Châu Á sẽ đương đầu với những rủi ro gì lớn nhất trong năm 2022?
Các thị trường tài chính Châu Á từng đương đầu với tình trạng rút vốn mạnh khi Fed thay đổi định hướng chính sách tiền tệ.
Các nước Châu Á sẽ đương đầu với 3 thách thức chính trong năm tới, theo Chuyên gia Kinh tế Cao cấp tại Ngân hàng tư nhân UBP, ông Carlos Casanova.
Phát biểu với CNBC mới đây, ông Canasova nói: “Số lượng ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao, chúng tôi đã tính đến việc tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc chững lại ở mức 5%. Giờ đây, biên bản cuộc họp của Fed cho thấy rằng tốc độ siết chặt chính sách sẽ nhanh hơn so với kỳ vọng”. Ông cũng nói thêm rằng các yếu tố trên tiềm ẩn rủi ro chung với cả khu vực này.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến cho nhà đầu tư bất ngờ trong tuần trước sau khi biên bản cuộc họp vào tháng 12/2021 của Fed cho thấy rằng các thành viên sẵn sàng siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn so với kỳ vọng trước đây.
Fed phát đi thông điệp rằng cơ quan này có thể sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD, thu hẹp chương trình mua trái phiếu đồng thời tham gia vào nhiều cuộc đối thoại cấp cao liên quan đến việc giảm nắm giữ trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Dù các thị trường mới nổi Châu Á đang ở trạng thái tốt, nhóm các thị trường này dễ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nói trên, đặc biệt nếu Fed siết chặt chính sách mạnh tay, ông Canasova phân tích.
“Chắc chắn sẽ có sự tương đồng về lãi suất thực giữa các thị trường mới nổi ở Châu Á và Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng rút vốn khỏi khu vực, đặc biệt nhóm các nền kinh tế dễ chịu ảnh hưởng tiêu cực”, ông Canasova nói thêm.
Năm 2013, Fed nhắc đến việc thu hẹp chính sách tiền tệ khi cơ quan này bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản. Nhà đầu tư khi đó đã hoảng sợ và lập tức bán mạnh trái phiếu, chính vì vậy lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng vọt.
Kết quả, các thị trường mới nổi tại Châu Á trải qua tình trạng rút vốn mạnh và đồng tiền suy giảm sâu, ngân hàng trung ương nhiều nước trong khu vực buộc phải nâng lãi suất nhằm bảo vệ tài khoản vốn của họ.
Mọi chuyện sẽ còn tuỳ thuộc vào việc Fed sẽ hành động ra sao về việc bình thường hoá chính sách trong những tháng tới, ông Casanova nói.
“Cái chúng ta đang cố tránh chính là tình huống mà họ vừa giảm quy mô bảng cân đối kế toán, cùng lúc đó nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022”, ông nhấn mạnh. Kết quả của điều này có thể là dòng tiền sẽ bị rút ra khỏi khu vực và tạo ra nhiều áp lực giảm phát.
Trong báo cáo có tên “Long-Term Capital Market Assumptions”, tổ chức JP Morgan công bố rằng việc nhu cầu toàn cầu tăng và các gói chi tiêu quy mô lớn đã giúp các nền kinh tế có tốc độ hồi phục mạnh, chính vì vậy giờ đây các gói kích cầu hoàn toàn có thể được cắt giảm, triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Với khung chính sách quy mô lớn, các chuyên gia và chiến lược gia kinh tế dự báo về nhiều hậu quả khác nhau. Trong báo cáo triển vọng 2022, ngân hàng Barclays nhấn mạnh một yếu tố hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu chính là việc kinh tế Ấn Độ hồi phục mạnh, tăng trưởng GDP ước đạt 7,8%.
Chuyên gia thuộc RBC Capital Markets trong khi đó tin rằng: “Trên quy mô toàn cầu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại trong năm 2022 bởi còn xét đến mặt bằng so sánh khá cao của năm 2021”.
Cũng theo RBC Markets, trọng tâm của tăng trưởng kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đang dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á, đại dịch suy giảm và giá hàng hoá cao hơn đã làm xấu đi triển vọng tăng trưởng của Malaysia và Indonesia, dù rằng biến chủng Omicron đang khiến cho sự bất ổn tăng lên phần nào.
Các chuyên gia cho rằng quá trình mở cửa các nền kinh tế là không thể đảo ngược và biến động thị trường suy giảm, năm 2022 có thể coi như sẽ mang đến yếu tố hỗ trợ quan trọng cho cả đồng ringgit của Malaysia và rupiah của Indonesia vốn đang được định giá thấp.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất Châu Á, nhìn chung các dự đoán đều giống nhau ở điểm biến động tiêu cực trên thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP bởi lĩnh vực này cùng các ngành liên quan đóng góp đến 30% GDP Trung Quốc.
Trung Mến
Nguồn BizLive