CASA đua nước rút
Các ngân hàng quốc doanh bắt đầu gia nhập cuộc đua huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA), đẩy sức nóng tăng cao.
Ngày càng nhiều ngân hàng sử dụng chính sách “miễn phí giao dịch” để thu hút khách hàng. Ngay cả những ngân hàng lớn cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Điển hình, Vietcombank mới đây cho biết sẽ miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên VCB Digibank, kênh ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân của Vietcombank kể từ đầu năm 2022.
“Miễn phí” trở thành xu hướng
Tiếp sau đó, BIDV cũng công bố chính sách miễn phí hoàn toàn cho khách hàng giao dịch trên kênh số từ đầu năm sau. Ngân hàng này cho rằng chính sách miễn phí không chỉ để hỗ trợ cho khách hàng trong đại dịch, mà còn để ủng hộ chủ trương Chuyển đổi số quốc gia và xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhưng đó cũng chưa hẳn là lý do chính để các ngân hàng có quy mô lớn, sở hữu lợi thế tự nhiên về lượng khách hàng trong quá khứ, triển khai chính sách miễn phí – “zero fee”. Với chính sách mới, khách hàng sẽ tiết kiệm đáng kể khi giao dịch trực tuyến, nhưng sâu xa hơn đó là câu chuyện lợi thế kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh công nghệ lên ngôi và mặt bằng lãi suất ở mức thấp.
Nguyên lý ở đây khá đơn giản, khách hàng vì được miễn phí giao dịch nên thường có xu hướng để sẵn tiền trong các tài khoản thanh toán, vốn là tài khoản có lãi suất ở mức thấp nhất trong số các lãi suất mà ngân hàng huy động, chỉ quanh mức 0,2%/năm. Lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) vì thế là trọng tâm được nhiều ngân hàng chú ý trong vài năm trở lại đây.
Trên thực tế, miễn phí giao dịch không phải là chính sách mới, nhưng nay được nhiều ngân hàng thực hiện triệt để hơn. Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân trước đó cũng đưa ra chính sách miễn phí giao dịch nhưng kèm theo một số điều kiện riêng lẻ như yêu cầu số dư tối thiểu.
Một trong số câu chuyện gây ấn tượng về CASA trong thời gian qua là Techcombank, nằm trong nhóm ngân hàng đầu tiên cố gắng đưa khái niệm “zero fee” từ giai đoạn 2016-2017. Nỗ lực này giúp Techcombank dẫn đầu tỉ lệ CASA trên thị trường hiện nay, với con số 45% tính đến cuối quý III vừa qua. Trong giai đoạn 2018-2019, Techcombank thường bám đuổi sát Vietcombank và MB nhưng tăng tốc rõ rệt vào năm 2020. Trên thị trường hiện nay, xếp sau Techcombank là MB (39%) và Vietcombank (khoảng 30%).
Một trong những lý do quan trọng giúp CASA tăng mạnh là đại dịch không chỉ tạo cú hích thay đổi về phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến, mà còn đẩy mặt bằng lãi suất huy động giữ ở mức rất thấp – không đủ hấp dẫn để khách hàng phải đắn đo giữa kỳ hạn 3 tháng hay không kỳ hạn. Số liệu cũng cho thấy toàn hệ thống ngân hàng ghi nhận tỉ lệ CASA tăng lên 20,1% vào quý III, tăng mạnh so với 17,7% của năm 2020.
CASA tăng mạnh còn nhờ xu hướng số hoá. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ eKYC (định danh trực tuyến) giúp mở nhanh tài khoản thanh toán và khách hàng có thể giao dịch ngay đã giúp thúc đẩy khoản tiền gửi không kỳ hạn tăng nhanh tính chung trong hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ tháng 3-10/2021, đã có hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở theo phương thức này. Điều đó không chỉ giúp các ngân hàng tăng mạnh lượng khách hàng sử dụng dịch vụ và sử dụng thường xuyên (do chính sách miễn phí), mà còn tận dùng được nguồn vốn dồi dào và giảm chi phí vốn đáng kể.
Huy động CASA càng nhiều, chi phí vốn càng thấp và đây là một lợi thế rất lớn giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, những ngân hàng có lợi thế chi phí vốn dựa trên tỉ lệ CASA cao hoặc ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt, đều đã duy trì hoặc mở rộng NIM (biên lợi nhuận chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra) đáng kể trong 9 tháng đầu năm 2021.
CASA bước sang giai đoạn mới
Theo đánh giá của các chuyên gia, dịch bệnh trong 2 năm qua đã vô tình đem đến sự tăng trưởng vượt trội của CASA nói chung trong thời gian qua, nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Theo dự báo của FiinPro và khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BSC, tỉ lệ CASA trong năm nay có thể đạt 19,9% và tăng lên đến 23,2% trong năm sau, một mức tăng rất lớn.
Bên cạnh chiến lược hút tiền gửi từ thị trường dân cư thông qua chính sách miễn phí giao dịch, mặt bằng lãi suất tiếp tục giữ ở mức thấp được kỳ vọng là yếu tố quan trọng giúp CASA tiếp tục tăng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VCBS, một phần lớn tiền gửi kỳ hạn dài đã được chuyển qua tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn ngắn có mức lãi suất thấp hơn. “Chúng tôi cho rằng xu hướng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, khiến cho tỉ lệ CASA toàn ngành tiếp tục tăng lên”, VCBS nhận định.
“Tỉ lệ nợ xấu nội bảng được dự báo sẽ trên 2% vào năm 2021 và có thể tăng lên 2,3-3,5% trong năm 2022, thậm chí còn có thể tăng cao hơn khi quy định cơ cấu lại nợ hết hiệu lực. Điều này buộc các ngân hàng phải tăng thêm nguồn lực dự phòng rủi ro”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, nhận định.
Theo dự báo của FiinPro và khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BSC, tỉ lệ CASA trong năm nay có thể đạt 19,9% và tăng lên đến 23,2% trong năm sau, một mức tăng rất lớn.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào chính sách “zero fee” để hấp dẫn khách hàng rõ ràng là chưa đủ. Về mặt chi phí, việc miễn phí giao dịch cũng sẽ khiến cho nhiều ngân hàng hụt nguồn thu đáng kể, đặc biệt là ở những ngân hàng có quy mô giao dịch lớn như Vietcombank. Do đó, nhìn chung, chi phí vận hành cho các loại tài khoản “phí 0 đồng” là không hề rẻ.
Ngân hàng là người hiểu câu chuyện này hơn ai hết. Trên thực tế, khách hàng mở tài khoản thanh toán mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để giữ chân CASA không chỉ là miễn phí giao dịch, vì hiện nay ngân hàng nào cũng miễn phí. Cuộc đua CASA vì thế sẽ bắt đầu bước vào bước ngoặt mới, đó là xem thử ngân hàng nào có thể cung cấp được đa dạng hoá dịch vụ, từ thanh toán, tiêu dùng cho đến đầu tư, để giữ dòng tiền của khách hàng ở lại trong hệ sinh thái.
Phương Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư