Cơ hội lớn để xuất khẩu văn hoá cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới
Có mặt trên 80 quốc gia, cà phê Việt Nam không chỉ dừng lại là một đồ uống mà còn là một văn hoá cũng có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu thuộc “top đầu” của ngành nông nghiệp, mang về 3 tỉ USD năm 2021. Hiện cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu và xếp thứ 2 trên thế giới.
Tại Việt Nam thì Lâm Đồng – vùng đất sản xuất cà phê Arabica cho chất lượng tốt nhất và ngon nhất của Việt Nam, và một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh Lâm Đồng là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và trong thời gian tới sẽ xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm cà phê Arabica của Việt Nam trở thành một trong những vùng sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao trên toàn cầu.
Người Pháp đã mang sang Việt Nam những giống cà phê Arabica nổi tiếng
Bà Phan Thị Nhâm, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay sản phẩm cà phê Arabica của Lâm Đồng không chỉ nổi tiếng trong nước mà các thị trường trên thế giới cũng biết tới. Hiện nay cà phê Arabica của Lâm Đồng càng ngày càng được nâng cao về chất lượng nhờ áp dụng khoa học công nghệ từ khâu trồng cho đến chế biến.
Phó giám đốc Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng chia sẻ một số kinh nghiệm về sản xuất và phát triển sản phẩm cà phê cao cấp của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xây dựng các vùng trồng và chế biến cà phê Arabica.
So với các giống cà phê khác, Arabica tuy được đánh giá cao về hương vị lẫn giá trị kinh tế nhưng lại là loại cây khó canh tác, khả năng chống chịu kém, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và là giống cây ưa lạnh (phát triển tốt ở nhiệt độ khoảng 18 – 24°C, độ cao khoảng 1000 1500m so với mực nước biển).
Việt Nam không phải là vùng đất có thổ nhưỡng lý tưởng cho giống cà phê này, tuy nhiên vẫn có 4 loại cà phê Arabica nổi danh được trồng tại Việt Nam. Đây là những giống nổi tiếng mà người Pháp đã mang sang Việt Nam, bao gồm: Bourbon, Typica, Mocha và Catimor.
Sau này đã cải thiện một số giống để trồng tại Lâm Đồng và được tỉnh dành những nguồn kinh phí hỗ trợ cải thiện giống Arabica chất lượng cao. Không chỉ có Nhà nước mà các doanh nghiệp ở Lâm Đồng cũng đã quan tâm nghiên cứu và phát triển các giống cà phê này.
Cà phê Arabica của Lâm Đồng đạt khoảng 174 ngàn ha, và hiện nay đề án tái canh cà phê được đạt khoảng 50%, tương đương 79.000 ha sẽ giúp tăng cao sản lượng trong thời gian tới, và trong quá trình chế biến các doanh nghiệp cũng đã quan tâm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng cũng như các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, GTZ hay 4C …
Lâm Đồng hiện là một trong những đơn vị đứng đầu trong cả nước áp dụng tiêu chuẩn 4C và có sự liên kết với người dân để tổ chức thực hiện hoạt động này.
“Tuy nhiên, trong chuỗi cà phê lợi nhuận từ cà phê nhân chỉ chiếm khoảng 10% trong khi có đến 90% lợi nhuận nằm ở cà phê chế biến rang xay, cà phê hoà tan. Do vậy, trong quá trình chế biến Sở KHCN đã hỗ trợ chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất như là ISO 22000 để đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới và nâng cao chất lượng cũng như tiết kiệm các lãng phí trong sản xuất.
Ngoài ra Lâm Đồng cũng có phương pháp chế biến đối với cà phê Arabica, đó là phương pháp chế biến ướt, chế biến khô và chế biến theo dạng mật ong khô và ướt cũng như một số công nghệ khác cũng được đưa vào để áp dụng.
Trong quá trình sản xuất cà phê đã áp dụng máy phân loại cà phê máy bắn màu hoặc những máy rang xay hiện đại đều được các doanh nghiệp ở Lâm Đồng áp dụng để để sản xuất chế biến cà phê”, Phó giám đốc Sở KHCN cho biết.
Cà phê còn mang theo một phong cách sống và văn hoá Việt Nam
Để nâng cao chất lượng cà phê và nâng cao tính cạnh tranh cà phê tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, Sở KHCN có kế hoạch thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cũng như đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê, nhằm nâng cao được giá trị cà phê của công ty cũng như đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản …
Bên cạnh đó, từ quỹ phát triển khoa học công nghệ, Sở cho các đơn vị vay vốn đầu tư các trang thiết bị để có thể phơi cà phê không bị mốc trong giai đoạn thu hái và sơ chế, và một số các thiết bị đo độ ẩm, độ đường cà phê hoặc là các dụng cụ khác cũng đều được trang bị để đảm bảo kiểm soát được chất lượng cà phê.
Ông Paul Lê, Giám đốc Kiến tạo Giá trị chia sẻ Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam nhìn nhận:
“Cà phê không chỉ là một thức uống mà còn là một văn hoá một phong cách sống và Việt Nam có thể bán được văn hoá cà phê của mình ra thị trường thế giới, bởi vì văn hoá cà phê của Việt Nam rất phong phú và sâu sắc.
Đây là một cơ hội lớn và chưa bao giờ chúng ta lại đứng trước một cơ hội tốt như thế này, khi sản xuất cà phê của Việt Nam ngày một tốt hơn và đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, và đáp ứng được các chứng chỉ mà người tiêu dùng quốc tế quan tâm đòi hỏi mà chúng ta lại có một văn hoá sâu sắc về cà phê”.
Nguyễn Huyền
Nguồn BizLive