Bắt tay cùng loạt đối tác lớn để đi sâu vào chuỗi bán lẻ, KIDO sắp làm thêm nước chấm, gia vị
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt trên, trong năm mới KDC dự kiến sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị, sản phẩm snacking, các loại thức uống dinh dưỡng… nhằm bổ sung vào danh mục sản phẩm thiết yếu của tập đoàn.
Tập đoàn KIDO (KDC) vừa công bố tình hình kinh doanh năm 2021, ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.501 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2020 và thực hiện được 91% kế hoạch năm. Dù vậy, lợi nhuận gộp thu về vẫn tăng 16% lên 2.054 tỉ đồng.
Được biết, năm 2021 trước diễn biến phức tạp của đại dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty. Từ đầu tháng 10, Chính phủ gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội tại TP.HCM, sức mua tiêu thụ sản phẩm ở tất cả các ngành, đặc biệt ngành thực phẩm thiết yếu tăng mạnh, chỉ số KDC theo đó dần hồi phục.
Tính riêng quý IV/2021, doanh thu thuần KDC đạt 3.057 tỉ đồng tăng 30,5% và lợi nhuận trước thuế 200 tỉ đồng, tăng đến 154% so với cùng kỳ.
Năm qua, KDC cũng chính thức tung ra thị trường sản phẩm nước giải khát tươi Oh Fresh (Liên doanh giữa Vinamilk và KDC), sản phẩm bánh tươi mang thương hiệu KIDO’s Bakery (đánh dấu sự trở lại của KIDO sau 6 năm vắng bóng trên thị trường bánh kẹo) và việc mở hàng loạt cửa hàng offline trực thuộc chuỗi F&B Chuk Chuk tại khu vực TP.HCM trong giai đoạn cao điểm cuối năm...
Khấu trừ chi phí, tính chung cả năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KDC đạt 681 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 648 tỉ đồng, tăng 96% so với năm 2020.
Chi tiết từng đơn vị, bao gồm:
- Công ty mẹ KDC: Doanh thu thuần năm 2021 đạt 11.509 tỉ đồng, tăng 270% và lợi nhuận trước thuế 524 tỉ đồng, tăng 55% so với năm ngoái
- Dầu thực vật Tường An (TAC): Doanh thu thuần cả năm đạt 6.294 tỉ đồng, tăng 20% và vượt 20% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỉ đồng, thực hiện 95% kế hoạch năm. Đáng chú ý, mới đây sáng ngày 18/1/2022, tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, tập đoàn đã thông qua việc huỷ niêm yết cổ phiếu, huỷ công ty đại chúng và phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông TAC. Đây là chiến lược nhằm tái cấu trúc hoạt động để TAC có thể tập trung vào thế mạnh cốt lõi.
- Vocarimex (VOC): Doanh thu thuần đạt 1.496 tỉ đồng, vượt 17% kế hoạch năm dù giảm 42% so với năm trước. Nguyên nhân sụt giảm do công ty không còn ghi nhận doanh thu hợp nhất từ các công ty con. Khấu trừ chi phí, VOC thu về lợi nhuận trước thuế 120 tỉ đồng, tương đương 210% kế hoạch năm.
- KIDO Nhà Bè: Doanh thu thuần đạt 1.608 tỉ đồng, tăng 36% và lợi nhuận trước thuế đạt 35,5 tỉ đồng, tăng 36% so với năm trước.
Lên kế hoạch cho năm 2022, KDC đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.000 tỉ đồng, tăng 33% và lợi nhuận trước thuế là 900 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến cùng sự phát sinh của nhiều biến chủng virus COVID-19 mới, tập đoàn đề ra phương hướng phát triển trong giai đoạn tới như sau:
- Thứ nhất, đối với ngành dầu: KDC sẽ tiếp tục tăng cường kinh doanh các sản phẩm chủ lực suốt nhiều năm liền, tiếp tục quy hoạch thương hiệu nhãn hàng đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới phù hợp trong từng giai đoạn.
- Thứ hai, với ngành kem: Tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm, cho ra mắt thị trường những sản phẩm hợp với xu hướng của người tiêu dùng nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu ngành hàng kem; cũng như tiếp tục mở rộng thị phần trong ngành hàng.
- Thứ ba, đối với chuỗi F&B Chuk Chuk: Tiếp tục tìm kiếm những vị trí phù hợp tại TP.HCM và các tỉnh/thành phố để phát triển song hành cùng các đối tác để mở rộng đúng như kế hoạch đã đề ra. KDC cũng tiếp tục đàm phán nhằm từng bước đưa Chuk Chuk ra thế giới, trước mắt là thị trường Châu Á.
- Thứ tư, với mảng bánh kẹo: Tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm mới theo trend, nghiên cứu xu hướng của người tiêu dùng để điều chỉnh các sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Bên cạnh những ngành hàng chủ chốt trên, trong năm mới KDC dự kiến sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như nước chấm, gia vị, sản phẩm snacking, các loại thức uống dinh dưỡng… nhằm bổ sung vào danh mục sản phẩm thiết yếu của tập đoàn.
Tri Túc
Nguồn CafeF