Mở cửa quốc tế, giải cứu ngành du lịch
Mở cửa đón du khách và khôi phục các đường bay quốc tế là cơ hội sống còn của doanh nghiệp ngành du lịch.
Với chủ trương mở cửa từng bước trong trạng thái bình thường mới, ngành du lịch nhiều địa phương đang rục rịch khôi phục hoạt động cho những sự kiện cuối năm.
Mở cửa để phục hồi
Vài tháng qua, những đoàn du lịch khách quốc tế quay trở lại Việt Nam theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine là tín hiệu tích cực, để ngành công nghiệp không khói có thể vực dậy sau thời gian trầm lắng vì dịch COVID-19. Bốn địa phương được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho phép thí điểm đón khách quốc tế trong giai đoạn 1 là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hoà, Đà Nẵng và Quảng Ninh.
Sau khi có thông tin Việt Nam sẽ khôi phục một số đường bay thương mại quốc tế từ tháng 1/2022, các công ty lữ hành trong nước ngay lập tức tiếp thị đến các đối tác và nhận nhiều phản hồi tích cực.
Việt Nam được đánh giá có rất nhiều lợi thế để mở cửa du lịch ngay lúc này. Đó là tỉ lệ tiêm phủ vaccine rộng, nhiều điểm du lịch ngoài trời như bãi biển, nắng ấm và thoáng, an toàn hơn các điểm du lịch trong không gian kín tại nhiều nước.
Khi khách nội địa đi du lịch nhiều sẽ tạo tâm lý yên tâm, yên ổn và bình tĩnh hơn cho người dân. Từ đó, có tâm lý tốt khi chấp nhận sống chung với đại dịch. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho Việt kiều về nước.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đã mở cửa du lịch đón khách quốc tế trước như Thái Lan, Singapore... các địa phương đủ điều kiện đón khách quốc tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ trong hành trình tour khép kín, từ giải trí vui chơi đến ăn uống lưu trú. Có như vậy mới khiến khách quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến an toàn sau đại dịch.
Hiện tại, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương đều căn cứ vào đặc thù, hoàn cảnh riêng và thị trường mục tiêu để tìm phương thức hoạt động phù hợp trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết việc nhiều địa phương có quy định khác nhau đã ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tour của công ty du lịch.
Hay quy trình xử lý ca F0 khi phát hiện trong đoàn du lịch cũng khác nhau khiến công ty lữ hành không tự tin khi tổ chức tour, lo ngại làm mất niềm tin của khách hàng vì không đúng như cam kết. Hoặc có trường hợp địa phương là vùng đỏ, dù xe đưa khách du lịch có cam kết đi ngang qua để đến vùng xanh, nhưng cũng không được.
Chưa hết, các phần mềm khai báo y tế hiện vẫn chưa có sự thống nhất, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hoá. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-COVID, nhưng thực tế, Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe Travel, Đà Nẵng lại dùng Zalo 1022, Quảng Nam thì dùng VNEID... Khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục và nhiều phần mềm khai báo mới được nhập cảnh.
Cần một nhạc trưởng
Hiệu quả chương trình thí điểm mở cửa đón khách là cơ sở để cơ quan này có thể đề xuất lên Chính phủ rút ngắn thời gian thí điểm, tạo thuận lợi cho việc mở rộng ra các địa phương khác, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Chỉ khi mở cửa trên diện rộng, du lịch mới hồi sinh hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietravel, nhận định: “Dù Chính phủ đã đưa ra định hướng là mở cửa kinh tế, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, nhưng cách thực hiện của nhiều địa phương vẫn còn cách xa. Một số quy định phòng chống dịch đã được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 128, nhưng các địa phương luôn tăng thêm 1 cấp độ dịch và có thể ‘chuyển màu’ rất nhanh, khiến doanh nghiệp e ngại”.
Trước thực tế trên, người trong ngành cho rằng chiến lược mở cửa du lịch, cần có một nhạc trưởng điều hành xuyên suốt từ trên xuống dưới, có thể là Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng làm Trưởng ban cùng các bộ ngành, địa phương tham mưu quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, để quảng bá tiếp thị hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, Tổng cục Du lịch cần đẩy mạnh truyền thông ra quốc tế.
Hiện các kế hoạch truyền thông về du lịch Việt Nam tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Châu Âu, Nga, Úc... vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox (tạm hiểu là hệ thống đón khách quốc tế khép kín) của Việt Nam có gì khác với Thái Lan hay Singapore.
Hay các điểm đến Việt Nam hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước. Ngoài ra, trong nỗ lực phục hồi, chính sách ưu đãi thuế cần kéo dài, doanh nghiệp cần có vốn để chăm lo quảng bá thương hiệu, cơ sở vật chất và nhân viên.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist, đưa ra kiến nghị Tổng cục Du lịch nên có trang web cập nhật tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cập nhật cho khách trong nước biết trước, để họ có kế hoạch, tự đánh giá độ an toàn để du lịch; sớm mở đường bay thương mại; các đơn vị du lịch vận chuyển nên được giảm thuế VAT từ 10% xuống 7% áp dụng hết năm 2022, chứ không chỉ 2 tháng cuối năm nay.
Sau khi hàng ngàn doanh nghiệp ngành du lịch đã phải rời thị trường, những doanh nghiệp còn tồn tại cũng rất chật vật để cầm cự. Tại Saigontourist, doanh thu năm nay chỉ đạt 7% so với năm 2019. Trước đó, doanh thu của Công ty năm 2019 đạt trên 5.000 tỉ đồng đã giảm xuống còn 25% với khoảng 1.300 – 1.500 tỉ đồng trong năm 2020.
Còn theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của Vietravel, doanh thu thuần nửa đầu năm ghi nhận gần 546 tỉ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị chịu lỗ gộp hơn 140 tỉ đồng. Trong khi đó, các chi phí trong kỳ đồng loạt tăng khiến doanh nghiệp lỗ ròng gần 293 tỉ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế tính đến cuối tháng 6/2021 lên hơn 326 tỉ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Đồng thời, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn đã khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel.
Dù ở tình cảnh kiệt quệ, nóng lòng đón du khách trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại mở cửa nếu không có khách, chưa đảm bảo được sự an toàn thông suốt, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa lần nữa thì không còn cơ hội cho sự phục hồi của họ cũng như ngành du lịch. “Nếu mở cửa trong khi các phương án và quy trình đón khách chưa hoàn thiện thì có nguy cơ cao phải đối diện với những khủng hoảng vượt ra khỏi phạm vi ngành du lịch”, ông Đặng Mạnh Phước, chuyên viên tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox Consulting cảnh báo.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư