Giấc mơ phố thị

Giấc mơ phố thị

Dòng người bỏ về quê trong dịch bệnh là bài toán hiệu suất lao động và thu hút đầu tư chất lượng cao của Việt Nam sau hơn 30 năm mở cửa.

Một cuộc khảo sát toàn cầu của Công ty tư vấn Qualtrics International cho thấy, khoảng 4 trong 10 người được hỏi thuộc thế hệ Millennials và Gen Z nói rằng họ sẽ rời bỏ công việc nếu buộc phải trở lại văn phòng làm toàn thời gian. Con số này nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác trong cuộc phỏng vấn.

Lăng kính khác từ dịch bệnh

Xu hướng The Great Resignation (bỏ việc trên quy mô lớn) hiện diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và nhiều người thậm chí đang nghỉ việc ở nhà. Đại dịch khiến giới trẻ phải suy nghĩ lại về những vấn đề mà họ ưu tiên, và họ bắt đầu tự hỏi liệu rốt cuộc một công việc ổn định có phải là chìa khoá để đảm bảo sự an toàn và cuộc sống tốt đẹp hay không.

Tại Nhật hình thành “thế hệ satori” – những người từ chối văn hoá công sở khắt khe của Nhật, nơi hệ thống lương bậc và giờ làm kéo dài 15 tiếng, để làm những công việc tạm bợ. Giới trẻ Nhật cho biết họ buộc phải chọn lối sống này bởi nền kinh tế trì trệ khiến cho mức lương thấp hơn và công việc thì kém an toàn hơn. Robin O’Day, Giáo sư nghiên cứu về giới trẻ Nhật tại Đại học Bắc Georgia (Mỹ), cho rằng: “Với những người tự do, cảm giác xấu hổ, lo lắng và giận dữ thường nhiều hơn. Nhưng giờ đây, dường như điều đó không là gì cả”.

Tại “công xưởng thế giới” Trung Quốc, phong trào “lie flat” (nằm im, mặc kệ) đang trở nên phổ biến và được coi là trào lưu nổi loạn của giới trẻ Trung Quốc hiện nay. Phong trào này có thể là dấu hiệu của một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế Trung Quốc. Khi nền kinh tế giảm tốc, nhiều người đang tự hỏi liệu những giấc mơ đó có xứng đáng với nỗ lực của họ.

Giấc mơ phố thị

Trước những mối đe doạ hiện hữu như đại dịch và biến đổi khí hậu, trào lưu The Great Resignation đang châm ngòi cho các cuộc thảo luận sôi nổi hơn về việc theo đuổi sự giàu có ở cả cấp độ cá nhân lẫn quốc gia. Benjamin Granger, người đứng đầu dịch vụ tư vấn trải nghiệm nhân viên tại Qualtrics, cho rằng: “Khi con người đối mặt với cái chết, họ sẽ cư xử khác đi. Mọi người đang nhìn công việc qua một lăng kính rất khác”.

Hàng loạt vấn đề tồn tại trên thị trường lao động đã dẫn tới tình trạng này và đại dịch COVID-19 như thêm động lực kích đại vấn đề này tới đỉnh điểm. Từ việc thu nhập tăng trưởng chậm hơn lạm phát, việc làm không ổn định cho đến giá cả bất động sản hay chi phí nuôi dạy con cái tăng cao đã khiến giới trẻ ngày nay khó có thể xây dựng một cuộc sống ổn định như những thế hệ trước.

Những dòng người bỏ phố về quê là hiện tượng tương tự tại Việt Nam. Trong tâm dịch, hình ảnh cả ngàn người chạy xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình, thậm chí là xe đạp và đi bộ... trở nên nhức nhối. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn khiến những con người này phải “đầu hàng” sau thời gian dài giãn cách.

“Mất việc và được trợ cấp nhưng sống ở thành phố này 4 tháng đâu phải chuyện ai cũng làm được. Dù sao, quê hương sẽ nhẹ nhàng với cuộc sống, cái ăn cái mặc của mọi người”, người dùng Lương Nguyễn Hoà Thương bình luận tại diễn đàn “Tôi là dân Sài Gòn” khi thấy những hình ảnh trên.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gần 2,2 triệu người về quê do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Còn theo khảo sát vào tháng 10/2021 của Việc làm, trong 2.030 người được hỏi thì có 234 người chia sẻ đã mất việc và rời TP.HCM về quê, tức chiếm hơn 10%. Trong nhóm đã về quê, chỉ có 48% không muốn quay lại hoặc không chắc chắn quay lại vì muốn trải nghiệm các cơ hội việc làm ở địa phương hay làm nghề tự do. Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ tháng 7 đến ngày 15/9/2021, có khoảng 1,3 triệu lao động tại các thành phố lớn về quê tránh dịch.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) nhận xét: “Mặc dù có các gói hỗ trợ của Chính phủ và một số tổ chức, cá nhân, nhưng nhiều người dân, người lao động đã phải bỏ thành phố về quê như một giải pháp có thể tồn tại, đối phó với dịch bệnh. Lần đầu tiên ghi nhận làn sóng di cư hàng triệu người từ các thành phố lớn, nhất là từ các tỉnh phía Nam trở về quê”.

“Dịch bệnh khiến những kỳ vọng về tiện ích ở thành phố lẫn cơ hội kiếm tiền không còn như trước, nên nhiều người chọn về nông thôn”, chị Khánh Mai, quản trị viên nhóm “Bỏ phố về rừng” trên Facebook cho biết. Nhóm được lập cuối năm 2019 với khoảng 1.000 thành viên ban đầu, nay lên 120.000 người.

Mặt trái của lao động giá trị thấp

Giấc mơ phố thị

Nhiều người lao động rời khỏi TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai trong tình cảnh “cạn kiệt” tài chính và sức chống đỡ với rủi ro. Bỏ sức lao động, bỏ cả tuổi thanh xuân nơi phố thị nhưng những người lao động tỉnh lẻ này không được an cư lạc nghiệp mà luôn ở trạng thái ăn nhờ ở đậu nơi đất khách. Dịch bệnh là giọt nước tràn ly khiến họ bừng tỉnh “giấc mơ phố thị”.

Nhiều năm qua, truyền thông toàn cầu gọi Việt Nam là “công xưởng mới của thế giới” để phân biệt với “công xưởng cũ” là Trung Quốc. Theo làn sóng này, hàng triệu lao động đã rời bỏ làng quê tới các khu công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... để đáp ứng nhu cầu lao động của hàng trăm ngàn doanh nghiệp FDI đổ xô tới Việt Nam tìm cơ hội tại một nền kinh tế đang phát triển. Quan trọng hơn là tìm cơ hội lợi nhuận từ một thị trường lao động giá rẻ trong những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến...

Trong suốt nhiều thập niên “trải thảm đỏ” thu hút vốn, Việt Nam chấp nhận trở thành công xưởng gia công giá trị thấp. Giải được bài toán công ăn việc làm nhưng Việt Nam chưa giải được bài toán nâng cao giá trị lao động cũng như đời sống của người lao động.

Giấc mơ phố thị

“Giá trị lao động thấp” là một trong những mặt trái của vốn FDI tại Việt Nam. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một lao động Việt Nam trong năm 2016 chỉ tạo ra trung bình 3.683 USD, bằng chưa đến 1/3 so với một lao động Trung Quốc (12.362 USD). Báo cáo “Tổng chỉ số lao động năm 2019” của Tập đoàn Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự Mỹ ManpowerGroup cho thấy, thu nhập trung bình của lao động Việt Nam năm 2019 chỉ đạt khoảng 242 USD/tháng, thấp hơn con số của Châu Á – Thái Bình Dương (1.802 USD/tháng) và toàn thế giới (1.931 USD/tháng).

Giấc mơ phố thị

Về năng suất lao động của Việt Nam, dù đã được cải thiện song vẫn bị tụt hậu, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong giai đoạn 2011-2020, năng suất bình quân của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.

“Trong cuộc đua đường trường, người ta ăn nhau ở năng suất, tốc độ nhưng chúng ta vẫn còn tụt hậu thì khả năng đuổi kịp các nước trong khu vực là thách thức rất lớn. Đây là điểm nghẽn lớn khi bàn tới tăng trưởng dài hạn”, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Những đồng lương còi cọc, tình cảnh công nhân chui rúc trong những căn nhà trọ chật hẹp vài mét vuông, ăn uống tạm bợ, con cái gửi cho nhà trông trẻ tư nhân thiếu thốn... ngày càng phổ biến hơn tại nhiều khu công nghiệp. Và dịch bệnh đã trở thành thảm hoạ đối với họ theo nhiều nghĩa.

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 55 triệu lao động, nhưng “điểm nghẽn” chính là chất lượng nguồn nhân lực, khi chỉ có khoảng 24,5% lao động có bằng cấp chứng chỉ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo, nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 – 2%, tương đương với 6.500 tỉ USD vào năm 2030.

Tin đáng mừng là Chính phủ đã đồng ý xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân, để họ có thể tìm được những công việc thu nhập cao hơn. Nhiều thành phố đang lên quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động để họ yên tâm an cư lạc nghiệp.

Viễn cảnh mới có đủ sức hút người trẻ nông thôn trở lại thành phố?

Lam Hồng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư