Bán lẻ chưa dừng chạy đua mở rộng hệ thống
Cuộc chạy đua về cả số lượng lẫn mô hình vận hành của các doanh nghiệp bán lẻ.
Nếu đúng dự kiến, doanh nghiệp bán lẻ chỉ còn 2 năm để chuẩn bị trước khi đón làn sóng mở rộng ồ ạt của nhóm doanh nghiệp nước ngoài.
Sức nén của thị trường
Nhật báo Nikkei Asia vừa phát đi thông điệp mở rộng của AEON tại Việt Nam, một trong những thị trường trọng điểm của tập đoàn này ở các thị trường ngoài Nhật. Theo kế hoạch, tại Việt Nam, AEON sẽ mở 100 siêu thị MaxValu và 16 trung tâm thương mại so với con số 4 siêu thị và 6 trung tâm thương mại hiện nay. Theo nguồn tin của NCĐT, AEON đang đi chậm so với kế hoạch vì dịch bệnh và sẽ tăng tốc trong thời gian tới.
Trước AEON, Central Retail (CRC) cũng đang ráo riết với các kế hoạch mở rộng còn dang dở. Ông Yol Phokasub, Giám đốc Điều hành CRC, cho biết công ty đang mở rộng thêm các trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! ở Bà Rịa, Thái Bình, Lào Cai và một siêu thị mini ở Tây Ninh. Hiện đơn vị này quản lý hơn 200 siêu thị ở Việt Nam.
Các doanh nghiệp nước ngoài đồng loạt công bố kế hoạch mở rộng vì đã được cởi trói bởi quy định hành chính. Cụ thể, trước kia, quy định của Hội đồng Kiểm tra Nhu cầu Kinh tế (ENT) yêu cầu các nhà bán lẻ nước ngoài phải xin địa phương cấp phép khi mở cửa hàng có diện tích 500 m2 trở lên. Dự kiến đến năm 2024, quy định này sẽ được dỡ bỏ.
Cuộc đua trong phân khúc sở hữu trung tâm thương mại và siêu thị đang dần nóng hơn với 3 đại diện nước ngoài là AEON (Nhật), CRC (Thái Lan) và Lotte (Hàn Quốc) và 3 đại diện của Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Masan và Thaco sau thương vụ mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ của Tập đoàn Emart.
Các chuyên gia dự báo nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ 2 năm tới, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỉ USD về quy mô. Tuy nhiên, theo báo cáo của Euromonitor và Mckinsey, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam là 8%, mức độ chi tiêu cho bán lẻ hiện đại mỗi đầu người là 37 USD, thấp nhất so với các nước trong khu vực Châu Á.
Bài toán hậu cần
Theo khảo sát năm 2022 của World Bank và Koina Group, hạn chế về chuỗi ứng là một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ thâm nhập của kênh bán lẻ hiện đại kém. Hạ tầng logistics cho bán lẻ của Việt Nam là khoảng 1 triệu xe tải các loại, chủ yếu là xe tải nhỏ và 90% do cá nhân, doanh nghiệp nhỏ sở hữu. Thị trường phân mảnh, chủ yếu cạnh tranh về giá, ít đầu tư công nghệ dẫn đến chi phí tiềm ẩn cao. “Ví dụ, mỗi xe chỉ sử dụng được trung bình 5 tiếng/ngày nên gây áp lực rất lớn cho các nhà bán lẻ khi mở rộng hệ thống”, ông Nguyễn Trần Thi, sáng lập Koina, nói.
Trên thực tế, dù không cùng phân khúc nhưng bài học của Bách hoá Xanh là một điển hình. Ông Trần Kinh Doanh, cựu Giám đốc Điều hành đơn vị này, từng thừa nhận logistics cho ngành bách hoá rất phức tạp, dẫn đến hoạt động mua hàng và phân phối ở quy mô lớn gặp trục trặc.
Trước đây, Bách hoá Xanh tin rằng tối ưu diện tích cửa hàng sẽ giúp tăng doanh thu cho toàn hệ thống. Nhưng với hơn 150 triệu sản phẩm luân chuyển hằng tháng thì bài toán hậu cần trở nên quan trọng hơn. “Tăng doanh thu từ tối ưu diện tích cửa hàng không có ý nghĩa gì nếu nguồn hàng không được đưa đến và kiểm soát chặt chẽ”, ông Doanh nói.
Vì thế, dù có lợi thế về tài chính, kinh nghiệm vận hành nhưng các doanh nghiệp ngoại vẫn phải giải bài toán hậu cần nên có thể nói, xuất phát điểm là ngang nhau. Thứ đến, giá cho thuê mặt bằng ở Việt Nam khá cao nên việc mở rộng bằng cách mua, thuê đất mở cửa hàng, trung tâm thương mại để có lợi thế về quy mô của mô hình bán lẻ hiện đại cũng gặp nhiều hạn chế. Thay vào đó, đơn vị nào, kể cả trong nước và ngoài nước, vận dụng tốt bài toán nhượng quyền sẽ có lợi thế hơn.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Nếu chỉ vài phần trăm trong số này chuyển đổi sang mô hình cửa hàng tiện lợi dưới hình thức nhượng quyền, quy mô của doanh nghiệp nhượng quyền sẽ phát triển nhanh trong thời gian ngắn.
Nhiều doanh nghiệp nội cũng đã nhận thấy vấn đề của cuộc đua bán lẻ hiện nay và chuẩn bị cho cuộc đua trong tương lai. Điển hình như mô hình nhượng quyền Co.op Smile của Saigon Co.op được đưa ra từ năm 2016. Co.op Smile có diện tích từ 20-200 m2 với khoảng 2.000 mặt hàng kinh doanh. Tính đến hiện tại, có khoảng 130 cửa hàng Co.op Smile tại TP.HCM.
Tương tự, Masan vừa khai trương 2 cửa hàng WinMart+ nhượng quyền đầu tiên tại Hà Nội và Bắc Giang. Đây là bước khởi đầu cho mục tiêu phát triển 20.000 cửa hàng nhượng quyền, 10.000 cửa hàng tự vận hành vào năm 2025 của tập đoàn. Ra đời sau nên tập đoàn này đã tích hợp thêm nhiều dịch vụ độc quyền trong hệ sinh thái của mình, ngoài thanh toán điện nước, truyền hình cáp như mạng di động Reddi, dược phẩm Phano, dịch vụ Ngân hàng Techcombank...
Bước sang năm 2022, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là chuyển đổi số, đa dạng kênh bán hàng, đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến bên cạnh tối ưu hoá kênh bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, cuối cùng hậu cần cho toàn bộ chuỗi cửa hàng vẫn là bài toán các doanh nghiệp bán lẻ phải giải. Đơn vị nào làm tốt hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn nhờ mạng lưới phát triển nhanh hơn những doanh nghiệp khác.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư