Có Đồng Tâm, có thắng lợi
Hành trình từ xưởng sản xuất gạch bông bước ra thế giới và giai đoạn quan trọng để tạo sức bật mới cho thương hiệu Đồng Tâm.
Trong giới kinh doanh, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group, nổi lên từ khá sớm và thể hiện ở nhiều vai trò trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Doanh nhân này từng tham gia đại biểu Quốc hội, và cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực bóng đá, đến mức gắn liền với cái tên “bầu Thắng”.
Thời điểm chuyển giao
Ông chủ của cơ ngơi ngàn tỉ Đồng Tâm Group có 2 người con trai, tất cả đều nối nghiệp kinh doanh. Người con trai cả Võ Quốc Lợi (sinh năm 1988) sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, đã về làm việc tại KienlongBank. Đầu năm 2021, ông Lợi đã được bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc KienlongBank. Ông Lợi được cơ cấu vào thời điểm KienlongBank báo lãi trước thuế 9 tháng đầu năm cao gấp 6 lần cùng kỳ, sẵn sàng tăng tốc chuyển đổi số. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận gần chạm tới ngàn tỉ đồng chỉ trong 9 tháng.
Trong khi đó, những ngày gần cuối năm, người con thứ, ông Võ Quốc Huy (sinh năm 1991) cũng được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Long An (một đơn vị liên kết của Đồng Tâm Group). Đây là dự án nằm trong tổng thể quy hoạch 1.935 ha gồm 4 dự án là Cảng Quốc tế Long An, Khu Dịch vụ Công nghiệp Đông Nam Á Long An, Khu Đô thị Đông Nam Á Long An và Khu Công nghiệp Đông Nam Á Long An.
Hai người con trai được giao những vị trí quan trọng hơn vào thời điểm ông Thắng và Đồng Tâm Group đang nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực mới. Tập đoàn cũng đang gặp nhiều thuận lợi về kinh doanh sau khi trải qua giai đoạn đầy cam go trong 2 năm 2011-2012 do thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng trầm lắng, đi cùng với chi phí lãi vay tăng vọt.
Tình thế khó khăn đó buộc ông Thắng phải tiến hành tái cấu trúc triệt để, trong đó thoái vốn khỏi các dự án bất động sản chưa hiệu quả để giảm gánh nặng tài chính và hàng tồn kho. Đi cùng với đó là một loạt đề án được triển khai như đề án “29 ngày luân chuyển”, đề án “tối ưu hoá tồn kho hệ thống”, hay “xây dựng mức thu nhập hiệu quả cho kinh doanh”, giúp hiệu quả sản xuất và kinh doanh của công ty khởi sắc và tạo nền tảng để tham gia vào những lĩnh vực mới.
Ông Thắng từng nắm vai trò Chủ tịch KienlongBank nhưng doanh nghiệp quan trọng nhất với ông vẫn là Đồng Tâm Group. Đồng Tâm Group hiện sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; bất động sản; đầu tư liên doanh, liên kết… Tập đoàn này sở hữu trực tiếp 13 công ty con và 4 công ty liên kết. Trong đó, tổng vốn điều lệ của 13 công ty con đạt gần 2.000 tỉ đồng, chủ yếu tập đoàn mẹ nắm 99-100% vốn. Còn tại 4 công ty liên kết, tập đoàn mẹ sở hữu 33-45% có tổng vốn điều lệ 1.550 tỉ đồng.
Hiện tại, doanh nghiệp của ông Thắng cũng đang là cổ đông lớn sở hữu 45% vốn tại Cảng Long An. Trong lĩnh vực bất động sản, tập đoàn này là chủ đầu tư các dự án Green City tại Khu Đô thị trung tâm hành chính tỉnh Long An với quy mô 76,61 ha; Khu Dân cư Bắc Lê Lợi – Quảng Ngãi; Khu Công nghiệp Long An 396 ha; Dự án Đô thị Cảng Long An 1.145 ha…
Đáng chú ý, Đồng Tâm đã tung 9.000 tỉ đồng cho dự án Cảng Quốc tế Long An và đã hoàn thành giai đoạn 1, cũng như đang triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu sớm đưa vào khai thác từ năm 2022. Ông Thắng đặt nhiều quyết tâm trong việc hoàn thành các dự án cảng biển ấp ủ lâu nay. Bởi vì, cảng biển được coi là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá thành sản phẩm, chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu của các địa phương. Cảng biển phải phục vụ cho hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm. Theo đó, Đồng Tâm nhắm tới mục tiêu đưa cảng biển thành động lực cho việc phát triển các dự án bất động sản gồm: Khu Công nghiệp Long An, Trung tâm thương mại và Khu Đô thị Cần Giuộc (Long An)...
Là doanh nghiệp có trụ sở chính tại Long An, các nhà lãnh đạo của Đồng Tâm nắm được xu thế đó. Lý do là bên cạnh sở hữu các khu công nghiệp, việc đầu tư một cảng biển quốc tế có quy mô lớn để tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư đổ vào Long An sẽ là mảnh ghép khá hợp lý, đồng thời giúp cho chuỗi khu công nghiệp, các dự án bất động sản, kinh doanh vật liệu xây dựng của Đồng Tâm thêm hoàn thiện.
“Tôi nghĩ làm cảng là đầu tư lâu dài, nghĩ tới lợi nhuận trước mắt như các ngành khác thì không làm được đâu! Mà phải nghĩ tới cái lớn hơn, đó là sự thay đổi của cả một vùng đất. Cảng Cần Giuộc (Long An) quê tôi đã quy hoạch mấy chục năm nhưng vẫn chưa triển khai được! Tôi nghĩ: Nếu không ai làm thì tôi ráng làm! Ông bà cha mẹ tôi sinh ra lớn lên ở mảnh đất này, nay tôi có khả năng mà không làm thì tôi không chịu được!”, ông Thắng cho biết.
Thương hiệu đời người
“Bây giờ, nếu hỏi cầu cảng đó được xây dựng bởi bao nhiêu cây cọc, bao nhiêu tấn bê-tông, trải qua bao nhiêu công đoạn…, tôi đều có thể trả lời được”, ông Thắng tự hào khi nói về lĩnh vực cảng biển. Tuy nhiên, ông thừa nhận, muốn khai phá lĩnh vực mới, bản thân ông đã tìm tòi, học hỏi nhiều. Quá trình này cũng như những ngày đầu tiên ông nối nghiệp gia đình trong lĩnh vực sản xuất gạch bông ở Phú Định – Sài Gòn.
Ông Thắng kể, sinh ra, lớn lên tại huyện Cần Giuộc (Long An), ba của ông là ông Võ Thành Lân cùng gia đình chuyển lên sinh sống tại quận 6 (TP.HCM) vào năm 1963. Hằng ngày, ông Thắng vừa đi học, vừa phụ giúp gia đình làm gạch, nên ông biết nhiều kỹ thuật làm gạch bông, pha màu, trộn xi măng theo tỉ lệ... Điều này giúp ông rất nhiều khi tiếp quản công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình.
Thương hiệu Đồng Tâm được thành lập vào năm 1969, nhưng mãi đến năm 1986 thương hiệu mới thật sự hồi sinh khi ông Thắng cùng các anh em trong gia đình tái thành lập cơ sở sản xuất và gây dựng lại thương hiệu Đồng Tâm. Tuy còn trẻ tuổi, nhưng với kinh nghiệm quý giá từ lúc vừa học, vừa làm, ông Thắng đã định ra cho mình những bước đi bài bản, bắt đầu từ việc nắm chắc nhu cầu của khách hàng. Từ những định hướng đúng đắn ban đầu, chú tâm phát triển ngành gạch bông truyền thống và kế tục sự nghiệp của người cha, cơ sở gạch bông Đồng Tâm của ông Thắng đã có những bước phát triển ổn định.
Trong thời gian này vừa làm việc, ông Thắng vừa tranh thủ học thêm các lớp học buổi tối, cập nhật kiến thức về quản trị doanh nghiệp...
Trở thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn sản xuất – xây dựng – thương mại Đồng Tâm vào năm 1993, trong vòng 10 năm, Đồng Tâm xây dựng 2 nhà máy sản xuất gạch ngói màu, gạch ốp lát với công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á thời điểm này, cũng như mở rộng quy mô hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản: thành lập Công ty liên doanh Phát triển đầu tư Khu Công nghiệp Bến Lức và kinh doanh hạ tầng Khu Công nghiệp Thuận Đạo tại Long An.
“Hồi năm 1996, lúc tôi làm mẻ gạch men đầu tiên, cầm được viên gạch mà tôi ứa nước mắt. Năm 2000 cũng vậy, khi làm nhà máy gạch miền Trung, cầm viên gạch đầu tôi cũng rớt nước mắt, vì nó kết tinh bao nhiêu tâm lực của mình. Làm cái gì cũng vậy, không đam mê, nhiệt huyết thì không thể thành công”, ông Thắng đúc kết những bài học trên thương trường của mình và muốn chia sẻ niềm đam mê đó cho thế hệ tiếp nối của Đồng Tâm.
Thực tế, cả 2 người con của ông Thắng đều đã có giai đoạn trui rèn trước khi được cất nhắc lên những vị trí quan trọng. Ông Võ Quốc Lợi, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Trường London Business (Anh), có 9 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đại diện KienlongBank cho biết việc bổ nhiệm mới 3 Phó Tổng Giám đốc lần này với mong muốn đẩy mạnh công tác phát triển kinh doanh, tiến tới chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình ngân hàng số theo định hướng chiến lược giai đoạn 2021-2025.
Ông Võ Quốc Huy trước đó làm trợ lý Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trưởng phòng Kiểm soát Nội bộ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thương mại Đồng Tâm, Giám đốc Điều hành Kinh doanh Đồng Tâm Group, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Long An.
Ông Thắng tâm sự khá nhiều về thương hiệu mà mình và 2 con trai đang tiếp tục tạo dựng. “Ba tôi khi thành lập Công ty vào năm 1969 đã lấy tên thương hiệu là Đồng Tâm, nghĩa là Đoàn kết. Đoàn kết để tạo nên sức mạnh và đó là thứ sức mạnh vững vàng nhất. Chúng ta phải sống tự tin, sống lạc quan và phải biết sống vì người khác. Mình vì người khác thì người khác mới có thể đến với mình”. Ông Thắng nói rằng, không chỉ là niềm tự hào của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân viên, thương hiệu Đồng Tâm còn là sự nghiệp chung gắn bó với cả cuộc đời của mình và các thành viên trong gia đình; là tài sản quốc gia – một trong những thương hiệu Việt Nam uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Diễm Trang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư