Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Doanh nghiệp Việt thay vì tự đàm phán và mua 100 triệu USD công nghệ từ nước ngoài, thì hoàn toàn có thể dùng các viện nghiên cứu, trường đại học làm “cửa sổ công nghệ”. “Làm vậy, giá thành công nghệ ít nhất giảm một nửa”, ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN phân tích.

“Xét tổng thể, chúng ta đang thiếu cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp lẫn chất lượng doanh nghiệp”, ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ với chúng tôi vào một chiều cuối tuần, khi ông đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện VCIC Connect, một sự kiện kết nối quan trọng của Ban quản lý dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), nơi ông giữ cương vị Giám đốc.

“Xét về bình quân, trong kinh tế học có chỉ số bình quân 40 người dân có 1 doanh nghiệp, sẽ không diễn ra tình trạng đói nghèo, thiếu công ăn việc làm. Ở Việt Nam, hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp trên tổng số hơn 98 triệu dân. Số đầu người dân/doanh nghiệp còn khá lớn”, ông Nghiệm cho biết thêm.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Với việc hỗ trợ cấp vốn mồi cho 48 doanh nghiệp cùng hỗ trợ kỹ thuật cho hơn 500 doanh nghiệp trên cả nước, người đứng đầu VCIC cho biết doanh nghiệp Việt có 2 điểm yếu nhất: một là mô hình quản trị lạc hậu, dựa theo quan hệ gia đình, bạn bè, người quen, không dựa trên chuẩn quản trị hiện đại; hai là trình độ công nghệ, năng lực hấp thụ còn hạn chế.

Muốn hấp thụ công nghệ, nhưng doanh nghiệp Việt đang bỏ quên cửa sổ công nghệ

Báo cáo “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” công bố mới đây cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ ở mức độ 1.0 – sử dụng quy trình thủ công. Theo ông, làm thế nào để tăng mức độ ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp Việt?

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Từ số liệu thống kê trong nhiều báo cáo, chúng ta thấy năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, trình độ công nghệ còn hạn chế, xuất xứ công nghệ chủ yếu nhập khẩu từ các nước (vùng lãnh thổ) đang phát triển. Trên 70% công nghệ, theo số liệu thống kê, nhập từ Trung Quốc và Đài Loan là chính.

Để giúp doanh nghiệp Việt đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực công nghệ thì có nhiều biện pháp và con đường, nhưng tôi nghĩ con đường đầu tiên là chúng ta phải thúc đẩy và khai thác tốt được vai trò cửa sổ công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam.

Nghe có vẻ không liên quan gì, nhưng về mặt bản chất thì liên quan rất chặt. Theo kinh nghiệm phát triển thị trường công nghệ từ các nước phát triển, lúc nào mà các viện, trường đứng ngoài bài toán công nghệ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ còn loay hoay mãi về công nghệ. Bởi vì để đàm phán trực tiếp nhập khẩu công nghệ cao từ nước phát triển về Việt Nam, rất ít doanh nghiệp Việt có đủ điều kiện về nhân lực và nguồn lực tài chính để nhập khẩu công nghệ. Thêm vào đó, đặc tính của công nghệ là tri thức ẩn, người bán/ tác giả có thói quen “thổi phồng” các đặc tính của công nghệ, người mua khó có khả năng thẩm định, xác định trình độ và hiệu quả kinh tế của công nghệ.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Quay trở lại thời điểm mà các nước phát triển có trình độ công nghệ tương tự như Việt Nam bây giờ, họ cũng gặp phải thách thức. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, xuất khẩu hàng hoá vào các thị trường khó tính thì phải đổi mới công nghệ, mà biện pháp chính là nhập khẩu công nghệ từ các nước có trình độ công nghệ cao. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là không đủ tiền lẫn trình độ nhân lực.

Vậy họ sẽ phải làm thế nào? Câu trả lời là họ sử dụng các các viện nghiên cứu, trường đại học làm cửa sổ công nghệ, hấp thụ và làm chủ công nghệ.

Quy trình thường được diễn ra là: Các tổ chức trung gian, môi giới sẽ cùng doanh nghiệp đàm phán công nghệ với nhà cung ứng nước ngoài, nhưng thay vì nhập khẩu nguyên toàn bộ dàn công nghệ về Việt Nam thì chỉ nhập phần lõi, bí quyết công nghệ, còn toàn bộ 70-80% tổng giá trị phần thiết bị thì trả thêm cho đối tác 15-20% lợi nhuận, đề nghị bên đối tác chuyển giao bản vẽ chế tạo để viện, trường của Việt Nam nghiên cứu hấp thụ, chỉnh sửa, hoàn thiện, customize theo yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, giá thành công nghệ ít nhất giảm một nửa.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Hiện tại doanh nghiệp Việt hầu hết loay hoay tự đàm phán, đàm phán xong thì lại không triển khai được. Bởi các doanh nghiệp không đánh giá, thẩm định được chất lượng công nghệ, không tiếp cận được nguồn cung công nghệ và thiếu kỹ năng đàm phán, xác định công nghệ, thoả thuận hợp tác công nghệ với các đối tác nước ngoài.

Chi phí nhập khẩu công nghệ cao vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp, doanh nghiệp lại không biết làm thế nào để bóc tách công nghệ. Ví dụ như một dàn công nghệ khoảng 100 triệu USD, viện, trường tham gia có thể bóc tách chỉ lấy phần lõi công nghệ 20 triệu USD, phần còn lại nhận chuyển giao…

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Ông vừa đề cập việc nhập khẩu công nghệ cao vừa cần nhân lực, vừa cần tài lực?

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và khai thác được lợi thế của các hiệp định thương mại của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Theo khảo sát của chúng tôi, số liệu thống kê cho thấy tác động của COVID-19 khiến các doanh nghiệp rời bỏ thị trường là rất lớn, trong 6 tháng vừa rồi thì nhu cầu của doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ tăng khoảng 25% so với 2020. Qua đó cho thấy, rõ ràng việc nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm để hướng đến thị trường quốc tế là một nhu cầu đặt ra khi chúng ta gia nhập vào thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại. Nhưng doanh nghiệp lại loay hoay mãi bởi nằm trong thế kẹt: vừa muốn công nghệ tốt nhưng lại không đủ tiền, không đủ nhân lực.

Tiền ở đâu? Ngoài huy động các nguồn vốn quốc tế, thì làm thế nào hạ giá thành được công nghệ nhập khẩu? Thì khi ấy, vai trò “cửa sổ công nghệ” của các viện, trường để hấp thụ, làm chủ, chuyển hoá một phần công nghệ với chi phí rẻ hơn cho doanh nghiệp là rất cần.

Về bài toán nhân lực thì viện, trường có nhân lực. Các chuyên gia đó sẽ vào thiết kế, set-up, cùng làm với doanh nghiệp, tạo dựng vận hành ban đầu và đào tạo, chuyển giao. Đến lúc nhân sự của doanh nghiệp “cứng” rồi, thì các thầy rút ra để doanh nghiệp tự vận hành.

Các nước đều phải làm như vậy. Như vậy, một trong những lời giải bài toán nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt là phải tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và viện, trường. Nếu lúc nào viện, trường đứng ngoài công cuộc đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, lúc đó chúng ta sẽ rất thách thức.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021 (Global Innovation Index 2021 – GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố có hơn 80 chỉ số thành phần. Trong đó, năng lực hấp thụ tri thức xếp hạng 10 – là thế mạnh của Việt Nam nhờ sự dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19), nhưng chỉ số hợp tác viện, trường – doanh nghiệp lại ở thứ hạng thấp bậc nhất – hạng 65 (dù đã tăng 10 bậc so với năm 2020).

Từ trường hợp “sếu đầu đàn” VinFast sang Mỹ, chuyển đổi số là cần, nhưng chưa đủ

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Ảnh: Vingroup

Ông nhiều lần lưu ý chuyển đổi số là cần, nhưng chưa đủ. Vì sao vậy?

Chuyển đổi số đặt ra là đúng, là con đường bắt buộc chúng ta phải đi qua nếu muốn bứt phá, nhưng theo tôi là chưa đủ, mà phải có một loạt biện pháp khác nữa. Ví dụ, xét về mô hình phát triển khoa học công nghệ của các quốc gia, các chuyên gia quốc tế thường chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Bắt chước và học hỏi
  • Giai đoạn 2: Hấp thụ và làm chủ
  • Giai đoạn 3: Đổi mới sáng tạo
Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Nhưng thực tế, không bao giờ một quốc gia chỉ nằm ở giai đoạn bắt chước hay hấp thụ và làm chủ, các thành phần kinh tế, các nhóm doanh nghiệp không phải đều cùng một điểm xuất phát và có trình độ phát triển giống nhau. Sự chuyển dịch vốn dĩ không đồng đều. Số liệu cho thấy một số lĩnh vực công nghệ của Việt Nam như nông nghiệp, thuỷ sản, đang ở giai đoạn bắt chước, nhưng một số lĩnh vực đã sang giai đoạn hấp thụ và làm chủ, đặc biệt lĩnh vực về ICT, cơ khí chế tạo và một số lĩnh vực nữa đã bước sang đổi mới sáng tạo.

Nếu coi chuyển đổi số như một con tàu, thì đa số phần thân tàu, hệ thống đang nằm ở giai đoạn 1 – bắt chước, nhưng một số đã sang giai đoạn 2, một số vọt hẳn sang trình độ thế giới ở giai đoạn 3.

Như vậy, không thể có một chính sách chung cho tất cả. Đa số ở giai đoạn bắt chước thì số hoá là đúng, nhưng nhóm đang làm chủ thì dùng chính sách gì? Nhóm sáng tạo thì đã số hoá từ lâu, biện pháp nào cho nhóm đang tiệm cận trình độ thế giới? Nếu không có chính sách riêng phù hợp thì chúng ta sẽ bỏ lỡ chuyến tàu lịch sử. Không thì cái định làm mũi nhọn lại thành mũi tù. Không phát huy mà loay hoay ở những giải pháp cho số đông, thì chúng ta mất cơ hội.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Kế thừa kinh nghiệm phát triển của các quốc gia đi trước và tổng kết 25 năm sau đổi mới ở nước ta, để thực hiện hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh thì con đường phía trước chúng ta phải kiên trì theo đuổi là “đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, tái cấu trúc lại mô hình tăng trưởng từ dựa trên tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực giá rẻ sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nói một cách đơn giản, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tất yếu.

Và vì lẽ đó, chuyển đổi số là đúng, là cần, nhưng để phát huy được lợi thế do chuyển đổi số mang lại, chúng ta cũng rất cần phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao về thiết kế, về khuôn mẫu, về cơ khí chính xác, tự động hoá và đặc biệt là vật liệu… Xét trên bình diện quốc gia hay doanh nghiệp thì đúng là không tự chủ về công nghệ sẽ khó tự chủ về kinh tế.

Chúng ta tin tưởng vào tương lai của đất nước nhưng cũng cần thận trọng trước bài học nhãn tiền của một số quốc gia: mở cửa cho đầu tư nông nghiệp không kèm theo hành lang pháp lý phù hợp, dẫn đến tài nguyên nông nghiệp cạn kiện, nông dân cày thuê trên ruộng của chính mình; số hoá và phát triển kinh tế số nhưng không chú trọng phát triển công nghệ nền tảng để chuyển hoá dữ liệu thành tài nguyên quốc gia, biến dữ liệu thành tiền, dữ liệu số sẽ trở thành tài nguyên béo bở cho các tập đoàn công nghệ nước ngoài, kết quả là người dân ở thuê trong nhà của chính mình!

Trong phát triển kinh tế, sếu đầu đàn sẽ quyết định những con sếu sau. Chiến lược của các nước là cứ mỗi ngành hàng phải xây dựng 3 – 5 sếu đầu đàn, để dẫn dắt công nghệ, kinh tế, dẫn dắt thị trường của nhóm ấy. Lĩnh vực cơ khí chế tạo, rất mừng có anh Phạm Nhật Vượng đưa VinFast sang Mỹ. Đó là niềm tự hào của Việt Nam. Nếu có chính sách tốt, chúng ta sẽ có nhiều sếu đầu đàn để dẫn dắt chuỗi hàng hoá nước mình đi vào thị trường quốc tế.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi quen kéo bạn bè, vợ chồng cùng điều hành

11 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do ảnh hưởng của COVID-19. Theo kinh nghiệm của ông, đâu là điểm doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ nhất trong giai đoạn mong manh này?

Rõ ràng tác động của COVID-19 đối với kinh tế – xã hội là rất lớn. Với doanh nghiệp, COVID có nhiều tác động, nhưng cái nhìn rõ nét nhất là mô hình quản trị, từ làm việc trực tiếp sang online, từ quản lý trực tiếp sang phân tán, giao việc cũng như quản lý trên các phần mềm. Việc thay đổi mô hình kinh doanh làm sao giảm bớt chi phí về nhân công cũng như tăng hiệu suất, hiệu quả, từ bán hàng trực tiếp sang online, đặc biệt vấn đề về vùng nguyên liệu cũng ảnh hưởng rất lớn.

Chính vì thế, một việc mà VCIC đang hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt SMEs (doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong thời gian vừa rồi là ứng dụng các mô hình quản trị tiên tiến trên cơ sở các phần mềm quản lý, làm sao tối ưu hoá mô hình quản lý, đưa các chuẩn quản trị hiện đại vào trong mô hình doanh nghiệp. Một trong những rào cản khó khăn nhất của doanh nghiệp SMEs là dựa trên mối quan hệ gia đình là chính.

Ví dụ như có công ty, bố là Chủ tịch HĐQT, mẹ là Giám đốc, con làm Kế toán trưởng, hoặc mô hình bạn bè, các nhóm đứng ra để set-up một doanh nghiệp mà không dựa trên chuẩn quản trị hiện đại. Cho nên, lúc đang khó khăn, cùng nhau hùn vốn sẽ không nảy sinh vấn đề, nhưng khi bắt đầu có thu nhập thì quyền hành, lợi ích sẽ nảy sinh, mà nếu không có các nguyên tắc quản trị, quy chế quản trị, hệ thống quản trị hiện đại, sẽ dẫn đến tan vỡ. Đây là điển hình trong mô hình quản trị phương Đông, đặc biệt là Việt Nam, dựa trên tình cảm là chính, mà không dựa trên nguyên tắc pháp lý hay quy chế quản trị.

Đâu là lời giải cho bài toán thời đại 4.0 nhưng doanh nghiệp sản xuất mới ở 1.0?

Thời gian qua, VCIC tổ chức rất nhiều khoá đào tạo huấn luyện về kỹ năng quản trị để biến một người chưa phải doanh nhân thành doanh nhân thực thụ, biến ý tưởng công nghệ thành một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi cũng đã tổ chức các đợt đưa các chuyên gia xuống tận doanh nghiệp kiểm tra từ báo cáo tài chính, hạch toán sổ sách cho đến dòng tiền, kinh doanh bán hàng, “khám sức khoẻ” cho doanh nghiệp, lên phác đồ tư vấn cho đội ngũ quản trị doanh nghiệp. Kết quả là các doanh nghiệp trong dự án của VCIC tăng trưởng rất tốt, nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng gấp đôi năm 2020, dù trong COVID-19.

Có nhiều đối tượng doanh nghiệp, vì sao ông và VCIC quan tâm tới các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu?

Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, ước tính chi phí ngân sách Việt Nam phải bỏ ra để giải bài toán thách thức biến đổi khí hậu khoảng 37 tỉ USD. Sáng kiến của Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán rằng thay vì Nhà nước phải bỏ 37 tỉ USD để giải quyết thách thức của biến đổi khí hậu, thì đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để sau đó chính các sản phẩm, ý tưởng sáng tạo được doanh nghiệp kinh doanh, phát triển và tái đầu tư quay trở lại giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, thì tổng đầu tư ít hơn 10 lần, rơi vào tầm 2,5 tỉ USD.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ kể từ vốn đầu tư, vốn mồi đến hỗ trợ kỹ thuật, sẽ dần hình thành được một đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, kinh doanh các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, qua đó biến thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh, thành sản phẩm thực sự đóng góp cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Bảo
Nguồn CafeBiz