Nông sản Việt làm gì để ứng biến trước những đợt kẹt hàng?
Cước vận tải biển tăng vì COVID-19, cộng thêm khó khăn trong đường xuất khẩu sang Trung Quốc khiến các doanh nghiệp nông sản Việt phải tìm kiếm giải pháp ở thời điểm hiện tại.
Dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến vận tải xuất khẩu, khi thiếu container, cước phí tăng gấp nhiều lần so với trước đây, đơn cử như cước vận tải biển “nhảy” tới 400-500%. Cũng do ảnh hưởng của dịch, xuất khẩu nông lâm sản và thuỷ sản sang Trung Quốc qua biên giới các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn. Phía Trung Quốc đã thông báo hạn chế thông quan hàng nông sản trong bối cảnh nước này vẫn duy trì chính sách “Zero COVID”.
Thống kê cho thấy hiện vẫn còn hàng nghìn container nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, phần lớn là xe chở nông sản, thực phẩm tươi. Ngoài ra, còn lượng nông sản rất lớn đang vào vụ thu hoạch cần tiêu thụ tại các địa phương.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng 15 loại cây ăn trái chính ở phía nam năm 2021 đạt khoảng 7,1 triệu tấn, trong đó riêng tháng 12 đạt khoảng 737.000 tấn. Khoảng 70% số này xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó khoảng 20-30% đi bằng đường biển.
Thông tin từ các thương nhân xuất hàng đi Trung Quốc bằng đường biển cho thấy, phía Trung Quốc đã ngưng đặt mua hàng vào tháng giáp tết Nguyên đán. Thế nên, gánh nặng tiêu thụ đang dồn vào thị trường nội địa. “Nếu bảo thuỷ sản lại tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới cũng rất khó, vì ngành khai thác sâu các thị trường lắm rồi. Tâm lý chung của doanh nghiệp là cầm cự, nỗ lực giữ và mở rộng thị trường đã có, bằng không ‘nín thở’ chờ qua cơn lao đao của đại dịch thôi. Hy vọng dịp tết Nguyên đán, tiêu thụ trong nước tăng mạnh sẽ giảm bớt thiệt hại này”, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ.
Cục Trồng trọt dự báo, trong quý I/2022, sản lượng 15 loại trái cây chính ở các địa phương phía Nam sẽ đạt 1,606 triệu tấn. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, tính toán với con số hơn 700.000 tấn trái cây đến cuối năm nay và nếu tính đến Tết thì là hơn 1,7 triệu tấn, nên cần có phương án để tiêu thụ. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất đẩy mạnh việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử đã được triển khai và khá thành công trong đợt dịch, không đóng các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại các thành phố lớn để tránh ảnh hưởng đến nguồn cung và đẩy mạnh đầu tư chế biến rau quả. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết: “Sau 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát, chế biến rau quả của Việt Nam đã tăng đáng kể.
Trước năm 2019, tỷ lệ xuất khẩu chế biến rau quả chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Năm 2020 tăng lên 25% và 2021 lên 30%. Nếu không có 4-5 tháng giãn cách, có thể tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm chế biến từ rau quả Việt tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, đạt ở mức này chứng tỏ có sự chuyển biến rõ nét trong đầu tư vào ngành nông sản. Hy vọng trong thời gian tới, để tránh vào thế bị động trong xuất khẩu nông sản, đầu tư chế biến phải được chú trọng hơn, tăng 40-50% là quá tốt. Tại các nước phát triển, chế biến chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của họ”.
Sản xuất theo tiêu chuẩn nhà nhập khẩu
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phân tích, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng bậc nhất của Việt Nam, cần sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu, trong đó có GlobalGAP.
“Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP, đó là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP, tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3”, bà Hạnh thông tin thêm.
Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, đến nay đã có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP. Các địa phương Bến Tre, Lâm Đồng, Nghệ An cũng đã ký hợp đồng để Hiệp hội tư vấn về tiêu chuẩn LocalGAP tới các hợp tác xã (HTX) trái cây của tỉnh.
“Chúng tôi đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các hợp tác xã về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn. Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một ‘chìa khóa’, một ‘tấm giấy thông hành’ để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”, bà Hạnh nói.
Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, thị trường Trung Quốc đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu. Có thể nói đây là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi Công ty Chánh Thu tham gia xây dựng mã số vùng trồng cho quả sầu riêng, nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ để người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Đây là quan điểm sai lầm, cần thay đổi từ các địa phương.
Sơn Mai
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư