Tiếp sức cho tương lai kỹ thuật số

Tiếp sức cho tương lai kỹ thuật số

Tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã diễn ra từ trước khi đại dịch bùng nổ và nó đã được đẩy nhanh tốc độ trong giai đoạn giãn cách xã hội. Về hành vi của người tiêu dùng, việc lướt qua các cửa hàng ảo, mua hàng bằng mã QR và ví điện tử đã trở thành thói quen “bình thường mới” đặc biệt là ở khu vực đô thị.

Khai thác tiềm năng to lớn

Việt Nam được nhận định, giống như nhiều nước Đông Nam Á, đã bỏ qua kỷ nguyên máy tính để bàn và chuyển thẳng sang thiết bị di động – khoảng 72% người trưởng thành Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh và 70% dân số Việt Nam (hiện gần 98 triệu người) có kết nối internet. Trong mắt của các nhà đầu tư ưa chuộng thị trường kỹ thuật số, Việt Nam là một thị trường thú vị, hấp dẫn và việc tiếp cận khách hàng sẽ diễn ra nhanh hơn khi có trên 80% hộ gia đình nên được tiếp cận với cơ sở hạ tầng cáp quang đến năm 2025 (theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam).

Tiếp sức cho tương lai kỹ thuật số

Khi ngành công nghiệp Việt Nam chuyển từ sản xuất công nghệ đơn giản sang nền kinh tế định hướng dịch vụ, tài chính ứng dụng công nghệ (fintech), trí tuệ nhân tạo (A.I), thương mại điện tử (e-Commerce) và phần mềm chắc chắn sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế số, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như Chính phủ.

Ngày nay, thương mại kỹ thuật số tại Việt Nam đã tạo ra lợi ích kinh tế lên tới 81.000 tỉ đồng (3,5 tỉ USD), tương đương với 1,7% GDP và còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng. Theo báo cáo của Công ty tư vấn AlphaBeta, giá trị thương mại kỹ thuật số đến năm 2030 có thể đạt 953.000 tỉ đồng (hơn 41 tỉ USD). Trên thực tế, nếu hàng hoá và dịch vụ kỹ thuật số là một lĩnh vực thì nó sẽ là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam và đến năm 2030 dự kiến tăng 570%.

Thương mại kỹ thuật số có thể tạo ra những tác động tích cực lớn cho nền kinh tế trong nước của Việt Nam với một số lợi ích lớn đến từ bên ngoài lĩnh vực kỹ thuật số. Thật vậy, nếu một doanh nghiệp từ lĩnh vực truyền thống không áp dụng các giải pháp kỹ thuật số và thích ứng với thời đại, họ có nguy cơ bị tụt hậu. Các doanh nghiệp ở Việt Nam với mức độ số hoá cao có thể phát triển nhanh gấp đôi các doanh nghiệp khác.

Với hơn 3.000 công ty khởi nghiệp trong nước áp dụng các chiến lược kỹ thuật số trên nhiều lĩnh vực chẳng hạn như fintech, công nghệ thực phẩm, chăm sóc sức khoẻ, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính kỹ thuật số và trò chơi trực tuyến, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao công nghệ đang phát triển nhanh với nền kinh tế năng động có thể cung cấp một môi trường thích hợp để thử nghiệm các công nghệ mới.

Một cuộc khảo sát về các công ty khởi nghiệp trên khắp châu Á (bao gồm Việt Nam) cho thấy 88% xem việc thu hút đầu tư công nghệ nước ngoài vào đất nước là rất quan trọng. Ảnh: TL.

Một cuộc khảo sát về các công ty khởi nghiệp trên khắp Châu Á (bao gồm Việt Nam) cho thấy 88% xem việc thu hút đầu tư công nghệ nước ngoài vào đất nước là rất quan trọng. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức đã hạn chế sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Đầu tiên, các công ty khởi nghiệp thường thiếu hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển (hầu hết các kỳ lân chỉ nhận được vốn sau khi họ đã tạo dựng được uy tín trên thị trường).

Thứ 2, các công ty khởi nghiệp cũng thiếu nhân lực có kỹ năng phù hợp. Thứ 3, thiếu khung pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý hiệu quả để quản lý các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo. Nếu các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp, chắc chắn họ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Xây dựng nền tảng phát triển

Trái ngược với lo ngại của một số người rằng thương mại kỹ thuật số tự do sẽ dẫn đến việc một số công ty đa quốc gia lớn chiếm được phần lớn lợi ích kinh tế, báo cáo của AlphaBeta lưu ý rằng các công ty đa quốc gia kỹ thuật số là những người đóng vai trò quan trọng cho hệ sinh thái kỹ thuật số địa phương, vốn vẫn còn non trẻ nhưng phát triển nhanh.

Tiếp sức cho tương lai kỹ thuật số

Một cuộc khảo sát về các công ty khởi nghiệp trên khắp Châu Á (bao gồm Việt Nam) cho thấy 88% xem việc thu hút đầu tư công nghệ nước ngoài vào đất nước là rất quan trọng, với một số kênh quan trọng nhất bao gồm tài trợ cho khởi nghiệp, đầu tư vào hệ sinh thái kỹ thuật số và chuyển giao kiến thức.

Cần lưu ý rằng ở Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 40% GDP của cả nước và sử dụng 50% dân số lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nguồn nhân lực để số hoá các hoạt động và dịch vụ của họ. Điều này khiến họ gặp bất lợi đáng kể khi các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam.

Vì vậy, việc cung cấp một nền tảng giáo dục không chỉ hữu ích mà còn có khả năng tiếp cận cao để mỗi cá nhân và tất cả các doanh nghiệp đều có cơ hội học hỏi và phát triển bình đẳng. Đó là lý do tại sao trong vài năm qua, Google đã nỗ lực mang đến cơ hội kỹ thuật số cho tất cả người dân Việt Nam thông qua các khoá đào tạo miễn phí kỹ năng kinh doanh và kỹ thuật số. Chẳng hạn, khi Google lần đầu tiên bắt đầu chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 vào năm 2018, mục tiêu đào tạo 500.000 người về kỹ năng số đến cuối năm 2021. Nhưng mục tiêu đó đã dễ dàng bị vượt qua với hơn 630.000 người đã được hưởng lợi từ sáng kiến này tại thời điểm viết bài.

Trong khi đó, cũng có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự tập trung vào các chính sách chuyển đổi kỹ thuật số đồng nghĩa hệ sinh thái kỹ thuật số non trẻ của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên phù hợp với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội sinh lợi trên một loạt các ngành trong những năm tới. Trong thời gian chờ đợi, điều cần thiết là phải đào tạo và nuôi dưỡng lực lượng lao động kỹ thuật số có tay nghề cao.

Trâm Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư