COVID-19 không thể cản trở được một thứ: Bán bia rượu
COVID-19 đã làm đảo lộn thị trường, song không thể ngăn được một ngành hàng có mức tiêu thụ đã tăng vượt mức trước khi xảy ra đại dịch: bia rượu.
Sự kết hợp giữa việc cấm đi lại, giãn cách xã hội, phong toả nhiều nơi, đóng cửa trường học và các cuộc gặp gỡ gia đình bị huỷ bỏ trên toàn cầu do đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người phải… tăng uống bia rượu!
Cùng với đó, việc các quán bar, nhà hàng và địa điểm thể thao bị đóng cửa thường xuyên, khiến người tiêu dùng phải tìm các giải pháp thích nghi mới. Doanh số bán rượu bia tại các cơ sở sản xuất của Mỹ đã tăng vọt kể từ tháng 3/2020 và dự báo sẽ còn tiếp diễn.
“Điều quan trọng hơn bao giờ hết với các nhà hàng là kinh doanh thực phẩm và đồ uống dưới bất cứ hình thức nào để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, để cho khách hàng cảm thấy thoải mái nhất – cho dù đó là ở lề đường, trong cửa hàng hay qua con đường ship hàng”, ông Bryan Solar, người phụ trách bộ phận nhà hàng của công ty xử lý thanh toán Square (Mỹ) cho biết.
Một lĩnh vực đã tăng trưởng một cách kinh ngạc là các sản phẩm no buzz (từ trước tới nay không quá phổ biến). Công ty bán lẻ rượu trực tuyến Drizly cho biết thị phần bán rượu không cồn (nonalcoholic spirit) đã tăng hơn 600% từ năm 2020 – 2021.
Thị trường Mỹ chỉ là một ví dụ điển hình. Báo cáo “Thị trường đồ uống có cồn toàn cầu năm 2021: tác động của COVID-19 và triển vọng phục hồi đến năm 2030” của ResearchAndMarkets.com cho biết, thị trường đồ uống có cồn toàn cầu ước tính tăng từ 499,74 tỉ USD vào năm 2020 lên 546,15 tỉ USD năm 2021 với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 9,3%, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ 8%/năm, đạt 735,83 tỉ USD. Như vậy, giai đoạn đại dịch chính là khoảng thời gian thị trường tiêu thụ mạnh nhất.
Thị trường đồ uống có cồn bao gồm việc bán đồ uống có cồn của các tổ chức (tổ chức, thương nhân độc quyền và đối tác), sản xuất đồ uống có cồn thông qua quá trình lên men và sản xuất đồ uống có cồn chưng cất. Các công ty trong ngành sản xuất đồ uống có cồn chế biến nguyên liệu thô thành đồ uống có cồn, đóng gói và phân phối sản phẩm qua nhiều kênh phân phối cho cả khách hàng cá nhân và các cơ sở thương mại.
Những người hưởng lợi nhất chính là các công ty đồ uống có cồn lớn, bao gồm Anheuser Busch InBev, Heineken, Diageo, Tập đoàn Carlsberg và Pernod Ricard.
Thị trường đồ uống có cồn được phân thành bia, rượu vang và rượu mạnh.
Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực lớn nhất trong thị trường đồ uống có cồn toàn cầu, chiếm 42% thị phần vào năm 2020. Bắc Mỹ là khu vực lớn thứ hai, chiếm 24% thị trường đồ uống có cồn toàn cầu. Trung Đông là khu vực nhỏ nhất trong thị trường đồ uống có cồn toàn cầu.
Các nhà sản xuất đồ uống có cồn hiện đang cung cấp các loại đồ uống kết hợp pha sẵn để phục vụ cho việc thay đổi thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng. Đồ uống kết hợp là sự pha trộn của đồ uống có cồn từ nhiều loại đồ uống. Chúng được pha chế bằng cách sử dụng sự kết hợp hương vị độc đáo, thành phần và phương pháp sản xuất từ nhiều loại đồ uống.
Ví dụ, sản xuất rượu mạnh hoặc bia trong thùng rượu để tạo cho chúng một hương vị riêng biệt. Đồ uống kết hợp đặc biệt rõ ràng trong danh mục rượu mạnh, với các sản phẩm như bia pha với rượu rum và trà pha với rượu vodka. Một số loại đồ uống lai phổ biến trên thị trường bao gồm Malibu Red (rum và tequila), Kahlua Midnight (rum và kahlua) và Absolut Tune (vodka và rượu vang sủi tăm).
Sự gia tăng dân số tạo ra nhiều nhu cầu hơn đối với đồ uống có cồn. Sản lượng trồng trọt, các hoạt động canh tác và khối lượng thương mại sẽ phải tăng lên để đáp ứng sự gia tăng dân số. Do đó, các công ty trên thị trường này dự kiến sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu về các sản phẩm có cồn – đồ uống tăng do dân số tăng trong thời gian dự báo.
Trong năm 2021, thị trường tài chính và hàng hoá toàn cầu tăng trưởng ngoạn mục, với những điểm sáng rực rỡ là chứng khoán hay giá dầu, song ít người biết rằng trong danh mục đó có cả mặt hàng bia rượu. Và loại tài sản có mức tăng vượt trội hơn cả cổ phiếu hay bitcoin chính là rượu vintage Champagne – loại rượu sâm panh cổ điển có xuất xứ từ miền Đông Bắc Pháp và được ủ từ một vụ nho nhất định, không pha trộn và thường chỉ được sản xuất 3-4 lần trong mỗi thập kỷ.
Các nền tảng trực tuyến cho phép bạn giao dịch rượu vang, Champagne và rượu mạnh giống như cổ phiếu hoặc tiền tệ, đã ghi nhận hoạt động kỷ lục và biến động giá lớn trong năm vừa qua.
Số liệu từ LiveTrade, công ty điều hành nền tảng giao dịch trực tuyến bao gồm chỉ số Bordeaux về đồ uống, cho thấy rượu vintage Champagne chiếm 15 vị trí trong số 20 tài sản có mức tăng giá hàng đầu trên nền tảng này trong năm 2021. Dẫn đầu đà tăng là loại rượu vintage Champagne của Salon Le Mesnil với mức tăng hơn 80% trên cả LiveTrade và một nền tảng giao dịch rượu khác là Liv-ex. Hiện loại rượu này được bán với giá khoảng 11.700 bảng Anh một chai (15.700 USD). LiveTrade cho biết các chai Champagne năm 2012 và 2013 của Cristal là những chai được giao dịch nhiều nhất trong năm, tiếp theo là một dòng rượu cao cấp khác là Lafite Rothschild 2014 với giá 6.450 bảng/chai.
Con số trên đánh bại mức tăng 75% của bitcoin và gần gấp 5 lần so với mức tăng 18% của nhóm chỉ số chứng khoán NYFANG+TM, gồm Facebook, Amazon, Netflix, Google, Tesla và Microsoft – những công ty đã thúc đẩy mức tăng thị trường chứng khoán thế giới vào cuối năm.
Giá rượu Comtes De Champagne 2006 của Taittinger cũng tăng giá mạnh, cùng với vintage 2002 và 1996 của Krug với mức tăng hơn 70%. Giá các loại rượu Krug 2000, Bollinger La Grande Année 2007, Cristal Rosé 2008 và Dom Pérignon P2 2002 đều tăng trong khoảng 54-55% trong năm vừa qua.
Như đã nói ở trên, có hàng loạt yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ hoạt động kinh doanh rượu trong năm vừa qua, trong đó có lãi suất được các ngân hàng trung ương giữ ở mức thấp và tiền tiết kiệm của các hộ gia đình cao nhờ các khoản cứu trợ khổng lồ trong đại dịch.
Riêng đối với rượu vang, loại Champagne còn được hưởng lợi từ việc khoản thuế 25% do Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt lên rượu vang Châu Âu đã bị đình chỉ ngay sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm 2021.
Vũ Ngọc Diệp
Nguồn CafeF