Cánh cửa lớn 700 tỉ USD từ Nhật
Thị trường thực phẩm quy mô hơn 700 tỉ USD của Nhật đang rộng cửa với Việt Nam.
Nhờ thị trường khó tính này, nhiều doanh nghiệp Việt vừa nâng cao được năng lực chế biến, vừa tận dụng tốt các nguồn lực ít giá trị để tăng sức cạnh tranh.
Rong nho, surimi sang Nhật
Có một nền ẩm thực có sức ảnh hưởng lớn, nước Nhật tạo nên thị trường tỉ USD cho những loại thực phẩm mà cách đây vài thập niên còn chưa xuất hiện ở Việt Nam, chẳng hạn rong nho hay các loại surimi (thực phẩm làm từ bột cá). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2021, chả cá và surimi là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tỷ lệ tăng trưởng cao của Việt Nam, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 381 triệu USD, trong đó thị trường Nhật chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong bối cạnh các ngư trường bị thu hẹp, việc tăng xuất khẩu surimi làm từ cá vụn, cá rẻ tiền có ý nghĩa lớn trong chiến lược phát triển bền vững của ngành thuỷ hải sản Việt Nam.
Tương tự với surimi, rong nho cũng là loại thực phẩm không khó về nguồn nguyên liệu nhưng đòi hỏi cao ở khâu chế biến. Những năm gần đây, nhiều ao nuôi tôm, nuôi ốc hương không hiệu quả ở Khánh Hoà đã thu được lợi nhuận nhờ rong nho có mức giá 10-15 USD/kg. Tại Khánh Hoà, thời gian sinh trưởng của rong nho từ khi trồng đến khi thu hoạch là 15-20 ngày, mỗi ha có thể cho năng suất 30 tấn/năm, cao gấp đôi so với kết quả trồng ở Nhật, trong khi chi phí đầu tư thấp hơn khoảng 10 lần. Để xuất khẩu thành công rong nho, các doanh nghiệp địa phương đều mất gần cả chục năm nghiên cứu, hoàn thiện quy trình. Trước khi chấp nhận đặt hàng của Công ty Trí Tín (Nha Trang), một nhóm chuyên gia người Nhật đã bay sang Việt Nam, trực tiếp đến tận cơ sở nuôi trồng của công ty này để tìm hiểu thực tế toàn bộ quy trình nuôi trồng, sơ chế.
Ông Shiotani Yuichiro, đại diện AEON TopValu Việt Nam, nhận xét: “Tiềm năng của nhóm hàng thực phẩm có thể lên tới 1 tỉ USD nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy lượng hàng hoá xuất sang Nhật”. Ông Shiotani cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt có thể tập trung cải thiện khả năng chế biến sản phẩm, ứng dụng kỹ thuật, ví dụ như đông lạnh, sấy khô để tăng sản lượng nông sản xuất khẩu, đồng thời chú trọng sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam với năng lực cạnh tranh cao tại thị trường Nhật.
Mục tiêu 1 tỉ USD
Đến nay, đã có khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với AEON để xuất hàng sang Nhật. Riêng ở nhóm nông sản, không dừng lại ở trái vải, xoài, thanh long... mà sắp tới hệ thống này sẽ mở rộng xuất khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam sang đất nước mặt trời mọc.
Hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam ngày càng được thị trường này đón nhận và thị trường bán lẻ hứa hẹn nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam tăng 1 tỉ USD vào năm 2025. Theo ông Makoto Nakamura, chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế thuộc Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật, nước này hiện có khoảng 58,8 triệu hộ gia đình. Bình quân khoảng 2,17 người/hộ gia đình sẽ tiêu thụ sản phẩm đóng gói nhỏ hay khẩu phần thức ăn nhỏ. Thị trường thực phẩm bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện lợi có quy mô khoảng 409 tỉ USD; thị trường phục vụ thức ăn như khách sạn, nhà hàng, khoảng 227 tỉ USD.
“Nhật là một trong những quốc gia đứng trong top đầu thế giới về nhập khẩu nông sản, thực phẩm, trong đó chủ yếu là cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn nướng, rau củ, quả...”, ông Makoto Nakamura cho biết. Trong xu hướng tiêu dùng mặt hàng nông sản, thực phẩm, người dân Nhật quan tâm nhất tới vấn đề an toàn cho sức khoẻ, sau đó mới đến giá cả, tính tiện lợi và thực phẩm cao cấp là ưu tiên cuối cùng.
Dù còn nhiều dư địa nhưng việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường Nhật không hề dễ dàng. Bởi vì đây là thị trường cực kỳ khó tính và yêu cầu rất cao đối với hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng trực tiếp như nông sản. Hàng hoá nhập khẩu sản phẩm vào Nhật liên quan nhiều cơ quan chức năng và các quy định khác nhau của Nhật như Luật Thương mại Quốc tế và Trao đổi Ngoại hối; Luật Vệ sinh thực phẩm; Luật Thuế quan và Hải quan, Luật Tiêu chuẩn hoá và Dán nhãn các sản phẩm Nông và Ngư nghiệp; Luật Đo lường; Luật Bảo vệ sức khoẻ...
Ông Hoàng Bá Nghị, Giám đốc Công ty Công Nghệ NHONHO (Tổ chức Chứng nhận NHO), chia sẻ: “Trước đây, chất lượng sản phẩm được kiểm soát theo phương pháp lấy ngẫu nhiên mẫu và huỷ bỏ sau khi kiểm tra, có độ rủi ro cao. Còn hiện nay, sản phẩm nông sản thực phẩm được kiểm soát ngay từ khâu đầu vào từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, con người, từ trang trại đến bàn ăn”. Chẳng hạn, 2021 là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật kèm theo tem truy xuất nguồn gốc itrace247. Qua đó, người tiêu dùng Nhật sẽ hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển trái cây từ Việt Nam.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư