẽ gồm Casa Marina Resort, Malibu Hội An, King Crown Village, và BOT đường tỉnh 830&824.
Dự kiến trong 2023, BCG Land sẽ tiếp tục bàn giao, đưa vào vận hành Casa Marina Mũi Né, Amor Riverside Villas, Phân khu Shophouse và Thương mại của dự án Hoian d'Or.
Doanh thu từ bất động sản sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu tập đoàn trong năm 2022. BCG Land dự kiến sẽ đạt doanh thu khoảng 4.800 tỉ đồng trong năm 2022 và còn tăng mạnh vào năm 2023.
Tập đoàn cũng đặt mục tiêu niêm yết Nguyễn Hoàng (Công ty thành viên BCG chuyên sản xuất đồ gỗ nội và ngoại thất) trên sàn UPCoM trong năm 2022 và niêm yết Bảo hiểm AAA trong 3 năm tới.
Việt Nam đang tiến hành tiêm tăng cường mũi 3 vaccine cho toàn dân, học sinh bắt đầu đi học lại, các hoạt động kinh tế cũng trở lại nhịp độ bình thường. Chủ tịch Vietravel Holdings – doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam tin rằng đây là giai đoạn cuối của dịch COVID, mọi thứ sẽ trở lại như trước kia.
Ông Kỳ đánh giá quý IV/2021 là bước tạo đà để cho du lịch khởi động trở lại vào năm 2022. Cùng nỗ lực của Chính phủ, các ban ngành trong việc ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy cho du lịch nội địa, ngành du lịch sẽ phục hồi đâu đó vào khoảng giai đoạn hè 2022.
Trong bối cảnh đó, sau giai đoạn “ngủ đông”, Vietravel đã nhanh chóng khởi động lại các văn phòng bán tour trong nước và ngoài nước. Ông Kỳ cho rằng sau khi khủng hoảng xảy ra thì tất cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều trên một vạch xuất phát như nhau hết, là không có khách. Vậy khi tình hình bắt đầu được kiểm soát, doanh nghiệp nào chạy nhanh không kể lớn hay nhỏ, thì doanh nghiệp đó lấy thị trường. Yếu tố quyết định không phải lớn thắng nhỏ mà chính là nhanh thắng chậm.
Dịch bệnh là cơ hội để Vietravel đang tái cấu trúc lại toàn bộ mảng kinh doanh, định vị lại thị trường du lịch và thị trường phục vụ khách. Đây là những bước đi mà ban lãnh đạo công ty đánh giá là bắt buộc phải đi nếu muốn tồn tại và mở rộng liên kết, liên doanh với các đơn vị khác một cách chặt chẽ hơn trên cơ sở vì lợi ích cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm để có thể cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài du lịch, Vietravel còn mở rộng thêm một số ngành trong hệ sinh thái kinh doanh của mình. Trong đó, doanh nghiệp tập trung vào phát triển hệ thống dịch vụ, cung ứng nhu cầu sống và nhu cầu sinh hoạt của mọi người. Đơn vị mở thêm dịch vụ Vietravel Shop – một dạng siêu thị online chuyên bán về trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… để phục vụ cho người dân nói chung và khách hàng của công ty nói riêng.
Tổng Giám đốc DIC Corp đánh giá nền kinh tế tăng tốc trong quý IV/2021 đã lấy lại phần nào những gì mất đi trong quý II – III. Đó vừa là cơ sở, vừa là sự tiếp nối cho hoạt động của thị trường trong năm 2022 khi Việt Nam sống chung với dịch. Nếu tình hình không có biến động nghiêm trọng về dịch, dự báo thị trường bất động sản năm 2022 sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021.
Tuy nhiên, việc đầu tư kinh doanh BĐS năm nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khó khăn và vướng mắc. Rủi ro đầu tiên phải kể đến là dịch bệnh với biến chủng mới Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Tiếp theo, quy định của pháp luật về bất động sản có sửa đổi tích cực nhưng vẫn còn chồng chéo; thị trường xuất hiện yếu tố bất lợi như việc đấu giá đất với đơn giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường làm ảnh hưởng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng giá thành sản phẩm, kéo dài thời gian thực hiện dự án…
Vào cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định để siết chặt công tác phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, năm 2022, chủ trương của Chính phủ là kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản. Theo đó, việc huy động vốn để triển khai dự án sẽ gặp khó khăn hơn, có thể dẫn đến thiếu vốn, không thể đầu tư theo tiến độ đề ra.
Với những thuận lợi và khó khăn đan xen, DIC Corp đề ra mục tiêu doanh thu năm 2022 tăng trưởng 60% so với ước thực hiện 2021; lợi nhuận trước thuế 1.800-1.900 tỉ đồng, tăng 50-58%.
Ngọc Điểm
Nguồn CafeF