Thương vụ lớn nhất của Microsoft, tại sao lại vung 69 tỉ USD cho một công ty game?

Thương vụ lớn nhất của Microsoft, tại sao lại vung 69 tỉ USD cho một công ty game?

Microsoft sẽ trả 69 tỉ USD tiền mặt cho Activision Blizzard, một nhà phát triển trò chơi điện tử. Đây là thương vụ lớn nhất từng được thực hiện bởi Microsoft.

Dù Microsoft là công ty có giá trị vốn hoá thị trường khoảng 2,3 nghìn tỉ USD, nhưng 69 tỉ USD vẫn là con số rất lớn. Vào ngày 18/1, công ty cho biết trả số tiền đó, tất cả đều bằng tiền mặt, cho Activision Blizzard, một nhà phát triển trò chơi điện tử. Đây vừa là thương vụ mua lại lớn nhất trong ngành công nghiệp game, vừa là thương vụ lớn nhất từng được thực hiện bởi Microsoft, gấp đôi quy mô khi mua lại LinkedIn vào năm 2016, với giá 26 tỉ USD. Động thái này khiến giá cổ phiếu của Activision Blizzard tăng 25%, đây có thể là cú đánh cược lớn cho tương lai của ngành giải trí này.

Thương vụ lớn nhất của Microsoft, tại sao lại vung 69 tỉ USD cho một công ty game?

Triển lãm Activision Blizzard tại E3 (Electronic Entertainment Expo) ở Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 12/6/2013
Ảnh: EPA-EFE

Ngay trước đại dịch, ngành công nghiệp game đã phát triển vượt bậc. Các đợt phong toả do COVID-19 đã góp phần thúc đẩy nó hơn, khi các game thủ cũng như những người chán nản vì không có gì làm, bắt đầu ngồi xuống trước màn hình máy tính của họ. Doanh thu trên toàn thế giới tăng 23% vào năm 2020. NewZoo, một công ty phân tích, đã gần chạm đến ngưỡng 180 tỉ USD. Microsoft đã trở thành một ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh nhờ vào máy chơi game Xbox. Microsoft cũng đã thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại công ty game kể từ năm 2014, dưới quyền của Giám đốc Điều hành Satya Nadella. Thoả thuận với Activision Blizzard sẽ củng cố vị thế của Microsoft, sau khi hoàn tất thủ tục vào năm 2023, Microsoft sẽ trở thành công ty trò chơi điện tử lớn thứ ba về doanh thu, chỉ sau Tencent, một gã khổng lồ của Trung Quốc và Sony, đối thủ lâu năm của Microsoft trong lĩnh vực máy chơi game.

Giá cổ phiếu của Activision Blizzard đã giảm khoảng 40% vào tháng 2 năm ngoái cho đến khi công bố thương vụ trên, nhưng công ty này lại tự hào có doanh thu hàng năm khoảng 8 tỉ USD và tỷ suất lợi nhuận ròng là 30%. Quan trọng nhất, Activision Blizzard cung cấp nhiều nội dung, và trong trò chơi điện tử, cũng như trong phần còn lại của ngành truyền thông, nội dung là “vua”. Những tựa game đình đám như Call of Duty, Candy Crush hay Warcraft đều thuộc công ty này.

Về ngắn hạn, thoả thuận mang lại cho Microsoft chỗ đứng vững chắc hơn trong thị trường điện thoại thông minh chuyên chơi game, nơi còn khá xa lạ với họ.

Thương vụ này cũng như một “cú tát” dành cho Sony bởi nếu Microsoft kiểm soát quyền đối với “Call of Duty”, họ có thể quyết định game này có xuất hiện trên máy PlayStation của Sony hay không. Khi Microsoft mua ZeniMax Media, một nhà phát triển trò chơi khác, với giá 7,5 tỉ USD vào năm 2020, họ cam kết sẽ tôn trọng các điều khoản trong các thoả thuận xuất bản hiện có của ZeniMax với Sony, nhưng quyền truy cập của Sony vào các trò chơi mới sẽ được xem xét tuỳ trường hợp.

Thương vụ lớn nhất của Microsoft, tại sao lại vung 69 tỉ USD cho một công ty game?

Máy chơi game PlayStation của Sony
Ảnh: Nikita Kostrykin

Về lâu dài, thoả thuận này sẽ giúp Microsoft đạt được tham vọng làm cho việc chơi game trở nên rẻ và dễ tiếp cận hơn. Hãng hiện đang có sản phẩm “Game Pass” với giá 10 USD/tháng, cho phép các game thủ console và PC quyền truy cập vào thư viện game thường có giá 40-60 USD mỗi trò. Thêm các tựa game của Activision Blizzard vào dịch vụ có thể tăng sức hấp dẫn của nó, cũng như có thể củng cố dịch vụ phát game trực tuyến có tuổi đời hai năm của Microsoft. Microsoft hy vọng có thể phát trực tuyến game đến với điện thoại và TV để người dùng không cần tới máy game hoặc PC chuyên dụng, mạnh mẽ để chơi nữa. Điều đó có thể làm giảm chi phí và thu hút nhiều người chơi hơn, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi điện thoại thông minh phổ biến nhưng máy chơi game lại không. Và điều đó sẽ làm cho nội dung độc quyền thậm chí còn có giá trị hơn.

Nguyên Hồ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư